Chửi nhau trên mạng, người chịu tổn thương lẫn tổn thất đầu tiên sẽ là bạn
Hết hồn, tôi lại cố mở to mắt lên mạng xem chuyện gì đang xảy ra. Thế quái nào mà mình mới "off" một chút là "có biến" vậy trời!
Tức đến nỗi không ngủ được
Thì ra chuyện như vầy: cô bạn vô bình luận status của một người chị "xã hội" về việc người này cho rằng ly hôn xong vẫn sống chung, vẫn "âu yếm" nhau là rất đáng tự hào nọ kia. Bình luận của cô bạn đại ý phản bác lại quan điểm này, rằng chia tay rồi thì nên cho nhau tự do, "ai cũng như chị xã hội loạn à?!".
Dưới bình luận của bạn tôi, mấy chục biểu tượng phẫn nộ lẫn "haha" được thả, hàng chục bình luận qua lại thể hiện thái độ không đồng tình lẫn ủng hộ, rồi "đu trend" bênh vực chủ status. Bạn tôi ban đầu lời lẽ còn nhẹ nhàng, sau đó tăng đô cộc cằn, hằn học thấy rõ.
"Tao đâu có rành chuyện này mà chửi phụ" - tôi chat trả lời bạn. "Thì mày cứ vô comment đại đi, tức quá. Fans bà kia đông quá" - bạn tôi trả lời. Nhắn qua nhắn lại khuyên bạn một hồi, tôi đành nhấn "like" bình luận đầu tiên của bạn tôi rồi đi ngủ.
Sáng dậy, tôi lại một phen hết hồn khi bạn tôi "xổ" một đống tin nhắn bức xúc trong messenger, viện đủ lý do cho rằng mình đúng và tỏ ra hờn dỗi khi tôi không có động tĩnh gì.
Tôi hỏi thăm thì cô kể thức cả đêm để "chiến đấu", sáng đi làm trễ bị nhắc nhở. Chưa kể, ngồi trong cơ quan nhưng cô bạn cứ biểu hiện tức tối, không tập trung làm việc.
Chi khổ vậy trời, trong khi sau cơn chửi nhau, chủ status đã xóa không còn dấu vết.
Không hiếm những câu chuyện chửi nhau trên mạng mà chửi "tay đôi" giữa hai tài khoản Facebook chưa đã, chủ thớt còn lôi kéo, "tag" bạn bè chửi phụ. Bạn bè của người chửi còn kéo thêm người khác tham gia.
Phổ biến hơn là nhiều trường hợp chỉ đọc một status của người chẳng quen biết nhưng thấy chướng mắt nên cũng bình luận phản bác, thể hiện quan điểm, rồi tạo nên cơn cuồng phong chửi lộn chỉ trong thời gian ngắn.
Cách đây vài ngày thôi, vụ việc người đàn ông bình luận "quởn quá" liên quan một hoạt động của một người hoạt động vì môi trường cũng hứng bao nhiêu là gạch đá. Những lời thóa mạ, những ngôn từ tục tĩu nhất, kể cả những lời rủa xả độc địa, bêu rếu hình ảnh cá nhân... giữa những người tham gia quả thật kinh khủng. Và dù người đàn ông lẫn người kia đã lên tiếng kết thúc mọi thứ trong hòa bình nhưng các "thánh chửi" vẫn không dừng lại.
Hơn thua nhau trên chợ Facebook chẳng đem lại cho bạn được gì ngoài sự mỏi mệt
Chửi không sợ hậu quả
Mà ngộ lắm nhé, tôi khuyên bạn tôi dừng lại hoặc tập trung vào việc khác để không tham gia chửi bới nữa, nhưng vô ích. Cô bạn càng cố thuyết phục tôi rằng cô ấy đúng, tại sao tôi và mọi người không theo phe cô ấy.
Hình như người ta quên rằng mạng ảo nhưng người chơi Facebook là người thật, có một cuộc sống sinh động bên ngoài. Người ta dễ lầm tưởng chửi nhau trên không gian ảo sẽ ít tổn thương hoặc mình không bị đánh giá, lời lẽ hằn học dễ tuôn ra hơn.
Nhưng chuyện gì không muốn người khác biết thì tốt nhất là đừng làm. Bạn thể hiện cái tôi nghe có vẻ hay ho nhưng tất cả sẽ lưu dấu cho dù sau đó bạn có xoá đi. Chỉ cần vài phần của giây thôi, hàng ngàn bạn bè của bạn sẽ nhìn thấy những gì bạn đăng lên. Chỉ một động tác chụp lại màn hình, sự hằn học lẫn ngớ ngẩn của bạn sẽ được truyền đi khắp nơi.
Và chắc chắc sếp, người yêu, bạn bè... sẽ đặt dấu hỏi về con người của bạn nếu họ biết được hành tung "giang hồ" của bạn trên Facebook. Chưa kể những rủi ro như đơn vị sắp tuyển bạn "hết hồn" khi biết bạn là "thánh chửi", nông nổi bồng bột hơn cả "trẻ trâu".
Vậy thì người chịu tổn thương lẫn tổn thất đầu tiên sẽ là bạn. Người thân, bạn bè của bạn cũng đâu có tội tình gì mà phải lướt Facebook nhìn thấy những hằn học của bạn trên đó.
Hơn thua nhau trên chợ Facebook chẳng đem lại cho bạn được gì ngoài sự mỏi mệt. Thời gian đó, bạn có thể làm nhiều việc có ích, đơn giản như ngủ một giấc thật ngon. Sáng thức dậy, bạn sẽ thấy mọi thứ khác hẳn. Còn nếu vẫn muốn chửi tiếp e rằng sẽ khiến mọi người sợ và né bạn.
Chửi để nổi tiếng?
Đó là chưa kể những tài khoản mạng xã hội cố tình viết những dòng trạng thái, bình luận khác với ý kiến số đông, lệch khỏi chuẩn mực đạo đức thông thường để được chú ý, nhận nhiều bình luận.
Qua đó lượt theo dõi tài khoản cũng tăng, phần lớn do cư dân mạng tò mò muốn biết người đó viết gì hoặc để theo dõi kịp bình luận thể hiện quan điểm.
Chẳng hạn, thiên hạ phản đối việc ăn thịt chó, chủ thớt lại viết kiểu ăn thì đã sao; hoặc ủng hộ việc không tiêm văcxin, trong khi chuyện này thiếu cơ sở khoa học và có thể dẫn tới hậu quả đáng tiếc .
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận