05/11/2006 15:06 GMT+7

Phim châu Á trước "hàm cá mập" Hollywood

TRUNG NGHĨA
TRUNG NGHĨA

TTCT - Điện ảnh châu Á đang đứng trước những khó khăn lớn, từ chuyện phim Hàn Quốc (HQ) bị giảm tỉ lệ chiếu ở nội địa đến doanh thu của điện ảnh Hong Kong gần đây sa sút thảm hại. Nền điện ảnh các nước khác, trong đó có VN, mới khởi sự những bước đi đầu tiên ra bên ngoài…

BR3QOQmT.jpgPhóng to
Cái bắt tay hợp tác vì tương lai phim châu Á giữa Lưu Đức Hoa (trái) và Ahn Sung Ki
TTCT - Điện ảnh châu Á đang đứng trước những khó khăn lớn, từ chuyện phim Hàn Quốc (HQ) bị giảm tỉ lệ chiếu ở nội địa đến doanh thu của điện ảnh Hong Kong gần đây sa sút thảm hại. Nền điện ảnh các nước khác, trong đó có VN, mới khởi sự những bước đi đầu tiên ra bên ngoài…

Tại Liên hoan phim Busan (PIFF) vừa kết thúc, cuộc “biểu tình một mình” của đạo diễn HQ Kim Dae - Seung, đạo diễn bộ phim Traces of love được vinh dự chiếu đêm khai mạc, gây xôn xao cả làng điện ảnh châu Á vì diễn ra ngay giữa trung tâm tổ chức LHP. “Chúng tôi chưa bao giờ chống lại dòng phim Hollywood hay nền văn hóa Mỹ. Chúng tôi chỉ không muốn Hollywood thống trị thị trường!” - Kim Dae - Seung nói.

Đó là cách đạo diễn Kim phản đối Chính phủ HQ không giữ lời hứa bảo hộ nền điện ảnh nước nhà bằng sự đảm bảo tỉ lệ chiếu phim nội địa ở các rạp trong nước là 40% (sẽ giảm xuống còn 20%!). Ông cay đắng thốt lên: “Đằng sau những bộ phim Hollywood là các thế lực đầu tư hùng mạnh, trong khi phim HQ vẫn còn đang chập chững những bước đi non trẻ. Chúng tôi chưa thể cạnh tranh nổi. Nền văn hóa HQ có nguy cơ bị đánh mất!”.

Những lời của đạo diễn Kim thật sự gióng thêm hồi chuông báo động đối với các nền điện ảnh ở nhiều quốc gia châu Á khác cũng đang phát triển nhọc nhằn trước “võ sĩ hạng nặng” Hollywood. Nhân dịp PIFF diễn ra, tổ chức Liên minh bảo hộ điện ảnh nội địa ở HQ đã tranh thủ tổ chức một buổi tiệc lẫn hội thảo chuyên đề để kêu gọi sự ủng hộ quốc tế lẫn dân chúng về vấn đề này. Chỉ sau những than phiền và những làn sóng phản đối chính phủ cho phép nhập quá nhiều phim ngoại, Chính phủ HQ mới chính thức công bố kế hoạch phát triển nền công nghiệp sản xuất điện ảnh với dự án đầu tư lên đến 670 triệu USD.

Để tự cứu mình: phải làm phim hay

Đòi hỏi nhà nước phải bảo hộ nền điện ảnh bản địa nhưng trước hết phải tự cứu mình, các nhà làm phim châu Á đã ngồi lại và cùng mổ xẻ những vấn nạn để có thể tồn tại cũng như phát triển trước “hàm cá mập” Hollywood. Một trong những giải pháp cho điện ảnh châu Á tại PIFF chính là chợ phim châu Á (AFM) đã thu hút hơn 300 hãng phim từ 22 quốc gia tham dự với mức giao dịch mua bán phim lên đến 3 triệu USD.

Ông Park Kwang - Su, giám đốc chợ phim, hồ hởi: “Chúng tôi muốn quảng bá sự hợp tác sản xuất trên toàn châu Á, mọi người cùng nhau thảo luận, phát triển và quảng bá cho phim châu Á. Tất cả các nhà sản xuất, diễn viên, người làm tiếp thị, phát hành… đều cần được hỗ trợ giúp đỡ”.

Ngay tại buổi giao lưu khán giả ở PIFF với tư cách người được trao giải thưởng “Nhà sản xuất phim trong năm”, ngôi sao Hong Kong Lưu Đức Hoa đã tuyên bố: “Nếu chúng ta ủng hộ nền sản xuất phim ảnh Hàn Quốc lẫn Trung Hoa, chúng ta sẽ tồn tại”. Lưu Đức Hoa và ngôi sao Hàn Quốc Ahn Sung Ki đã cùng tán thành việc duy trì sự hợp tác làm phim giữa các quốc gia và lãnh thổ ở châu Á.

Tuy nhiên, theo anh, yếu tố then chốt vẫn là phải làm ra những bộ phim hay, có chất lượng cao. Bởi đã có một bài học: dù cho có sự hợp tác giữa hai diễn viên tài năng xứ Hàn (Jang Dong Gun) và Hong Kong (Trương Bá Chi) nhưng bộ phim Vô cực vẫn thất bại thảm hại vì kịch bản kém và quá lạm dụng kỹ xảo.

Trong khi đó, đạo diễn người Đài Loan Lest Chen cho biết: “Thị trường phim ở Đài Loan nhỏ nhưng những nhà làm phim trẻ của chúng tôi có thể ứng dụng những kỹ thuật mới nhất như quay phim kỹ thuật số, và điều này lại rất quan trọng đối với phim châu Á vì kinh phí có thể hạ thấp. Bạn có thể bắt đầu làm phim bằng cách sử dụng chính máy tính của bạn và đây cũng là những điều chúng tôi đang làm”.

Mặt khác, đạo diễn Wei Tie đến từ Trung Quốc lại bày tỏ: “Chúng ta chưa thể đương đầu với phim Hollywood, nhưng chúng ta có thể hi vọng rằng những phim kinh phí cao của châu Á có thể cạnh tranh được ở thị trường quốc tế. Các nhà làm phim các nước châu Á tuy phải bắt đầu từ những gì nho nhỏ nhưng hãy nghĩ xa hơn cho tương lai”. Điều Wei Tie nói có thể minh chứng bằng những phim do Trương Nghệ Mưu đạo diễn thuộc loại có kinh phí cao kỷ lục ở châu Á nhưng cũng rất thành công về doanh thu tại thị trường thế giới.

Không quá bi quan

ez0h857J.jpgPhóng to
Trương Ngọc Ánh và chủ tịch PIFF Kim Dong-Ho
Thật ra với một số kịch bản phim HQ được Hollywood mua lại để làm phim hay kịch bản phim Vô gian đạo của Hong Kong được đạo diễn Martin Scorsese làm lại với bối cảnh phương Tây (phim The departed rất ăn khách ở Bắc Mỹ khi trình chiếu vào tháng mười vừa qua) cho thấy tương lai điện ảnh châu Á không quá tối tăm. Hollywood cũng đang đói kịch bản phim và họ phải tìm về điện ảnh châu Á như một nguồn không thể coi thường.

Những nhà điện ảnh đến với PIFF vừa qua đều tin tưởng rằng sức mạnh của nền công nghiệp điện ảnh châu Á trước hết phải được khai thác từ nền văn hóa, bản sắc dân tộc mình, song để vươn ra bên ngoài thì các phim ấy phải thể hiện được ngôn ngữ quốc tế.

Có thể lấy phim Áo lụa Hà Đông của VN làm một ví dụ: truyện phim được xây dựng từ ý tưởng về tà áo dài truyền thống và bối cảnh phim là những năm tháng chiến tranh trong quá khứ bi hùng của dân tộc Việt. Nhưng khi hoàn tất, phim được quảng bá tiếp thị một cách chuyên nghiệp theo xu hướng quốc tế: các đại diện của Vietnam Media Corp. (đơn vị chào bán các bộ phim VN Áo lụa Hà Đông, Chuyện của Pao, Sài Gòn nhật thực… ra nước ngoài), rồi nhà sản xuất Phước Sang, diễn viên Trương Ngọc Ánh… đã trực tiếp có mặt tại Busan để giới thiệu phim; chưa kể còn thuê hẳn gian hàng tại Chợ phim châu Á để bán phim (với kết quả bước đầu cũng khấm khá).

Việc đầu tư đào tạo thế hệ làm phim trẻ có triển vọng cũng là một cách thiết thực để thúc đẩy nền điện ảnh khu vực. Diễn viên kiêm nhà sản xuất phim Lưu Đức Hoa nói: “Nhiều người đã trao cho tôi cơ hội. Giờ đây tôi sẽ trao cơ hội lại cho người khác” để khằng định rằng anh tiếp tục đầu tư cho các đạo diễn trẻ châu Á làm phim. Đạo diễn Philippines Mike Sandejas khẳng định: “Khó khăn thì nhà làm phim châu Á nào cũng gặp phải. Tuy nhiên chúng ta hãy tiếp tục cuộc chơi này".

TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên