27/02/2016 09:13 GMT+7

​Ông giáo sư thân thiện

NGUYÊN LINH
NGUYÊN LINH

TT - Gặp ai ông cũng nở nụ cười thân thiện, ấm lòng. Với bệnh nhân, ông dặn dò nhẹ nhàng, ân cần và luôn nở nụ cười. Đó là hình ảnh của GS.TS Cao Ngọc Thành - hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Huế.

GS Cao Ngọc Thành với hơn 35 năm trong nghề - Ảnh: N.Linh
GS Cao Ngọc Thành với hơn 35 năm trong nghề - Ảnh: N.Linh

GS.TS Cao Ngọc Thành (58 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế) là một chuyên gia hàng đầu về sản khoa và điều trị vô sinh hiếm muộn bằng đường nội tiết. Được phong hàm giáo sư năm 2011 và nhà giáo nhân dân năm 2014.

Ông làm hiệu trưởng kiêm giám đốc bệnh viện từ năm 2007 đến nay. Ông đã xuất bản hơn 40 đầu sách chuyên môn và là giáo sư y khoa duy nhất ở miền Trung nằm trong hội đồng chức danh giáo sư ngành y của Việt Nam. 

Gắn bó với ngành y hơn 35 năm, GS Cao Ngọc Thành nói ông có cái duyên với nghề này: “Chính cái duyên như thế tôi mới có thời gian dài gắn bó với nghề y, may mắn được tác nghiệp cứu người. Tôi hạnh phúc với nghề và thấy mình sống có ý nghĩa nhờ những hi sinh thầm lặng của người khác...".

Ông tâm sự: “Từ những năm tháng sinh viên, tôi đã có cảm xúc kỳ diệu đối với chuyên ngành sản khoa. Đỡ đẻ có một cảm giác rất tuyệt vời. Hồi hộp, căng thẳng, âu lo và sau đó là vỡ òa hạnh phúc”.

Suốt những năm tháng đỡ đẻ ông luôn được mọi người ngợi khen là “bà đỡ” mát tay. Bệnh nhân tìm đến ông bởi họ thích cung cách phục vụ.

Chị Phạm Thị Hương, một bệnh nhân, nói: “Chỉ cần thấy bác Thành cười, nghe bác hỏi thăm, động viên vài câu là thấy trong người khỏe khoắn, ấm áp”.

TGS Trần Hữu Dàng, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Huế, nói: "GS Cao Ngọc Thành là một chuyên gia hàng đầu Việt Nam về điều trị vô sinh hiếm muộn bằng đường nội tiết. Bác sĩ Thành là một trong những nghiên cứu sinh đầu tiên từ Huế ra Hà Nội theo học ngành này. Năm 1992, ông là bác sĩ sản khoa đầu tiên ở Việt Nam bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về lĩnh vực vô sinh ở trong nước.

“Rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh tìm đến mình với khát khao cháy bỏng có một đứa con. Và thời điểm biết tin có thai, họ nhảy hét lên vui sướng, thậm chí chạy đến ôm chầm lấy bác sĩ, đó là những giây phút mình hạnh phúc nhất”, BS Thành kể.

Trong phòng làm việc, BS Thành treo đầy hình ảnh trẻ em, cụ già, người nghèo đói, bệnh tật... Ông nói rằng đó là những hình ảnh trực quan để “răn” mình khỏi trượt ngã trước những cám dỗ của vật chất.

“Khi nhìn những ánh mắt trẻ thơ trong veo, thánh thiện, những người nghèo đang đói rét, những người đau khổ, bản thân mình luôn trăn trở phải làm điều gì đó tốt đẹp cho xã hội. Nhìn ánh mắt họ, tham sân si tự nhiên tiêu tan” - ông tâm sự.

Trong câu chuyện về nghề y, GS Thành nói nhiều đến sự hi sinh và chia sẻ. Ông nói hi sinh ở đây đơn thuần chỉ là việc san sẻ quyền lợi của người thầy thuốc với bệnh nhân. Bác sĩ có thể ăn cơm muộn một chút, khám bệnh quá giờ một tí, có thể nghe những lời khó nghe; sẵn sàng túc trực khám chữa bệnh tận tình trong những ngày nghỉ lễ, nghỉ tết...

Trong những giờ lên lớp, ông luôn nhắc nhở sinh viên rằng nghề y không phải là sự ban phát ân huệ, mà đó là sự san sẻ yêu thương.

“Tôi nghĩ làm việc gì mà bệnh nhân có lợi nhất thì đó chính là y đức. Người thầy thuốc làm những điều tốt đẹp cho người bệnh thì trước sau gì cũng được đáp đền xứng đáng” - ông chia sẻ.

NGUYÊN LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên