18/10/2023 10:38 GMT+7

Phát thông báo, huy động tàu hàng hải hỗ trợ tìm kiếm 13 ngư dân mất tích

Theo đại diện Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), đơn vị đã yêu cầu Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam phát thông báo hàng hải, huy động các tàu hàng hải trong khu vực hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn 13 ngư dân mất tích trên biển.

Đại diện Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) thông tin về việc tìm kiếm 13 ngư dân mất tích trên biển - Ảnh: C.BÍCH

Đại diện Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) thông tin về việc tìm kiếm 13 ngư dân mất tích trên biển - Ảnh: C.BÍCH

Thông tin này được đại tá Lê Quang Hào - trưởng phòng phòng chống thiên tai, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng) - cho biết tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới, do Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức sáng 18-10.

Đại tá Hào cho biết về phía Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Hải quân điều 3 tàu KN471, KN467, VH735, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển điều tàu 8002 cùng lực lượng, trang thiết bị y tế đã cơ động đến hiện trường tìm kiếm ngư dân gặp nạn.

"Tại hiện trường hiện nay đang có 9 tàu (2 tàu hàng nước ngoài và 7 tàu cá) tìm kiếm ở khu vực hai tàu cá gặp nạn.

Hơn 22h đêm qua, tàu cảnh sát biển và tàu của Quân chủng Hải quân đã tới hiện trường để tham gia tìm kiếm.

Đến thời điểm này còn 13 thuyền viên chưa tìm thấy. Hiện các lực lượng vẫn đang khẩn trương tìm kiếm ngư dân mất tích" - đại tá Hào thông tin thêm.

Chìm tàu câu mực 13 người mất tích: Âu lo khi chưa tìm được thêm ngư dân nào

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 6h sáng nay đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 53.000 tàu/226.037 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh. Hiện các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam đã cấm biển.

Về ngập lụt do mưa lớn, tại TP Đà Nẵng, các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Hòa Vang còn ngập úng cục bộ tại một số vị trí. Tại Thừa Thiên Huế, các khu dân cư cơ bản hết ngập. Còn Quảng Ngãi nước đang rút, huyện Bình Sơn còn một số điểm bị ngập lụt, chia cắt cục bộ.

Ông Nguyễn Văn Tiến - phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai - cho biết vẫn có những thiệt hại đáng tiếc do áp thấp nhiệt đới, nhất là tai nạn tàu thuyền.

"Những năm gần đây, qua theo dõi cứ áp thấp nhiệt đới là có tàu gặp nạn. Thứ nhất do bà con còn chủ quan về áp thấp nhiệt đới. Thứ hai, trong áp thấp nhiệt đới thường xuất hiện những vùng xoáy cục bộ.

Một vấn đề nữa là điều khiển tàu, khi thấy sóng lớn thì tàu phải ga tốc độ lớn để vượt sóng, lúc đó công suất tàu dùng hết, khi tàu lên sẽ hẫng đằng sau thì guồng quay với tốc độ lớn vục ngay xuống sâu nên dẫn tới gãy chân vịt hoặc gãy hộp số, cơn sóng sau tới là tàu lật ngay" - ông Tiến nói và đề nghị cần có đánh giá lại để làm sao hướng dẫn cho ngư dân để giảm thiểu thiệt hại.

Kết luận cuộc họp, ông Phạm Đức Luận - chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai - lưu ý áp thấp nhiệt đới chưa mạnh lên thành bão nhưng vẫn đặc biệt nguy hiểm với các tàu thuyền đánh cá ven bờ.

"Rất nhiều bài học khi có áp thấp nhiệt đới cá rất nhiều, bà con ham, chỉ cần gió cấp 5-6 có thể chìm tàu, thuyền. Do đó phải kiên quyết kêu gọi ngư dân vào bờ và các địa phương chủ động cấm biển để đảm bảo an toàn" - ông Luận nói.

Đối với việc tìm kiếm cứu nạn ngư dân mất tích trên 2 tàu cá gặp nạn trên biển, ông Luận đề nghị Cục Cứu hộ cứu nạn tiếp tục huy động mọi lực lượng, phương tiện tìm kiếm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng để tìm kiếm càng nhiều ngư dân càng tốt. Đối với ngư dân đã cứu được thì chăm sóc y tế, thuốc men để đảm bảo sức khỏe.

Máy bay, tàu nước ngoài, tàu cảnh sát biển, kiểm ngư quần thảo tìm kiếm ngư dân mất tíchMáy bay, tàu nước ngoài, tàu cảnh sát biển, kiểm ngư quần thảo tìm kiếm ngư dân mất tích

Trong đêm 17-10, máy bay rồi tàu cảnh sát biển, kiểm ngư tiếp cận tìm kiếm tung tích 13 ngư dân mất tích của tàu bị chìm ở Trường Sa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên