01/07/2023 08:46 GMT+7

Ông Macron đau đầu với biểu tình bạo lực

Ngày 30-6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập nội các để họp lần thứ hai chỉ trong hai ngày, sau khi các cuộc biểu tình phản đối cảnh sát bắn chết một thiếu niên diễn ra ba đêm liên tiếp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Một người biểu tình đổ máu khi bị đội đặc nhiệm chống khủng bố RAID của Pháp bắt giữ ở thành phố Lille vào ngày 29-6 - Ảnh: AFP

Một người biểu tình đổ máu khi bị đội đặc nhiệm chống khủng bố RAID của Pháp bắt giữ ở thành phố Lille vào ngày 29-6 - Ảnh: AFP

Trong khi thừa nhận sai lầm của cảnh sát, ông Macron lại rất cần sự hỗ trợ của cảnh sát để kiểm soát tình hình đang rất căng thẳng. Không dưới 40.000 cảnh sát và hiến binh đã được huy động để dẹp yên tình hình, dù bầu không khí đang nặng trĩu bởi chính đồng nghiệp của họ vừa bị bắt giam.

Cứng rắn với cảnh sát

Phát biểu tại cuộc họp khẩn cấp đầu tiên với các bộ trưởng, ông Macron nhấn mạnh "không thể tha thứ" cho viên cảnh sát thực hiện vụ nổ súng trên, đồng thời lên án các cuộc biểu tình bạo lực.

"Vài giờ qua được đánh dấu bằng những cảnh bạo lực nhằm vào các đồn cảnh sát cũng như các trường học và tòa thị chính chống lại các tổ chức và nền Cộng hòa", Hãng tin AFP dẫn lời ông Macron nói khi kêu gọi người dân bình tĩnh.

Báo Le Monde nhận định rằng ông Macron đã thừa nhận hành vi sai trái của cảnh sát nhưng ông vẫn muốn cả nước Pháp trật tự, trị an, dù ông không chắc các hiệp hội hay công đoàn sẽ nghe theo.

Biểu tình bạo lực là thử thách mà các nguyên thủ quốc gia lo sợ nhất, bất kể họ theo phe phái chính trị nào.

Ông Macron không để bộ trưởng Bộ Nội vụ minh oan cho cảnh sát như cách xử lý của Tổng thống Jacques Chirac với một vụ việc tương tự vào năm 2005. Ông Macron cũng không đợi phía công tố lên tiếng mà khẳng định ngay đây là hành vi "không thể bào chữa được".

Thủ tướng Elisabeth Borne thậm chí còn thẳng thắn hơn, khi tuyên bố hành vi của cảnh sát Nanterre - nơi thiếu niên 17 tuổi bị bắn chết vì không dừng xe theo lệnh của cảnh sát giao thông - là "không phù hợp với quy tắc của cảnh sát".

Rất nhanh, chính quyền thừa nhận sai lầm của viên cảnh sát bắn chết dân và lên án. Hậu quả là viên cảnh sát bị bắt giam và cáo buộc cố ý giết người (trước đó là cáo buộc ngộ sát).

Theo báo Le Monde, cách làm này là đặc trưng của nền Cộng hòa: nếu chính quyền không ngăn được cơn tức giận của công chúng thì ít nhất họ sẽ tìm cách làm giảm cảm giác bất công mà công chúng đang chịu đựng. Cảm giác bất công này chính là thứ nuôi dưỡng các cuộc biểu tình của tầng lớp lao động.

Thách thức kiểm soát tình hình với ông Macron lúc này là rất lớn, nhất là khi ông vừa "thoát khỏi" cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu kéo dài hàng tháng trong nửa đầu năm nay.

Do Luật Chống khủng bố?

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với truyền thông sau vụ việc, mẹ của thiếu niên Nahel, bà Mounia, nói với Đài France 5: "Tôi không đổ lỗi cho cảnh sát, tôi đổ lỗi cho một người: người đã cướp đi mạng sống của con trai tôi".

Cái chết của Nahel không phải là trường hợp cá biệt. Theo Hãng tin AFP, các vụ cảnh sát bắn chết người khi dừng xe của người dân đang gia tăng ở Pháp. Mặc dù cảnh sát nói rằng các trường hợp như vậy đều do người dân không tuân thủ quy định nhưng các chuyên gia cho rằng còn cách giải thích khác.

Vụ của Nahel là vụ cảnh sát bắn chết người thứ ba xảy ra ở Pháp trong năm nay. Năm 2022, con số kỷ lục là 13 người bị cảnh sát bắn chết vì không chấp hành yêu cầu, cao gấp sáu lần so với 2021.

Để hiểu rõ, ta cần xem lại một luật an ninh quan trọng được Chính phủ Pháp thông qua vào năm 2017, chính là Luật Chống khủng bố. Luật này ra đời sau vụ tấn công Paris năm 2015.

Dư luận thời đó chỉ trích luật này gay gắt vì cho cảnh sát dùng súng. Năm 2022, các nhà nghiên cứu Pháp công bố kết quả điều tra rằng sau khi luật nói trên được ban hành, số người ngồi trong xe bị cảnh sát bắn tăng gấp năm lần.

Mặc dù các trường hợp không tuân thủ yêu cầu của cảnh sát tăng trung bình khoảng 35% kể từ năm 2017, các vụ cảnh sát bắn chết người tăng tới 350% trong cùng khoảng thời gian.

"Luật năm 2017 đã khiến tính mạng của công dân gặp nhiều rủi ro hơn trước cảnh sát", nhóm nghiên cứu nói với nhật báo Libération.

Luật của Pháp quy định rằng người lái xe có thể bị cảnh sát chặn lại để kiểm tra giấy tờ bất cứ lúc nào mà không cần có bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng.

Trong khi đó, Pháp có hệ thống tính điểm trên giấy phép lái xe từ những năm 1990. Các công đoàn cảnh sát đã lập luận rằng hệ thống này khuyến khích người lái xe bỏ chạy để tránh bị giữ giấy phép lái xe, dẫn đến các hệ lụy khác.

Ngoài ra, còn hai nguyên nhân khác dẫn đến việc lái xe bất tuân hiệu lệnh là cảnh sát đã gia tăng các đợt kiểm tra ma túy và kiểm tra bảo hiểm mà không ít tài xế thiếu.

"Công lý cho Nahel"

Trong đoạn video về cái chết bi thảm của Nahel ngày 27-6, hai cảnh sát đứng bên cạnh chiếc Mercedes màu vàng đang đứng yên, một người chĩa súng vào Nahel.

Một giọng nói vang lên: "Cậu sẽ nhận một viên đạn vào đầu". Viên cảnh sát đã bắn thẳng vào cậu thiếu niên 17 tuổi khi chiếc xe phóng đi. Nahel chết ngay sau đó.

Vụ việc làm dấy lên tranh cãi ở Pháp về nghiệp vụ của cảnh sát cũng như chỉ trích về hành xử của cảnh sát với người dân khu vực thu nhập thấp, đặc biệt với cộng đồng thiểu số.

Biểu tình đã lan rộng từ các khu vực quanh thủ đô Paris đến các thành phố khác như Toulouse, Dijon và Lyon từ tối 28-6. Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin cho biết ít nhất 667 người đã bị bắt tính tới ngày 30-6 và có 249 cảnh sát bị thương.

Biểu tình bạo lực 3 đêm liên tiếp ở Pháp sau vụ cảnh sát bắn một thiếu niênBiểu tình bạo lực 3 đêm liên tiếp ở Pháp sau vụ cảnh sát bắn một thiếu niên

Xe hơi bị đốt cháy, tòa nhà bị phá hoại và gần 700 người bị bắt là tình trạng của nước Pháp sau đêm thứ 3 liên tiếp biểu tình bạo lực vì vụ cảnh sát bắn chết nam thiếu niên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên