04/02/2019 09:33 GMT+7

Phía đông của mặt trăng

KIM THÚY (LÝ THÀNH LỄ và NGUYỄN PHAN QUÊ MAI chuyển ngữ)
KIM THÚY (LÝ THÀNH LỄ và NGUYỄN PHAN QUÊ MAI chuyển ngữ)

TTO - Ở bang Quebec (Canada) nơi tôi đang sống, Giáng sinh là buổi họp mặt diễn ra vào thời điểm ban đêm của cả gia đình.

Phía đông của mặt trăng - Ảnh 1.

Minh họa: BÍCH KHOA

Gia đình ấy không có nghĩa là đại gia đình mà chỉ là gia đình thu nhỏ, gồm cha mẹ, con cái và cháu chắt (nếu có). Buổi tiệc tối hôm đó chỉ dành cho những ai hết sức thân thuộc và cùng một tổ ấm. 

Đêm Giáng sinh, trong không gian khép kín của tổ ấm ấy, duy nhất có thêm một nhân vật xuất hiện. Đó là Ông già Noel. Sau buổi tiệc đêm 24 tháng 12, khi mọi người đã thấm mệt và ngủ say, Ông già Noel là người âm thầm đến thăm họ qua đường ống khói lò sưởi.

Lễ hội Tân niên thì khác hẳn, đó là liên hoan của bạn bè thân thích. Ở các thành phố lớn, người ta tổ chức lễ hội khắp nơi: khách sạn, vũ trường, nhà hàng… 

Vào thời khắc giao thừa, người ta bắt tay nhau, ôm hôn nhau, chúc nhau "Mừng năm mới." Người lớn tuổi thì chúc thêm "sức khỏe", người trẻ tuổi thì chúc "tình yêu". Kế đó, họ cùng nhau khiêu vũ cho đến hừng sáng, trong mơ ước về một sự khởi đầu mới.

Tết Nguyên Đán của người Việt lại còn khác nữa. Tôi thường giải thích cho bạn bè phương Tây rằng vào dịp Tết người ta thường chúc nhau "tuổi thọ", do đó mới có phong tục Mừng Tuổi. 

Theo tôi hiểu, vào nhiều thế kỷ trước, người Việt ít khi tổ chức tiệc mừng sinh nhật, cho đến khi những truyền thống của người phương Tây du nhập vào Việt Nam. Vào dịp Tết, theo truyền thống của người Việt, chúng ta mừng nhau năm mới tuổi mới, không quan trọng sinh nhật mỗi người rơi vào ngày nào.

Tuổi mới đến cùng với Tết. Khái niệm đó dường như khó hiểu với người phương Tây, vì thế tôi thường lấy tuổi của mẹ tôi ra làm ví dụ khi giải thích với họ. Mẹ tôi sanh ngày 7 tháng Giêng dương lịch, khi mẹ oe oe cất tiếng chào đời, bà đã được 1 tuổi rồi, khác với cách tính của người phương Tây, lúc sanh ra mới tính là năm bắt đầu, tròn trĩnh số 0. 

Vì sinh ra vào cận Tết, sau khi đón cái Tết đầu tiên, mẹ tôi được coi như 2 tuổi, trong khi trên thực tế, theo hộ tịch, thì mẹ mới có 1 tháng tuổi. Người phương Tây thường giấu tuổi vì sợ già, vì muốn giảm chậm bước chân vũ bão của thời gian. 

Mẹ tôi thì khác: bà tự hào sử dụng số tuổi Việt Nam của mình vì với con số ấy, bà được đưa vào vị trí "trưởng thượng" và có cảm giác may mắn khi được sống thọ.

Nhiều năm trước, gia đình chúng tôi (trong đó có cả tôi) rời Việt Nam bằng đường biển. Sự sống của chúng tôi lúc đó vô cùng chênh vênh và rất đỗi mong manh. Vì thế khái niệm chào đón tuổi mới của Tết càng có ý nghĩa. 

Chúng tôi chúc nhau không những hằng năm mà là hằng ngày, gặp nhau là mừng nhau có thêm một ngày để sống, sống để bù lại cho những người ra khơi không may mắn, không còn cơ hội chúc nhau: phúc - lộc - thọ.

Cho đến nay, sau 40 năm sống ở Quebec, thật tiếc khi gia đình tôi không còn giữ được đầy đủ truyền thống Tết Nguyên Đán. Ngày Mùng Một âm lịch ít khi rơi vào ngày nghỉ cuối tuần hay ngày lễ chính thức tại đây. 

Trong vài năm đầu ở Montréal (thành phố lớn nhất của Quebec), chúng tôi ăn Tết vào ngày cuối tuần. Nhưng rồi, khi phải làm việc cật lực mỗi ngày để kiếm sống, giữa thời tiết mùa đông băng giá khắc nghiệt, gia đình bà con sống rải rác ở chân trời góc biển, thật khó tổ chức sum họp đại gia đình cho ngày Tết. Vì thế dần dà chúng tôi đã để hương vị Tết phai nhạt.

Tôi không còn cảm nhận được không khí của Tết cổ truyền mặc dầu khái niệm Tết vẫn sống mãi trong tâm khảm, ký ức, và thân phận của tôi. Nếu được hỏi thì tôi luôn nói tôi tuổi con Khỉ chớ không phải Vierge hay Virgo. 

Tôi thường không tổ chức tiệc sinh nhật như bạn bè phương Tây. Tôi chỉ biết tôi già đi. Năm nay tôi được 50 tuổi, có nghĩa là tôi đã vượt qua được 50 năm thử thách khó khăn, biến cố, trở ngại trên lộ trình sống. 

Tôi đón nhận mỗi tuổi mới như một món quà: thêm một năm nữa của tuổi trẻ để sống, vì tôi sẽ có thêm dịp nhìn thấy một mầm non vươn lên từ băng tuyết, sẽ lần nữa được nghe tiếng khóc chào đời của một trẻ sơ sinh, sẽ lần nữa nhìn thấy nụ cười đầu tiên của một cặp tình nhân trẻ ở công viên…

Nặng tình hoài hương và nhất là để chia sẻ văn hóa Việt Nam với bạn bè thân thiết người nước ngoài, thay vì gửi lời mừng họ dịp Giáng Sinh, tôi chúc mừng họ vào ngày Tết, có khi bằng cách tặng những tấm thiệp. 

Hồi năm Tết con gà, tôi kẹp vào mỗi tấm thiệp ấy một sợi lông gà ngắt từ cây chổi mới mua. Trong vài năm qua, tôi chỉ cần mua tem có in hình con giáp từng năm do Bưu Điện Canada bán.

Tết luôn đi theo tôi giòn giã suốt năm bởi vì tôi thường tách tách cắn hạt dưa. Trong tất cả loại hạt từ hạt hướng dương đến hạt dẻ cười, tôi mê nhất là loại hạt dưa độc đáo của người Việt. Khi mùa Tết đến, tôi mua đủ hạt dưa trữ cho cả năm. 

Hạt dưa không chỉ gợi nhớ cho tôi về không khí Tết mà còn hỗ trợ tôi rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày: giúp tôi không ngủ gục khi lái xe, vì mỗi lúc đợi đèn đỏ, tôi phải chăm chú và tập trung để cắn vỡ vỏ hạt. 

Món quà tặng cho bạn bè của tôi cũng thường được gói trong màu rực rỡ của Tết Nguyên Đán: tôi thường hay dùng bao thơ lì xì đỏ để gởi bạn bè một câu chào, một đoạn văn, một bài thơ. 

Phong bì đỏ cũng giúp tôi gửi những lời chúc thượng lộ bình an, mong cho bạn bè sớm khỏe mạnh nếu không may họ bị đau yếu, bởi màu đỏ không chỉ biểu tượng cho ngọn lửa của sự giận giữ hay sự nồng nàn của tình yêu mà còn là màu may mắn trong văn hóa Việt Nam.

Không chỉ thế, trong đời sống thường ngày của mình, Tết dường như luôn hiện diện trong nỗi bữa ăn: tôi thường mời bạn bè dùng cơm gia đình với thịt kho dưa giá, rồi kể cho họ nghe về nhân vật Táo quân – người phải về Trời tâu bẩm với Ngọc Hoàng do đó không có mặt trong bếp ngày mùng một Tết.

Mẹ tôi nấu ăn rất ngon và gói bánh tét thật khéo. Những người bạn của gia đình đôi khi cũng gửi tặng chúng tôi bánh chưng. Chúng tôi thưởng thức bánh chưng bánh tét bất cứ lúc nào, không chỉ là vào dịp Tết. Ba tôi thích bánh tét còn tôi thì nghiện bánh chưng. 

Mặc dầu thật ra nguyên liệu của cả hai thứ bánh cũng không khác nhau là mấy, hai cha con chúng tôi vẫn cố ganh đua trong việc gây ảnh hưởng sở thích của mình lên các con tôi. 

Về phần mình, các con tôi luôn trầm trồ nhìn bà ngoại cắt những chiếc bánh chưng, bánh tét bằng sợi chỉ nhỏ bé và mỏng manh, chính xác và gọn gàng hơn cả những con dao. Sợi chỉ ấy có sức mạnh mê hoặc trong việc kết nối chúng tôi với cội nguồn, khiến chúng tôi dâng trào cảm giác ấm áp của lòng tự hào dân tộc.

Thật sự là tôi không còn tổ chức ăn uống rình rang vào ngày Tết. Nhưng nếu muốn nói một cách chính xác, tôi vẫn mang trong mình tình yêu trinh nguyên dành cho vẻ đẹp và sự trù phú của truyền thống Tết Nguyên Đán. 

Tôi yêu Tết, vì nói cho cùng, tôi vẫn còn là người Việt Nam. Ánh sáng từ trái tim tôi đến từ phía đông của mặt trăng, nơi ấy chú Cuội vẫn dịu dàng cám dỗ cô Hằng. Một sự cám dỗ đầy mê muội.

nv kim thuy va me

Sinh tại Sài Gòn năm 1968, nhà văn Kim Thúy (bên phải trong ảnh và mẹ) là tác giả của ba tiểu thuyết (Ru, Mãn và Vi).

Các tác phẩm của chị đã được dịch và xuất bản ở 27 quốc gia, giành được các giải thưởng danh giá: giải thưởng của Toàn quyền Canada năm 2010, giải thưởng văn học Grand Prix RTL-Lire (Pháp), giải thưởng Mondello cho sự đa dạng về văn hóa (Ý), giải thưởng Canada Reads do bạn đọc Canada bình chọn cho quyển sách xuất sắc nhất.

Là người say mê với ẩm thực Việt, nhà văn Kim Thúy từng mở nhà hàng Việt Nam ở Quebec, tự tay nấu các món ăn. Chị cũng là tác giả của quyển sách nấu ăn Le secret des Vietnamiennes (Bí mật của những người phụ nữ Việt).

Quyển sách vừa được Måltidsakademin (một tổ chức chuyên nghiên cứu về văn hóa và ẩm thực) vinh danh với giải thưởng dành cho quyển sách nấu ăn xuất sắc nhất được chuyển ngữ sang tiếng Thụy Điển năm 2018.Sinh tại Sài Gòn năm 1968, nhà văn Kim Thúy là tác giả của ba tiểu thuyết (Ru, Mãn và Vi).

Các tác phẩm của chị đã được dịch và xuất bản ở 27 quốc gia, đã giành được các giải thưởng danh giá: giải thưởng của Toàn quyền Canada năm 2010, giải thưởng văn học Grand Prix RTL-Lire (Pháp), giải thưởng Mondello cho sự đa dạng về văn hóa (Ý), giải thưởng Canada Reads do bạn đọc Canada bình chọn cho quyển sách xuất sắc nhất.

Là người say mê với ẩm thực Việt, nhà văn Kim Thúy từng mở nhà hàng Việt Nam ở Quebec, tự tay nấu các món ăn. Chị cũng là tác giả của quyển sách nấu ăn Le secret des Vietnamiennes (Bí mật của những người phụ nữ Việt). Quyển sách vừa được Måltidsakademin (một tổ chức chuyên nghiên cứu về văn hóa và ẩm thực) vinh danh với giải thưởng dành cho quyển sách nấu ăn xuất sắc nhất được chuyển ngữ sang tiếng Thụy Điển năm 2018.

Nên có môn Nên có môn 'văn hóa đọc'

TTO - Ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - có đề xuất như thế khi trao đổi với Tuổi Trẻ nhằm tạo thói quen đọc sách cho học sinh.

KIM THÚY (LÝ THÀNH LỄ và NGUYỄN PHAN QUÊ MAI chuyển ngữ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên