Tấm huy chương vàng Olympic của Hoàng Xuân Vinh là một trong những điểm nhấn của thể thao Việt Nam dưới thời ông Vương Bích Thắng - Ảnh: H.Đ.
Cuộc chuyển giao lần này của ông Thắng với ông Phấn được hi vọng sẽ tiếp nối mạch thành công cho thể thao nước nhà.
Phát súng lịch sử của Hoàng Xuân Vinh
Năm năm qua là thời hoàng kim của thể thao Việt Nam khi đã đạt được nhiều thành tích vang dội. Trong đó, năm 2016 xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lần đầu tiên trong lịch sử giành huy chương vàng cho thể thao Việt Nam trên đấu trường Olympic.
Thế nhưng trước phát súng lịch sử của Hoàng Xuân Vinh, thể thao Việt Nam đã phải ngụp lặn trong thất bại gần một thập niên. Trên đấu trường Olympic, kể từ huy chương bạc cử tạ tại Olympic Bắc Kinh 2008 của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn, đến Olympic London 2012 thể thao Việt Nam lại trắng tay. Ở đấu trường Asiad, thể thao Việt Nam thất bại ở hai kỳ đại hội liên tiếp là Quảng Châu (2010) và Incheon (2014).
Đầu năm 2016, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có bộ trưởng mới là ông Nguyễn Ngọc Thiện. Một lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao nhớ lại: "Những ngày ông Thiện mới ra làm bộ trưởng, các cuộc họp với Tổng cục Thể dục Thể thao rất nặng nề, bởi thể thao khi đó được đánh giá là "xuống đáy" sau nhiều đại hội thất bại bê bết.
Với kinh phí mỗi năm chỉ trên dưới 500 tỉ đồng từ ngân sách trung ương, ngành thể thao phải nuôi hàng ngàn vận động viên của mấy chục đội tuyển quốc gia từ: tiền ăn, tiền lương, trang thiết bị tập luyện, sửa sang nhà tập... Kinh phí eo hẹp, xã hội hóa hạn chế, dù vận động viên, huấn luyện viên, nhà quản lý thể thao làm việc cật lực nhưng thành công vẫn chưa tới. Áp lực trên vai những người làm thể thao ở thời điểm đó rất nặng nề".
Phát súng của Xuân Vinh vì thế đã thay đổi lịch sử của thể thao Việt Nam. Bốn năm qua, với sự điều chỉnh quyết liệt trong việc đầu tư, tận dụng được lợi thế của các vận động viên tài năng, thể thao Việt Nam đã liên tiếp gặt hái thành công.
Sau thành công tại Olympic 2016, tại Asiad 2018 Indonesia, đoàn thể thao Việt Nam đã đạt thành công ngoài mong đợi khi giành đến 5 HCV, 16 HCB, 19 HCĐ và đứng thứ 17/37 quốc gia tham dự đại hội.
Ở bóng đá nam, thành tích của đội tuyển quốc gia và tuyển U23 Việt Nam đã làm nức lòng người hâm mộ khi liên tiếp đoạt HCB U23 châu Á 2018, vô địch AFF Cup 2018, HCV SEA Games 2019.
Kỳ vọng vào ông Trần Đức Phấn
Hiện Tổng cục Thể dục Thể thao có 4 phó tổng cục trưởng: ông Trần Đức Phấn phụ trách thể thao thành tích cao và là trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại các đại hội quốc tế; bà Lê Thị Hoàng Yến phụ trách truyền thông - đối ngoại; ông Nguyễn Hồng Minh phụ trách các liên đoàn thể thao quốc gia và thể thao người khuyết tật; ông Nguyễn Danh Hoàng Việt phụ trách lĩnh vực khoa học thể thao.
Trong số bốn phó tổng cục trưởng, ông Phấn và bà Yến là hai người giữ chức phó tổng cục trưởng lâu hơn cả. Tuy nhiên, cả hai đều không còn đủ tuổi để được bổ nhiệm làm tổng cục trưởng. Trong khi đó, hai phó tổng cục trưởng là ông Hồng Minh và ông Hoàng Việt chưa đủ điều kiện để được bổ nhiệm vào thời điểm này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Khánh Hải, thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nói: "Về chuyên môn, uy tín, anh Trần Đức Phấn hơn ai hết đủ năng lực và uy tín để giữ vị trí phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao. Thời gian tới thể thao Việt Nam có rất nhiều công việc liên quan đến chuẩn bị cho SEA Games 31 nên cần một người có trình độ, am hiểu và anh Phấn là người có khả năng".
Ngày 28-8 vừa qua, ông Vương Bích Thắng đã thay mặt Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao quyết định phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao cho ông Trần Đức Phấn. Ông Phấn được đánh giá là phương án tốt nhất lúc này với thể thao Việt Nam. Là người được giao phụ trách thể thao thành tích cao nhiều năm từ chuẩn bị lực lượng, đưa quân đi thi đấu, ông Phấn đã giúp thể thao Việt Nam đại thắng ở các kỳ SEA Games 2015, 2017, 2019, Asiad 2018, Olympic 2016.
Hi vọng "tư lệnh" Trần Đức Phấn sẽ đưa thể thao Việt Nam tiếp tục cất cánh.
Ông Thắng và cuộc chuyển hướng dẫn đến thành công
Ông Vương Bích Thắng (phải) trao quyết định phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao từ ngày 1-9-2020 cho ông Trần Đức Phấn - Ảnh: Y TRANG
Trong chuỗi vinh quang và cả những thất bại của thể thao Việt Nam 10 năm qua có vai trò rất lớn của ông Vương Bích Thắng - tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao giai đoạn 2010 - 2020.
Là "tư lệnh" ngành, ở thời điểm thể thao Việt Nam bết bát, ông Thắng cùng với các phó tướng, trong đó có ông Trần Đức Phấn, quyết tâm chuyển hướng đầu tư cho thể thao Việt Nam, tập trung vào các môn Olympic, Asiad. Trong điều kiện tài chính eo hẹp, nếu không tập trung đầu tư cho vận động viên trọng điểm, môn trọng điểm, thể thao Việt Nam mãi mãi chỉ đi tranh chấp top 3 SEA Games chứ không thể ngoi lên được ở đấu trường Asiad, Olympic.
Đây chính là chìa khóa dẫn đến thành công cho thể thao Việt Nam bắt đầu từ SEA Games 28.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận