07/11/2012 03:26 GMT+7

Ồ ạt bỏ lúa trồng cam

P.NGUYÊN - T.XUÂN
P.NGUYÊN - T.XUÂN

TT - Trúng mùa, được giá, lợi nhuận cao, nông dân ở một số tỉnh ĐBSCL như Vĩnh Long, Hậu Giang... đang bỏ lúa đổ xô trồng cam sành bất chấp khuyến cáo về viễn cảnh “dội chợ, ế hàng” khó tránh khỏi.

KVv2n9tA.jpgPhóng to
Lợi nhuận cao khiến anh Nguyễn Hoàng An (ấp Vĩnh Thạnh, xã Thuận Thới) quyết định chuyển hết năm công đất lúa sang trồng cam sành - Ảnh: T.Xuân

Những ngày này, đi dọc quốc lộ 54 qua địa bàn các xã Thuận Thới, Thiện Mỹ, Vĩnh Xuân (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) đâu đâu cũng thấy người dân ồ ạt lên liếp trồng cam trên đất ruộng.

Bỏ lúa chạy theo cam sành

Ông Trần Văn Hùng, nông dân xã Thuận Thới, cho biết: “Tôi có ba công ruộng nhưng nhiều năm liền không khá lên nổi. Thấy nhiều người chuyển sang trồng cam sành trúng lớn, lợi nhuận thu được gấp 10 lần trồng lúa nên tôi cũng bỏ lúa chạy theo cam sành”. Theo ông Hùng, mấy năm gần đây vào vụ nghịch giá cam loại 1 có lúc được thương lái mua tại ruộng 30.000-33.000 đồng/kg, giá bèo cũng từ 25.000 đồng/kg nên người trồng cam lãi lớn. Còn vụ thuận dù giá cam ở mức 7.000-10.000 đồng/kg nông dân vẫn có lời.

Trồng cam theo kiểu “mì ăn liền”!

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huỳnh - nguyên giảng viên khoa nông nghiêp Trường ĐH Cần Thơ, người dân trồng cam hiện đang làm theo kiểu “mì ăn liền”, khá chụp giật và chạy theo phong trào. Biết là đầu ra sau này có thể bấp bênh, vả lại cây cam cho năng suất cao được vài năm cũng phải đốn bỏ vì năng suất giảm nhưng vì nông dân còn nghèo quá nên họ chấp nhận liều, thấy gì có lợi trước mắt thì làm. Điều này hiện nay hoàn toàn do giá cả thị trường chi phối chứ không có hợp đồng thu mua nào bền vững nên sẽ rất nguy hiểm cho nông dân. Hơn nữa nông dân cứ ùn ùn trồng cam như hiện nay sẽ không đủ giống xác nhận cung cấp, dẫn đến việc nông dân mua các loại cây giống trôi nổi nguy cơ mang mầm bệnh rất cao.

Trong khi đó, anh Nguyễn Hoàng An (ấp Vĩnh Thạnh, xã Thuận Thới) cũng cho hay mấy năm gần đây cam sành có giá nên nông dân có nhiều đất ở Trà Ôn đổ xô trồng và thu về bạc tỉ sau một mùa vụ. Cũng theo anh An, do hấp dẫn từ giá cam nên một số người dân địa bàn khác cũng tìm đến địa phương thuê đất trồng cam với giá 4-4,5 triệu đồng/công, thời gian 4-5 năm. Với mức giá trên, một số nông dân ít vốn sẵn sàng bỏ nghề trồng lúa cho thuê đất, bởi theo tính toán của họ mỗi công ruộng làm ba vụ/năm cũng chỉ cho lợi nhuận 4-5 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Phương Bình - cán bộ nông nghiệp xã Thuận Thới, toàn xã hiện có trên 306ha đất trồng cam (chiếm 1/3 diện tích đất nông nghiệp của xã), chủ yếu được trồng trên đất lúa. Tuy nhiên do trồng theo phong trào mà không biết cách chọn cây giống lẫn khâu chăm sóc nên một số người trồng cam không hiệu quả.

Số liệu của Phòng NN&PTNT huyện Trà Ôn cho thấy diện tích trồng cam sành ở huyện đã lên đến 2.200ha, tập trung nhiều ở các xã Thuận Thới, Vĩnh Xuân, Thiện Mỹ và vùng chuyên canh cây ăn trái các xã Tích Thiện, Lục Sĩ Thành, Phú Thành. Ông Nguyễn Văn Tám, trưởng Phòng NN&PTNT huyện, dự báo thời gian tới diện tích trồng cam tiếp tục tăng. “Huyện chỉ khuyến cáo người dân nên trồng cam tập trung để chủ động nguồn nước và dễ kiểm soát dịch bệnh nhưng phần lớn người dân vẫn trồng tự phát” - ông Tám nói.

Tăng trưởng “nóng”

Trong khi đó, cây cam sành cũng đang tăng trưởng nóng tại tỉnh Hậu Giang gây quan ngại cho chính quyền địa phương. Chỉ đạo khống chế phát triển diện tích của lãnh đạo tỉnh đưa ra đã không có tác dụng khi đất trồng lúa đang ngày càng teo tóp dần.

Ông Ngô Văn Khởi, phó Phòng kinh tế thị xã Ngã Bảy, nói phong trào người dân bỏ đất ruộng trồng cam sành đang rất nóng và khó kiểm soát tại một số xã vì lợi nhuận từ cam sành so với lúa cao hơn gấp nhiều lần trên cùng một diện tích.

Từ đầu năm đến nay người dân xã Đại Thành đã bỏ trên 68ha đất lúa để lên liếp trồng cam, còn xã Tân Thành cũng “xóa sổ” trên 11ha đất lúa, bất chấp cuối năm 2011 chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các địa phương phải khống chế diện tích, phát triển theo quy hoạch của tỉnh đề ra. Theo thống kê, toàn thị xã Ngã Bảy hiện có 2.150ha cam sành thì xã Đại Thành chiếm 1.029ha, xã Tân Thành chiếm 1.043ha.

Ông Chế Văn Lạc, phó chủ tịch UBND xã Tân Thành, cho biết toàn xã chỉ còn sót lại khoảng 4,4ha đất lúa, bởi hầu hết người dân đã chuyển sang trồng cam sành. “Mỗi thửa chỉ một vài công nằm lọt thỏm giữa các vườn cam thường bị chuột phá hoại nên người dân không mặn mà trồng lúa mà đang muốn chuyển hẳn sang trồng cam” - ông Lạc nói.

Tương tự, tại xã Phú Hữu (huyện Châu Thành) cũng diễn ra tình trạng phát triển nóng cây cam sành khiến chính quyền địa phương quan ngại. Hàng trăm hecta bưởi năm roi nổi tiếng của xã đã bị người dân đốn hạ để thay thế bằng cây cam. Ông Lâm Văn Út, chủ tịch UBND xã, lắc đầu cho biết khoảng 400ha bưởi năm roi Phú Hữu đang làm thương hiệu bị đốn bỏ gần hết, chỉ còn chưa tới 80ha.

Dội chợ, ế hàng

Theo ông Ngô Văn Khởi, 1ha lúa mỗi năm nông dân chỉ đạt doanh thu khoảng 50 triệu đồng, trong khi trồng cam sành có thể cho doanh thu gần nửa tỉ đồng. Với cách cho trái theo ý muốn (nghịch vụ) như hiện nay, nông dân có thể bán được giá cao (cao điểm giá trên 30.000 đồng/kg), trong khi chi phí bỏ ra chỉ khoảng 4.000 đồng/kg. Đây chính là hấp lực khiến nông dân bỏ lúa trồng cam.

Với lợi nhuận như vậy, ông Khởi nói người dân có thể đối mặt với rủi ro. Bởi diện tích cam đang cho trái của thị xã khoảng 1.000ha (tổng diện tích 2.150ha). Trong số này chỉ có 600ha cho năng suất, sản lượng 14.000 tấn mỗi năm. Sau hai năm nữa sản lượng tăng lên 40.000 tấn sẽ trở nên “quá hớp”, rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa, rớt giá khi các địa phương khác đang đồng loạt trồng cam sành. Trong khi đó, ông Chế Văn Lạc cho biết hiện nông dân trồng cam bán được hay không phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.

Ông Nguyễn Văn Đồng, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, nói tỉnh quy hoạch khống chế diện tích cam sành khoảng 6.000ha nhưng hiện đã vượt trên 7.400ha. Ông Đồng cũng tỏ ra quan ngại cho tương lai cây cam sành khi khu vực ĐBSCL chưa có nhà máy chế biến cam sành, sản phẩm không đạt chất lượng để xuất khẩu, chỉ tiêu thụ nội địa... “Tỉnh đang quyết liệt xúc tiến tìm đầu ra nhưng nhiều doanh nghiệp chê mẫu mã không đạt, màu không đẹp, hạt nhiều, vị đắng, chua. Người dân trồng tự phát, không có đầu ra ổn định sẽ khó tránh khỏi tình trạng dội chợ” - ông Đồng nói.

Tận dụng đất khu công nghiệp “treo” để trồng cam

Tại TP Cần Thơ, do cam sành trúng giá (20.000-25.000 đồng/kg) sau thời điểm Tết Nguyên đán 2012 nên nhiều người dân tại Q.Cái Răng đã tận dụng đất Khu công nghiệp Hưng Phú 1 (P.Tân Phú, Q.Cái Răng) vốn bị “treo” nhiều năm để trồng cam sành. Tại khu vực Phú Tân, ngoài số hộ dân đã trồng cam được nhiều tháng có không ít hộ đang cải tạo đất hoặc chặt bỏ bưởi để trồng cam. Trong số đó bà Đào Thị Nở tại khu vực này đang đốn khoảng 2 công bưởi bán củi được 1,7 triệu đồng để chuẩn bị trồng cam.

Ông Trương Thành Nghệ, trưởng khu vực Phú Tân, cho biết với 110ha đất Khu công nghiệp Hưng Phú 1 có tới 70% số diện tích này được tận dụng trồng cam. Ông Nghệ cũng vừa cho một người bác mượn 1,5 công đất để cải tạo trồng cam vì mùa rồi với sáu công đất, ông Nghệ bán cam được khoảng 200 triệu đồng do trúng giá. Tuy nhiên ông Nghệ cho biết đang vận động bà con trồng xen kẽ giữa cam và bưởi để có nguồn thu lâu dài vì cam thường thu hoạch trái vài năm là phải đốn bỏ, trong khi bưởi có thể thu hoạch trái hơn 10 năm cây mới tàn.

P.NGUYÊN - T.XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên