Phóng to |
Ảnh: N.Bay |
Kỳ 1: Từ ruộng lên “nét”
Vừa nuôi heo vừa lướt “nét”
Trong không khí khá ồn ào của những trò chơi game online với game thủ là đám trẻ choai choai, anh Nguyễn Hùng Dân - xã Long Thới, Nhà Bè (TP.HCM) - tẩn mẩn lần tìm những trang web có liên quan giá cả của các loại máy lọc nước công nghiệp. “Mình đang có kế hoạch mở một xưởng sản xuất nước tinh khiết. Giá cả các thiết bị đắt quá, đa số là ngoại nhập, giá vài ngàn đô. Mình tìm kiếm xem có dàn máy đã qua sử dụng nào không”.
Gõ từ khóa “thiết bị lọc nước” trên Google, anh Dân nói: “Mình cũng mới biết cách lên mạng kể từ khi Nhà Bè nở rộ dịch vụ Internet. Vẫn còn lúng túng lắm vì từ trước đến nay có biết nét là gì đâu. Vả lại không biết tiếng Anh cũng hạn chế dữ lắm”. Anh Dân là người duy nhất trong 20 người có câu trả lời vào Internet để tìm kiếm thông tin trong khảo sát bỏ túi của chúng tôi ở Nhà Bè về mục đích của các bạn trẻ khi vào tiệm Internet.
Phóng to |
Chị Cao Thị Hòa (Hóc Môn, TP.HCM) lướt "nét" sau giờ đi ruộng - Ảnh: N.Bay |
Ở xã Long Hòa (Cần Giờ), nông dân Nguyễn Minh Châu và Lê Long Hòa là hai khách hàng ruột của điểm Internet duy nhất có tại xã này. Anh Châu và anh Hòa bắt tay làm đìa tôm nhiều năm qua. Một số xã ở Cần Giờ có năm bỏ trống ao tôm vì giá rớt thê thảm, môi trường nuôi bị ô nhiễm hơn trước. Hai anh Châu - Hòa cũng không ngoại lệ. Thất bát nhiều mùa, vắt tay lên trán suy nghĩ, họ nghiệm ra: nếu cứ bán cho cò lái thì khó có thể chủ động được.
Tình cờ đọc tờ báo về những cách làm ăn mới trên mạng, anh Hòa bàn với anh Châu: sao mình không thử tự tìm nguồn tiêu thụ. Ngoài việc chạy xe tìm những đầu mối mua hàng ở các nhà hàng vừa và nhỏ ở trung tâm TP.HCM, cách của họ là bán tôm tận nơi cho cá nhân có nhu cầu. Rao vặt trên trang web www.muabanraovat.com cũng như vào bàn tròn bàn thời sự ẩm thực, nhiều mối hàng bất ngờ đến với hai anh nông dân. Có ngày, nhất là cuối tuần, họ không có hàng chạy kịp. “Internet giúp ích cho nhiều nông dân chúng tôi nếu biết khai thác tốt những lợi thế của nó”, anh Hòa nói.
Chúng tôi tìm đến nhà chị Cao Thị Hòa ở Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) khi chị đang đỡ đẻ cho heo, một đàn gần 100 con, tám con nái. Chị vừa cho đàn heo ăn vừa tranh thủ lướt “nét” xem thị trường, giá cả thịt heo trong ngày ra sao. Nhờ “nét”, chị biết được tình hình dịch bệnh, biết được giá vàng, giá chứng khoán lên xuống như thế nào để điều chỉnh giá hoa màu, hướng sản xuất phù hợp, lựa chọn nhà cung cấp và tìm đầu ra cho gia súc. Dàn máy tính nối mạng chị Hòa sử dụng là do Chi cục Thú y trang bị. Chị nói: “Nhà nông bây giờ không chỉ có đất ruộng mà còn biết đầu tư cả chứng khoán và giá cổ phiếu”.
Đặng Quang Minh - giám đốc Trung tâm Đào tạo công nghệ mạng vnPro (TP.HCM): “Chỉ qua vài động tác click chuột, Internet có thể giúp nông dân cập nhật thông tin về các sản phẩm để chuyển hướng nuôi trồng. Muốn người nông dân hoặc thanh niên nông thôn dùng Internet hiệu quả, VN cần có các website hoặc các cổng thông tin, những cẩm nang sử dụng Internet cho riêng nông dân. Tại Indonesia, những chương trình đào tạo Internet cho nông dân đã giúp họ tăng sản lượng rất lớn, cải thiện đời sống nông dân rõ rệt”. |
Khi bắt đầu nuôi tôm trong hai trang trại ở Lý Nhơn (Cần Giờ), vợ chồng anh nông dân Võ Văn Trạc và chị Trần Mai Phương cảm thấy “mù tịt” về thông tin, giá cả, chất lượng, đầu ra… “Nét” xuất hiện ở sát nhà, họ tự tìm hiểu, nắm bắt cho mình, vận dụng vào thực tiễn, trúng rất nhiều mùa tôm. Muốn chia sẻ với những nông dân khác, anh chị lập hẳn trang web www.vietlinh.com.vn, hoạt động với tiêu chí hỗ trợ thông tin sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Các thông tin về nông nghiệp, nuôi trồng được xây dựng với ngôn ngữ dễ đọc, dễ hiểu, các thiết kế đơn giản, dễ sử dụng với các chuyên mục: điểm tin nuôi trồng, khai thác thị trường thủy sản trong nước, dự báo thời tiết, kỹ thuật nuôi trồng, phòng trị bệnh tôm, cá, cách sử dụng thuốc, môi trường, xử lý nước… Các “nông dân a còng” đã có nơi trao đổi, thảo luận với chuyên gia trả lời miễn phí. Sản phẩm rao bán trên trang web này cũng hoàn toàn miễn phí.
Ở Hợp tác xã An Hạ (Bình Chánh), khởi nghiệp từ 10 cây giống nha đam đầu tiên trên vùng đất ruộng, giờ mỗi năm trang trại của chị Trần Thị Cường cung cấp giống cho bà con nông dân khoảng 10.000 mẫu từ các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh đến Đồng Nai, Long An. Bình quân thu hoạch của xã viên đạt 100-120 triệu đồng/ha đất nông nghiệp từ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, tăng gấp 2-3 lần sản phẩm lúa.
Chị Cường kể: “Mọi chuyện bắt đầu từ việc xã viên đi chợ bán từng ký sản phẩm, từ khi có “nét”, các sản phẩm được thông tin chào hàng trên các trang web của Hội nông dân, Trung tâm khuyến nông, Liên minh hợp tác xã, rồi tiếng lành đồn xa”. Trước đây, 80% hộ nông dân thuộc diện xóa đói giảm nghèo, đến năm 2005, đầu ra sản phẩm tăng nhanh, Hợp tác xã An Hạ còn hợp đồng bán cây giống cho hộ nông dân, cho thiếu 50% và bao tiêu sản phẩm. Đời sống của người dân ở đây được cải thiện trông thấy.
Phóng to |
Anh Võ Văn Trạc và chị Trần Mai Phương (Cần Giờ, TP.HCM) làm trang web hỗ trợ nông dân - Ảnh: Đ.Tươi |
Tạo đầu ra cho nhà nông bằng Internet là cách mà nhiều nơi đang áp dụng. Ở Hợp tác xã Ngã Ba Giồng, trên 50% xã viên và 100% hộ chăn nuôi có trang bị máy tính, nối mạng. Không chỉ là công cụ cho con cái học hành Internet, những nhà nông hiện đại này còn dùng “nét” làm phương tiện làm ăn.
Thông qua hợp tác xã, các hộ thường xuyên cập nhật và liên kết với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn về cây con giống, kết nối cùng Liên minh Hợp tác xã TP.HCM tìm nguồn vốn vay, với Chi cục Thú y TP.HCM để chăm sóc, phòng chống bệnh cho đàn gia súc.
Được cung cấp giống, ưu tiên bao tiêu sản phẩm, như vụ chính đông xuân năm 2006, 506 tấn hoa màu của nông dân được bao tiêu, trên 10 tấn vật tư nông nghiệp (phân bón vô cơ, hữu cơ) được cung ứng và gần 2 tỉ đồng vốn vay từ Liên minh Hợp tác xã TP.HCM cho các hộ nông dân. 112ha hoa màu của hộ nông dân được công nhận là vùng sản xuất rau an toàn. Sản phẩm của hợp tác xã có mặt mỗi ngày tại siêu thị Metro và các chợ trong TP.HCM. Với nhiều nông dân, giờ đây cần liên lạc gấp thì gọi điện, muốn gửi tài liệu thì e-mail là xong, không phải đi lên đi xuống mất nhiều thời gian.
Số “nông dân điện tử” như vậy vẫn còn hiếm. Khát vọng đổi đời qua tiếp cận xa lộ thông tin vẫn là con đường mày mò, gian nan.
Băn khoăn của nhiều nông dân cho thấy còn cần rất nhiều sự giúp sức: “Cần Giờ đường sá còn kém, gọi điện thoại còn bị gián đoạn nói chi đến xa lộ thông tin”.
Kỳ tới: Xa lộ còn xa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận