Thu hoạch lúa ở Hậu Giang - Ảnh: CHÍ QUỐC
Cây gì, con gì cũng sống được ở ĐBSCL. Nhưng cây gì, con gì mới đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững? Đây là câu hỏi mà nông dân không trả lời được.
Bao giờ hết trồng chặt - chặt trồng?
Ở ĐBSCL, cây gì, con gì cũng có. Cây thanh long tưởng đâu chỉ phù hợp với xứ đất cát nắng nóng Nam Trung Bộ, vậy mà giờ đây nhiều tỉnh miền Tây đã xem nó là cây lợi thế. Rồi con tôm thẻ chân trắng vốn là loài nước mặn giờ cũng nuôi được trong ao nước ngọt Đồng Tháp, Long An.
Cây gì cũng trồng được, con gì cũng nuôi được nên mới dẫn đến việc khó xây dựng vùng nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu. Trong khi lại dễ dẫn đến tình trạng sản xuất theo phong trào, trồng chặt - chặt trồng.
Cây gì, con gì cũng sống được ở ĐBSCL, nhưng vẫn có những vùng đất đặc thù chỉ thích hợp với loại cây đặc thù. Như ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp có cây quýt hồng là đặc sản, chỉ cho trái ngon khi được trồng ở xã Long Hậu và một ít diện tích kế cận.
Sau này, nông dân mở rộng diện tích rồi trồng các loại quýt đường, cam sành, cam xoàn. Dẫn đến tình trạng có hơn 50% diện tích cam quýt sắp phải chặt bỏ vì bệnh vàng lá thối rễ gây hại không trị được do thổ nhưỡng không thuận lợi.
Cuộc sống người dân ĐBSCL trở nên khó khăn hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Người dân ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang) mót lúa vì thất mùa trong đợt hạn mặn cuối năm 2015 đầu năm 2016 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Chưa kể nông dân miền Tây thích các giống ngoại. Nuôi thì có vịt Xiêm, Bắc Kinh; heo Yorkshire, Landrace, Duroc; bò Hà Lan; trâu Ấn Độ... Lúa thì có Jasmine 85, Đài Thơm; bắp Mỹ; mít Thái; nhãn Ido; khoai lang Nhật... Dù đã có hàng chục năm lai tạo và thuần dưỡng nhưng chắc chắn những cây con ngoại này vẫn không thể xem là phù hợp nhất với ĐBSCL, tức là không mang lại giá trị kinh tế cao nhất cho nông dân.
Hơn thế nữa, trong bối cảnh hội nhập, nguồn gốc ngoại lai của những cây con kể trên đã và đang trở thành rào cản khó vượt qua của ĐBSCL khi phát huy "tính bản địa", một trong bảy từ khóa quan trọng nhất để chinh phục người tiêu dùng thế kỷ 21.
Nuôi ở đâu? Bán cho ai?
Ở ĐBSCL, quy hoạch nuôi cá tra luôn được điều chỉnh. Nhưng trên thực tế vẫn tồn tại hiện tượng nhiều diện tích ao nuôi bị "treo" song song với các ao mới đào nằm ngoài quy hoạch.
Nghịch lý này xuất phát trước tiên ở sự "dĩ hòa vi quý" và thiếu định tính của các bản quy hoạch. Tỉnh A, huyện A có thì tỉnh B, huyện B ít nhiều gì cũng phải có. Căn cứ tốt nhất của quy hoạch là yếu tố giá thành hầu như không được đề cập tới. Ví dụ như chuyện nuôi cá tra, nuôi ở đâu chi phí thấp nhất? Quy hoạch không nói được điều này nên nông dân chỗ nào thấy tiện thì đào ao.
Thực tế cho thấy vùng đất bãi bồi ven sông lớn ở vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu thuộc hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang, nơi có nước ngọt và sạch quanh năm, nuôi cá nhanh lớn. Chi phí bơm nước vào ao và xả ra đều thấp.
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL - Ảnh: TTO
Mua bán, vận chuyển cá thương phẩm bằng ghe lớn dễ dàng. Khi giá cá giảm, các ao ở vùng bãi bồi trụ được nhờ chi phí thấp. Các nơi khác đều bỏ ao, "treo" ao. Nhiều người đào ao nuôi cá tra sâu trong nội đồng, nước nhanh ô nhiễm, cá chết nhiều, chậm lớn lại bỏ ao, chuyển sang chỗ khác đào ao mới.
Thị trường luôn biến động thất thường. Cần có vùng cốt lõi có chi phí sản xuất thấp nhất dành cho lúc thị trường ổn định và các vùng mở rộng dành cho những lúc nhu cầu thị trường tăng cao. Đối tượng sản xuất của vùng mở rộng nên xác định theo nhóm, để khi thị trường biến động giảm trở lại, nông dân có thể nhanh chóng chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đỡ phải "treo" chuồng, bỏ ao như hiện nay.
Thị trường, chính xác hơn là người tiêu dùng mang tính quyết định. Cùng với việc xác định chi phí thấp nhất với chất lượng cao nhất ngay từ khâu quy hoạch sản xuất thì cần có truyền thông, quảng bá những điều này đến với thị trường. Đây là điều mà nông sản Việt Nam nói chung và ĐBSCL đang rất thiếu và yếu.
Hội nghị đánh giá hai năm triển khai nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra ngày 18-6 vừa qua đã nêu vấn đề nuôi trồng thuận thiên. Nhưng thực tế cho thấy thuận thiên thôi chưa đủ. ĐBSCL cần có những định hướng sản xuất nông nghiệp bao gồm cả ba yếu tố: thiên thời, địa lợi và nhân hòa.
Giảm lúa, tăng thủy sản và trái cây
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Xuân Cường (Bộ trưởng Bộ NN&PTNT) tại hội nghị phát triển ĐBSCL ngày 18-6 vừa qua. Để ĐBSCL "thịnh vượng, an toàn, bền vững" phải triển khai nhiều nhóm giải pháp, trong đó có việc chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả. Phát huy ưu thế địa phương để phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái đặc thù.
Một số trong đó là định hướng phát triển nông nghiệp ĐBSCL thời gian tới sẽ phân thành ba vùng. Vùng đầu nguồn sẽ phát triển nông nghiệp đa dạng, trọng điểm về sản xuất lúa và cá tra. Vùng giữa: phát triển nông nghiệp miệt vườn điển hình. Vùng ven biển: phát huy lợi thế thủy sản, kết hợp vùng lúa gạo đặc sản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận