20/02/2024 09:26 GMT+7

Phác họa chân dung người đoàn viên đầu tiên

Tác giả Dương Trọng Phúc - một cán bộ Đoàn của TP.HCM - vừa ra mắt cuốn sách Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử (Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM), ngay áp Tết 2024.

Tác giả Dương Trọng Phúc ký tặng sách cho bạn đọc đặt mua và cuốn sách Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử - Ảnh: HỒNG ANH

Tác giả Dương Trọng Phúc ký tặng sách cho bạn đọc đặt mua và cuốn sách Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử - Ảnh: HỒNG ANH

Dương Trọng Phúc có tài khoản mạng xã hội là "Anh cán bộ Đoàn". Anh hiện làm phó hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng, nơi đào tạo rất nhiều thế hệ cán bộ Đoàn - Hội - Đội cho Thành Đoàn TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác.

Chia sẻ về cuốn sách, anh Phúc nói:

- Khi về công tác tại Trường Đoàn Lý Tự Trọng, tôi mong muốn được tìm hiểu thêm nhiều thông tin về người anh hùng mà trường mang tên. Một phần để mình biết thêm, phần khác để làm tài liệu truyền đạt đến các bạn đoàn viên thanh niên.

Tìm kiếm trên Internet và tư liệu, tôi nhận ra thông tin về anh Lý Tự Trọng không chỉ ít ỏi mà còn lệch nhau. Chẳng hạn khi tìm hình anh Trọng trên mạng sẽ cho ra hình anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.

Thậm chí có cả thông tin anh Trọng vì bảo vệ Phan Bội Châu diễn thuyết nên bị bắt, trong khi thật ra người diễn thuyết là Phan Bôi, nhưng nhiều đơn vị không để ý chi tiết này và vẫn đang sử dụng. Tôi muốn tự mình tìm hiểu để có những thông tin tạm gọi là đầy đủ nhất.

Tôi muốn chia sẻ những gì tìm được về người đoàn viên đầu tiên như cách góp phần vào việc giáo dục truyền thống của Đoàn. Có lẽ rất cần thêm hoạt động khoa học để khẳng định thông tin về cuộc đời, sự nghiệp của anh Lý Tự Trọng.

DƯƠNG TRỌNG PHÚC

Lần tìm tư liệu ít ỏi

* Anh đã bắt đầu hành trình đi phác họa chân dung người đoàn viên đầu tiên ấy thế nào?

- Thật lòng mà nói, dịch bệnh COVID-19 chính là sự thúc đẩy, giúp tôi có nhiều thời gian đọc sách, thêm cơ hội tiếp xúc qua mạng xã hội với nhiều người hơn. Nhờ đó phần nào khai thác, tìm kiếm tư liệu cũng tốt hơn.

Người đầu tiên tôi tìm gặp là nhà báo Minh Thùy trong ê kíp làm phim Lý Tự Trọng - Người truyền lửa. Qua sự chỉ dẫn cùng một số thông tin chị Minh Thùy cung cấp, tôi đã vạch ra hướng tiếp cận cho mình.

Tôi tìm cách kết nối và gọi điện thoại cho bác Lý Kiến Nam (con trai nhà cách mạng Lý Phương Đức - người cùng trong nhóm thiếu niên với anh Lý Tự Trọng).

Tiếp tục tìm kiếm, tôi kết nối qua mạng với cô Bùi Lý Lệ Tân (con gái nhà cách mạng Lý Phương Thuận - cũng là người trong nhóm thiếu niên nói trên và từng bị bắt cùng với Bác Hồ trong vụ án Tống Văn Sơ ở Hong Kong năm 1931).

Cứ lần tìm như vậy, tôi lại có được mối quan hệ bắc cầu và tiếp xúc thêm nhiều anh chị em khác. Có thể kể đến như các anh phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Thái Lan và Nga, các bạn Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp, Nga, Trung Quốc...

* Vấn đề là tư liệu lịch sử về người anh hùng trẻ tuổi ấy rất ít, khá mờ nhạt...

- Thời điểm dịch bệnh đã ổn hơn, tôi có nhiều chuyến đi trực tiếp đến Trung tâm Lưu trữ I, Thư viện Quốc gia ở Hà Nội, Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II. Tôi cũng tìm tới các bảo tàng: Lịch sử Việt Nam, Tuổi trẻ Việt Nam, Xô Viết Nghệ Tĩnh, rồi hai thư viện Nghệ An và Hà Tĩnh...

Đặc biệt sau nhiều mắt xích, tôi đã tìm gặp được hầu hết gia đình của những người trong nhóm thiếu niên cùng thời với anh Lý Tự Trọng mà các tài liệu lịch sử Đoàn có nhắc như gia đình các ông bà: Lý Phương Đức, Lý Phương Thuận, Lý Văn Minh, Lý Thúc Chất, Lý Anh Tợ...

Tôi lần dò trên các trang bán sách cũ, các chợ sách cũ để tìm lại các cuốn sách và hồi ký cách mạng. Từ những điều ghi nhận, tìm kiếm được, tôi tự chắt lọc thành tư liệu cho bản thân.

Hành trình 3 năm

* Anh mất bao lâu để hoàn thiện trang viết cuối cùng tính từ khi lên ý tưởng thực hiện?

- Ba năm cho hành trình ấy nhưng không phải làm liên tục vì còn những công việc chuyên môn ở cơ quan. Cũng có lúc tìm mãi không ra được tài liệu cần thiết, bản thân có hơi hụt hẫng nên cần bình tâm lại, phân tích, tìm giải pháp để khi có phát hiện mới lại bắt tay tiếp tục.

Thực ra khi bắt đầu tôi đã xác định việc này không thể vội được. Nếu chủ quan sẽ dễ sai nên tôi cố gắng cẩn thận nhất trong khả năng của mình. Rất vui khi có thể ra mắt sách nhân 110 năm ngày sinh anh Lý Tự Trọng năm nay.

* Tác phẩm có thông tin gì mới, khác với một vài tác phẩm hiếm hoi về anh Lý Tự Trọng trước đây?

- Trong các tư liệu tìm được và nỗ lực xác thực, cuốn sách cung cấp một số thông tin mới về gia đình, mối quan hệ và hành trình di chuyển của nhóm thiếu niên ngày ấy, về hoạt động cụ thể của anh Lý Tự Trọng tại Trung Quốc và Việt Nam.

Ngoài ra còn là thông tin về vị trí anh Trọng bắn mật thám Pháp, phiên tòa được mở để kết tội cũng như thời gian anh mất... Đây là thể loại sách khảo cứu. Tôi dựa vào báo chí, hồi ký, sách vở để đối chiếu thông tin, tư liệu và đưa ra quan điểm nhận định.

Đọc và chiêm nghiệm

* Bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ, và đoàn viên có thể tìm được gì từ cuốn sách?

- Bạn đọc sẽ tìm thấy thông tin tương đối đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của anh hùng Lý Tự Trọng. Có thể là lần đầu tiên tôi xây dựng sơ bộ biên niên, phác họa chân dung về cuộc đời dù chỉ ngắn ngủi 17 năm nhưng anh Trọng đã sống những ngày vô cùng ý nghĩa.

Tôi mong mỗi bạn tiếp xúc với tư liệu này để bản thân tự cảm nhận ý nghĩa và giá trị câu nói "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác" rất nổi tiếng của người anh hùng mà chúng ta đã biết.

Dự kiến ngày 3-3, Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM sẽ giới thiệu tác phẩm Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử và giao lưu cùng tác giả Dương Trọng Phúc tại Đường sách TP.HCM.

Cán bộ Đoàn mang quân hàm xanhCán bộ Đoàn mang quân hàm xanh

5 năm gắn bó ở mảnh đất đầy nắng gió miền biên viễn Việt - Lào, anh đội trưởng đội trinh sát được nhắc đến với nhiều chiến công, thành tích trong công tác.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên