02/10/2007 00:08 GMT+7

"Ông già harmonica" và những đứa trẻ lang thang

LÊ VÂN - HÀ THANH
LÊ VÂN - HÀ THANH

TT - Chiếc mũ sờn vành, mái đầu bạc trắng nhưng giọng ông già sang sảng, luôn ào đến bắt tay bất kỳ ai mới gặp và nói: "A, xin chào! Rân đây...!".

RNHN9XVY.jpgPhóng to
Gia tài của "bố": những đứa con hạnh phúc và cây kèn harmonica
TT - Chiếc mũ sờn vành, mái đầu bạc trắng nhưng giọng ông già sang sảng, luôn ào đến bắt tay bất kỳ ai mới gặp và nói: "A, xin chào! Rân đây...!".
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Ông tên là Nguyễn Rân. Ở Đà Nẵng, người nghèo biết nhiều về ông như ông biết về họ vậy. "Nhà” mà ông đang ở nằm trên đường Nguyễn Công Trứ cũng là một trong bốn "gia đình" nuôi dạy trẻ của Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng.

Mới nghe tiếng xe xè xè của ông ngoài cổng, bé Ngọc, bé Hiệp đã tranh nhau ra mở cửa, miệng cười toe rồi lanh chanh kể đủ thứ chuyện ở nhà lúc ông đi vắng...

Xin của... phu nhân tổng thống Pháp

Muốn các con yêu thương nhau

Hình ảnh người đàn ông tóc điểm bạc, ngày đi xin tài trợ cho những đứa con không phải do mình sinh ra, đêm đêm lang thang khắp các xó xỉnh bến phà, bãi rác, góc chợ tìm những đứa con "đi bụi" lượm ve chai, bán vé số, đánh giày... đã được Đài truyền hình NHK (Nhật Bản) ghi lại bằng những thước phim khi theo chân ông Nguyễn Rân trong những đêm không ngủ.

Chị Kim Cúc, đại diện Quĩ học bổng AsianNoko Educaticon Fund tại Việt Nam, còn nhớ cảnh phim đã gây xúc động với những sinh viên Trường đại học Yama Guchi (Nhật Bản): "Có em đang kể về mình thì òa khóc. Tất cả những đứa con và bố Rân cùng khóc. Ông muốn chúng gần nhau hơn, yêu thương nhau như một gia đình".

Trước năm 1975, Nguyễn Rân với cây kèn harmonica và những điệu nhạc vui tươi lê la khắp các hè phố, nhà ga, bến phà, chợ cá hay rạp xinê để tìm cách tiếp cận những đứa trẻ bụi đời.

Người ta thường thấy Rân ngồi bệt xuống đất, bu quanh là những đứa trẻ rách rưới, lem luốc nghe ông thổi kèn và kể chuyện. Đa số chúng là trẻ nhà quê, vì bom đạn nên lạc gia đình, dạt về thành phố kiếm sống.

Hồi đó Rân thường trà trộn vào những nơi có tiệc lớn để... xin thức ăn dư thừa, đem về cho những đứa trẻ đang run vì đói co ro ở một góc phố.

Sau giải phóng, khi Đà Nẵng chưa có trung tâm bảo trợ trẻ đường phố, Nguyễn Rân cùng một nhóm bạn tự góp tiền và đi xin tài trợ để giúp đỡ những đứa trẻ bụi đời bằng cách gom chúng lại, cho ăn và dạy chữ, dạy bảo chúng không làm bậy.

Nhưng lũ trẻ vẫn cù bất cù bơ. Ước mơ có một mái nhà cho "những đứa con" đáng thương đã thôi thúc ông đánh liều viết thư gửi bà Danielle - phu nhân cố tổng thống Pháp Franøois Mitterrand - qua một người bạn làm phụ tá cho bà. Câu chuyện về người đàn ông với cây kèn harmonica gắn bó với những đứa trẻ bụi đời đã làm phu nhân tổng thống cảm động.

Trong một chuyến thăm Việt Nam năm 1991, bà Danielle Mitterrand đã đề nghị gặp đích danh Nguyễn Rân. Ngay sau đó, tổ chức nhân đạo "France Libertés" giúp đỡ và Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng ra đời, do Nguyễn Rân làm trưởng điều hành. Ông và những đứa con gọi đó là "nhà”, "gia đình".

Lần lượt cho tới nay, Trung tâm Bảo trợ trẻ đường phố Đà Nẵng đã có thêm ba gia đình và một trung tâm dạy nghề dành cho trẻ trưởng thành.

Những cuộc đời "lượm" được

Mỗi đêm, Nguyễn Rân lò dò đi khắp các bến phà, nhà ga, chợ cá, hay các ngóc ngách của phố phường dọc bờ sông Hàn tìm "con". Những đứa trẻ ở Trung tâm Bảo trợ đường phố Đà Nẵng khi mới thành lập đa số là trẻ bụi đời.

Khó khăn không chỉ là việc tiếp cận và đưa chúng về với gia đình của trung tâm mà còn phải tạo niềm tin, tình cảm gắn bó thật sự của chúng với "bố", "mẹ”. Nguy hiểm luôn kề bên, nhất là bọn ma cô rình rập. Nhưng ông cứ đi, cho tới khi "giành" được một đứa trẻ từ vỉa hè, góc chợ, bãi rác mang về "nhà”.

Nhớ được "bố Rân" lượm về từ bãi rác Khánh Sơn. Nhà có bốn anh em, bố mẹ chia tay, cả bốn anh em Nhớ lượm ve chai, rửa chén bát thuê kiếm sống. Đêm đêm, mấy anh em lăn lóc ôm lấy nhau ngủ gần bãi rác.

"Bố Rân" đến, kiên trì đeo bám bởi tụi nhỏ không hề tin ai đó cho tá túc dưới một mái nhà, có ăn, có mặc, được học hành, chăm sóc... Ngay cả khi đã về ở trong gia đình, Nhớ và những đứa trẻ khác không quen ngủ giường riêng, tất cả nằm ôm lấy nhau ngủ dưới đất như những ngày còn lang thang để... tự vệ. Giờ đây, Nhớ đã là một giáo dục viên tích cực của Câu lạc bộ bảo trợ trẻ đường phố Thảo Đàn tại TP.HCM.

Cũng như Nhớ, Hùng được "bố Rân" nhặt từ thành cầu sông Hàn khi Hùng muốn tự vẫn, lúc những tấm vé số của một đứa trẻ tật nguyền bị cướp mất. Giờ đây anh là thợ cắt tóc rất dẻo tay kéo ở một góc phố đường Ngô Quyền. Và nhiều phần đời khác nữa...

Mỗi ngày, ông lòng vòng chạy qua "nhà” này một tí, "nhà” kia một tí, cùng với những "bố", "mẹ” khác của trung tâm lo lắng cho tụi nhỏ dù không còn khỏe để gánh việc như thời trẻ trung. Ở đâu ông cũng cặp kè với cây kèn harmonica và xung quanh là lũ trẻ...

LÊ VÂN - HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên