16/02/2019 11:10 GMT+7

Ông Trump bị điều tra sau tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Chỉ vài giờ sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vấp phải các thách thức pháp lý đầu tiên bao gồm một cuộc điều tra của Ủy ban Tư pháp hạ viện và những đe dọa kiện tụng khác.

Ông Trump bị điều tra sau tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới Mỹ - Mexico - Ảnh: REUTERS

AFP dẫn lời các chuyên gia pháp lý ngày 15-2 nói rằng "chưa từng có tiền lệ" một tổng thống sử dụng quyền hạn của mình để ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia "vượt mặt" quốc hội nhằm có được nguồn tiền mong muốn. 

Trường hợp của ông Trump chính là khoản tiền gần 6 tỉ USD để xây bức tường biên giới với Mexico nhằm ngăn dòng người nhập cư bất hợp pháp ồ ạt vào Mỹ.

Họ cũng đặt câu hỏi về việc ông Trump đưa vấn đề nhập cư vào "trường hợp khẩn cấp quốc gia" và việc ông khai thác các quỹ quân sự cho một dự án phi quân sự.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer nói trong một tuyên bố chung, rằng các hành động của Tổng thống Trump đã vi phạm quyền của quốc hội là phân bổ ngân sách liên bang theo quy định của hiến pháp.

"Quốc hội sẽ bảo vệ các cơ quan được lập ra bởi hiến pháp của chúng tôi tại quốc hội, tại tòa án và trước công chúng bằng cách sử dụng mọi biện pháp sẵn có" - bà Pelosi và ông Schumer nói thêm.

Thống đốc California Gavin Newsome cũng cảnh báo: "Tổng thống Trump đang tạo ra một cuộc khủng hoảng về việc tuyên bố 'tình trạng khẩn cấp quốc gia' để giành lấy quyền lực. California sẽ gặp ông ta tại tòa án".

Thêm vào đó, như Bloomberg đưa tin, nữ nghị sĩ của New York và là nghị sĩ trẻ nhất Quốc hội Mỹ, bà Alexandria Ocasio-Cortez, nói rằng bà sẽ cùng nghị sĩ Dân chủ Joaquin Castro giới thiệu một luật mới nhằm ngăn chặn tuyên bố khẩn cấp của ông Trump.

Ông Castro cho biết đạo luật trên cũng trao cho quốc hội thẩm quyền để ngăn tình trạng khẩn cấp quốc gia bằng cách ban hành một nghị quyết chung.

Ngược lại, theo Straits Times, ông Trump tuyên bố rất trông chờ vào cuộc chiến pháp lý sắp tới và dự đoán ông sẽ là người thắng thế tại Tòa án tối cao, dù thừa nhận có thể thua ở những tòa án cấp thấp hơn.

"Chúng tôi có tình trạng khẩn cấp quốc gia và rồi chúng tôi bị kiện. Sau đó chúng tôi sẽ nhờ đến phán xét cuối cùng của Tòa án tối cao và chúng tôi hi vọng sẽ được xét xử công bằng và chúng tôi sẽ thắng tại Tòa án tối cao" - tổng thống Mỹ tuyên bố ngày 15-2 (giờ địa phương). 

Ông Trump đã dùng đến đạo luật Khẩn cấp quốc gia năm 1976 sau khi quốc hội từ chối phân bổ 5,7 tỉ USD để xây tường theo yêu cầu của ông. Nhà Trắng cho biết việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp trao quyền cho họ rút khoảng 6,6 tỉ USD từ các nguồn khác, chủ yếu là các quỹ đã được phân bổ trong ngân sách của Bộ Quốc phòng.

Giáo sư luật của ĐH Mỹ Jennifer Daskal nói rằng đó là một động thái tạo ra tiền lệ và nhìn nhận rằng đạo luật Khẩn cấp quốc gia "chưa từng được sử dụng theo cách đó".  

Những người chỉ trích cho rằng ông Trump đã tạo ra một tiền lệ cho các tổng thống tương lai để hành động khi không thể thỏa thuận với quốc hội.

AFP cho biết Nhà Trắng đã bác bỏ lập luận này, nhấn mạnh: "Điều này thực sự không tạo ra tiền lệ. Đây đã là quyền hạn được trao cho tổng thống theo quy định của pháp luật".

Dù vậy, bất kỳ cuộc chiến pháp lý sắp tới nào giữa ông Trump và những người phản đối cũng sẽ tập trung vào định nghĩa "khẩn cấp" do đạo luật không quy định rõ ràng về những gì "phải" hay "không phải" là một trường hợp khẩn cấp quốc gia.

California sẽ kiện ông Trump vì tuyên bố tình trạng khẩn cấp California sẽ kiện ông Trump vì tuyên bố tình trạng khẩn cấp

TTO - Tổng chưởng lý bang California ngày 15-2 tuyên bố bang này sẽ kiện Tổng thống Donald Trump vì việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp để có ngân sách xây bức tường biên giới.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên