11/01/2018 19:33 GMT+7

Phạm Công Danh xin tòa xem xét cho giám đốc 'bù nhìn'

TÂM LỤA - UYÊN TRINH
TÂM LỤA - UYÊN TRINH

TTO - Ngày 11-1, ngày làm việc thứ 4 phiên xét xử đại án Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT VNCB) và 45 đồng phạm, hội đồng xét xử tiếp tục thẩm vấn các bị cáo về những sai phạm trong việc làm thất thoát của VNCB hơn 6000 tỉ đồng.

Phạm Công Danh xin tòa xem xét cho giám đốc bù nhìn - Ảnh 1.

Bị cáo Phạm Công Danh tỏ ra mệt mỏi và được dẫn đi chăm sóc y tế tại tòa - Ảnh: HỮU THUẬN

Trong vụ án này, có hàng loạt các bị cáo là nhân viên, lái xe, tạp vụ… được Phạm Công Danh thuê làm giám đốc để đứng tên các công ty nhằm mục đích hoàn thiện hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng. 

Khai trước tòa, nhiều bị cáo cho biết cho đến khi được cơ quan điều tra mời lên làm việc, các bị cáo mới biết mình đã ký tên vay ngân hàng hàng trăm tỷ đồng. Số tiền vay được không biết đã được chuyển cho ai, các bị cáo cũng không được hưởng lợi gì…

Tất các bị cáo đều đề nghị hội đồng xét xử xem xét vì khoản tiền vay quá lớn, các bị cáo không có tiền để liên đới chịu trách nhiệm bồi thường. Khi được thuê làm giám đốc, các bị cáo được trả lương từ 5-10 triệu đồng/tháng.

Được tòa gọi lên thẩm vấn, bị cáo Phạm Công Danh thừa nhận lời khai của các bị cáo là giám đốc "bù nhìn" nêu trên là hoàn toàn đúng sự thật.

"Những bị cáo này vì tin nên mới đứng tên giúp bị cáo chứ bị cáo không hề áp đặt để trục lợi gì từ việc này. Họ không hưởng lợi hay yêu cầu gì. Bị cáo không chối cãi gì cả, cũng không áp đặt gì cho họ. Mong hội đồng xét xử xem xét vì hoàn cảnh của họ hầu hết đều khó khăn" - bị cáo Danh trình bày.

Liên quan đến việc Phạm Công Danh dùng 12 công ty để lập hồ sơ khống vay 4.700 tỉ đồng của BIDV, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Tuy nhiên bị cáo Mai lý giải thời điểm 2013, HĐQT VNCB muốn tăng vốn điều lệ nên phải dùng 12 công ty không hoạt động trên thực tế để lập hồ sơ vay 4.700 tỉ đồng của BIDV.

"Thời điểm này, mọi người cũng mong muốn, nóng lòng ngân hàng có vốn điều lệ mới, uy tín mới, vị trí mới để phát triển kinh doanh"- bị cáo Mai trình bày.

Sau khi vay của BIDV 4700 tỉ đồng, VNCB đã đưa 4.200 tỉ đồng vào ngân hàng để tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên việc tăng vốn này không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước không chấp thuận nhưng Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Long An vẫn thay đổi giấy phép kinh doanh cho VNCB. Vị chủ tọa phiên tòa mời đại diện Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Long An lên để thẩm vấn làm rõ những mâu thuẫn này nhưng vị đại diện vắng mặt tại phiên tòa.

Ngày mai 12-1, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.

TÂM LỤA - UYÊN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên