Họp báo phát động chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2018 - Ảnh: NAM TRẦN
Đối tượng dự thi là công dân Việt Nam dưới 35 tuổi đang học tập, sinh sống tại Việt Nam và nước ngoài
Chương trình tiếp tục tìm kiếm các công trình, sáng kiến góp phần đổi mới giáo dục và đào tạo thuộc 3 nhóm nội dung: Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; Sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu; Công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.
Các công trình, sáng kiến sẽ được lựa chọn dựa trên tính mới và tính khả thi.
Hơn 600 công trình dự thi sau hai năm
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, đánh giá cao chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" đã khắc phục được hạn chế mà Trung ương Đoàn nêu ra liên quan đến "Tuổi trẻ sáng tạo".
Đó là, chưa có cơ chế hỗ trợ cho đề án sáng tạo áp dụng vào thực tiễn; chưa có hình thức kết nối các chủ đề án với cơ quan có khả năng ứng dụng. Nhưng cuộc thi đã giải quyết được, đồng bộ các khâu phát hiện, tôn vinh, ứng dụng thực tiễn và đồng hành hỗ trợ.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn - Ảnh: NAM TRẦN
"Có rất ít cuộc thi mà sau hai năm tổ chức chúng ta có được sức lan tỏa, số lượng thí sinh và công trình dự thi rộng rãi như vậy. Đây là cuộc thi mà tác giả phải trăn trở, thử nghiệm, đầu tư nhiều thời gian công sức, trí tuệ, tiền bạc.
Sau hai năm có hơn 600 công trình dự thi, đây là con số rất đáng khích lệ. Có được kết quả như vậy, ngoài sự cố gắng của các cấp bộ Đoàn, báo Tuổi Trẻ thì sự tham gia, tuyên truyền của các cơ quan thông tấn báo chí có đóng góp quan trọng để lan tỏa lớn", anh Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Bí thư thường trực Trung ương Đoàn cũng khẳng định cuộc thi đã giải quyết được "sự phàn nàn của phụ huynh, học sinh về hệ thống giáo dục", có cơ chế hữu hiệu để tham gia đóng góp, đổi mới giáo dục Việt Nam. Đồng thời bày tỏ cần có sự vào cuộc của các ban ngành, có phối hợp để đạt mục tiêu có nhiều tác phẩm dự thi và ứng dụng vào thực tiễn hiệu quả.
Ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long - Ảnh: NAM TRẦN
Phát biểu tại chương trình, ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long, chia sẻ: song song với việc tìm kiếm ý tưởng, chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" đã tích cực làm cầu nối hỗ trợ ứng dụng các công trình tiêu biểu vào thực tiễn.
Hành trình này đạt được thành công bước đầu khi một số ý tưởng của người trẻ đã bước đến bục giảng, hỗ trợ đắc lực trong hoạt động dạy và học.
Suốt hai năm tổ chức cuộc thi, anh Nguyễn Minh Triết, Trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, đánh giá chương trình đã thu hút tri thức trẻ ở ngoài nước tham gia.
Ban tổ chức có phân công để trao đổi thông tin, đích đến hướng tới là áp dụng cho giáo dục trong nước. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, giải thưởng và bình chọn online để đối tượng dự thi ở nước ngoài có thể nắm bắt được thông tin kịp thời.
"Tri thức trẻ vì giáo dục" đi vào thực tiễn
Hai năm đồng hành với các tác giả, ngoài phần thưởng các tác giả được nhận, ban tổ chức đều rà soát lại các công trình có khả năng cao áp dụng thực tiễn để tìm kiếm nguồn lực, xã hội hóa đưa công trình ứng dụng vào thực tiễn.
Tại cuộc họp báo, có hai công trình, sáng kiến được ban tổ chức trao hỗ trợ để công trình sớm đi vào thực tiễn gồm: hỗ trợ xuất bản sách với công trình "Áp dụng hình thức debate quốc tế vào hoạt động dạy và học ở trường THPT" của tác giả Phạm Hoàng Ân (phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ) và hỗ trợ gói truyền thông đối với công trình "Nền tảng phát triển giáo dục Open Classroom" của tác giả Nguyễn Hữu Hải và cộng sự.
Trao hỗ trợ kinh phí truyền thông cho đại diện tác giả Nguyễn Hữu Hải - Ảnh: NAM TRẦN
Được nhận hỗ trợ gói truyền thông công trình, tác giả Nguyễn Hữu Hải chia sẻ nhóm tác giả chỉ đơn thuần là người làm kỹ thuật nhưng nhờ ban tổ chức mà các giáo viên, học sinh trực tiếp liên hệ với nhóm tác giả. Cuộc thi này rất ý nghĩa với những người làm giáo dục và những người ngoài ngành giáo dục.
Tác giả Phạm Hoàng Ân chia sẻ với độ tuổi như tác giả cần sự hỗ trợ để thực thi công trình, là bước đầu đưa công trình của tác giả đến với giáo viên và học sinh.
Sau mỗi cuộc thi, có nhiều công trình đạt giải thưởng đã được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, bước đầu thu hút sự quan tâm của người học, các thầy, cô giáo.
Tiêu biểu có công trình "Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trường học" được tài trợ, xuất bản 1.500 cuốn và phát hành toàn quốc. Ngay sau khi được thị trường đón nhận, cuốn sách tiếp tục được tái bản lần thứ hai với số lượng 3.000 cuốn và đang chuẩn bị tái bản lần thứ ba với số lượng 4.500 cuốn.
Công trình ứng dụng "Trợ thủ học tập trên điện thoại di động", "Nền tảng phát triển giáo dục Open Classroom" đi vào hoạt động miễn phí với lượng người dùng tăng lên tăng lên hàng ngày.
Hay phần mềm học song ngữ FullLook đã được thương mại hóa và có doanh thu; "Bộ tiêu bản phục vụ giảng dạy môn sinh học ở THPT" được nhiều trường đặt hàng sản xuất đưa vào phục vụ giảng dạy.
Nhiều công trình tiếp tục gặt hái thành công sau khi đạt giải thưởng như: công trình "Thiết kế, chế tạo một số thiết bị thí nghiệm mới phần cảm ứng điện từ để sử dụng trong dạy học Vật lý ở tường phổ thông" được đưa vào Sách vàng "Sáng tạo Việt Nam năm 2017"; công trình "Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe" đã đạt giải nhất lĩnh vực CNTT giải thưởng "Nhân tài Đất Việt 2017".
Cách dự thi:
Tác giả gửi hồ sơ dạng file tới địa chỉ email trithuctrevigiaoduc@gmail.com, gồm các tài liệu bắt buộc:
- Bản đăng ký theo mẫu của chương trình.
- Bản tóm tắt về công trình, sáng kiến (không quá một trang giấy A4).
- Bản toàn văn và các phụ lục, hình ảnh, video clip minh họa, bản vẽ kỹ thuật kèm theo (nếu có).
- 1 ảnh chân dung bán thân.
Hạn nộp hồ sơ đến hết ngày 30-9. Bình chọn online trên website http://trithuctre.doanthanhnien.vn từ ngày 5-10 đến ngày 10-10.
Vòng chung khảo cuộc thi sẽ diễn ra trước ngày 12-10. Lễ trao giải dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 3-11.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận