13/04/2016 16:18 GMT+7

Nỗi thống khổ của những bé gái bị Boko Haram bắt cóc

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Bị bỏ đói, đánh đập và lạm dụng tình dục, nhiều em gái bị nhóm Boko Haram bắt cóc đã chọn lối thoát bằng cách trở thành kẻ đánh bom tự sát, hoặc là chết hoặc có cơ hội được giải cứu.

Boko Haram đã thay đổi cách dân làng đối xử với những người lạ, đặc biệt là các cô gái trẻ như Fati - Ảnh: CNN
Boko Haram thường hay bắt cóc các bé gái - Ảnh: CNN


Lối thoát duy nhất

Boko Haram là một nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan được thành lập và hoạt động tại Nigeria. Nhóm này bị coi là phiến quân vì tổ chức các hoạt động khủng bố tại Nigeria.

Boko Haram bắt đầu nổi lên bằng các vụ tấn công đẫm máu kể từ năm 2009.

Mục tiêu ban đầu của chúng là bất cứ thứ gì liên quan tới nền giáo dục phương Tây. Điều này đã được thể hiện qua tên của chúng, Boko Haram nghĩa là "Giáo dục phương Tây là tội lỗi".

Giai đoạn sau này, bọn chúng mở rộng mục tiêu tấn công và đánh chiếm nhiều thành phố, vùng đất ở Nigeria.

Chúng còn tiến hành nhiều vụ bắt cóc nữ sinh, điển hình như vụ bắt 270 nữ sinh hồi năm 2014. Hiện chúng đang bị quân đội chính phủ Nigeria đánh bật khỏi nhiều vị trí và rút chạy.

Kể với các phóng viên CNN tại trại tị nạn Minawao (Cameroon), cô gái nhỏ nhắn 16 tuổi tên Fati vẫn nhớ rõ cái ngày cách đây hai năm, khi những tay súng Boko Haram đến làng của em và bắt em cùng nhiều bé gái khác.

“Họ (Boko Haram) đến làng của em, tay lăm lăm súng rồi bảo rằng muốn lấy chúng em làm vợ. Mọi người bảo “Không, chúng nó còn quá nhỏ”. Vậy là họ dùng vũ lực để bắt em và nhiều bạn khác về làm vợ”.

“Chồng” của Fati, một tay súng của Boko Haram, đã cưỡng bức em ngay trong đêm đầu tiên rồi quẳng cho em “quà cưới” là một chiếc váy và khăn trùm đầu.

Fati kể em thậm chí còn gặp những em gái khác với độ tuổi còn nhỏ hơn em trong hang ổ của Boko Haram ở rừng Sambisa (Nigeria). Một trong những số này, theo lời Fati, là những em gái trong vụ bắt cóc 270 nữ sinh ở Chibok (Nigeria) gây chấn động hồi tháng 4-2014.

Họ bị những kẻ tự nhận là “chồng” của mình cưỡng bức và lạm dụng liên tục trong suốt một thời gian dài.

“Có rất nhiều cô gái ở đó, em không thể đếm hết được. Tất cả đều rất sợ hãi. Họ khóc, họ la hét còn những tên đàn ông trong nhóm Boko Haram thì cưỡng bức họ. Không có thức ăn hay bất cứ thứ gì cả. Có thể đếm được từng cọng xương sườn lòi ra vì đói”.

Khu rừng Sambisa, thành trì đáng nguyền rủa của Boko Haram, đã từng được xem là căn cứ địa bất khả xâm phạm của chúng, hiện đang bị quân đội Nigeria tấn công dữ dội. Các vụ ném bom của quân chính phủ và đấu súng không ngừng từ hai phía khiến các cô gái như Fati hoảng loạn.

“Lúc nào cũng có bom đạn trên đầu chúng em”, Fati nói em thậm chí sợ bom đạn còn hơn cả những kẻ đã bắt cóc em.

Bạo lực, đói khát và bị lạm dụng tình dục đã đẩy các em gái đến quyết định lựa chọn trở thành một kẻ đánh bom liều chết cho bọn khủng bố Boko Haram.

Fati nhớ lại: “Bọn chúng đến và chọn một trong số chúng em. Chúng hỏi “Ai muốn trở thành kẻ đánh bom tự sát?”, vậy là rất nhiều cô gái hét lên: “Tôi, tôi, hãy chọn tôi”. Chúng em tranh nhau để trở thành một kẻ đánh bom liều chết”.

Những cô gái không hề bị tẩy não bởi những kẻ khủng bố, họ không hề được truyền bá tư tưởng bạo lực từ các tay súng của Boko Haram. Họ chọn con đường trở thành một kẻ đánh bom liều chết vì mọi thứ đã quá sức chịu đựng.

“Chúng em chỉ muốn thoát khỏi bàn tay của bọn Boko Haram càng xa càng tốt”, Fati kể, “Nếu bọn chúng đưa tụi em một quả bom liều chết, rất có thể tụi em sẽ gặp những binh lính của chính phủ, khi đó tụi em sẽ nói “Tôi có một quả bom trên người” và họ sẽ gỡ bom ra khỏi người tụi em. Lúc đó tụi em có thể chạy trốn khỏi bọn Boko Haram”.

Nếu họ không thể sống sót hay gặp được binh sĩ giúp họ gỡ bom ra khỏi người, ít nhất họ cũng đã được giải thoát vĩnh viễn khỏi Boko Haram.

May mắn đã mỉm cười với Fati khi “chồng” của em mang theo em đào thoát sang nước láng giềng Cameroon nhưng bị quân đội nước này tiêu diệt. Em sống sót và được đưa đến trại tị nạn Minawao.

Sở thích quái dị của Boko Haram

Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), số lượng trẻ em bị nhóm Boko Haram sử dụng trong các vụ đánh bom liều chết đã tăng mạnh trong năm qua. Cứ năm vụ thì có một vụ do trẻ em thực hiện.

Các bé gái thường bị ép sử dụng ma túy rồi bị quấn chất nổ quanh người để thực hiện 3/4 số vụ tấn công mà nhóm này tiến hành ở Cameroon, Nigeria và Chad. Có 44 vụ tấn công như vậy xảy ra năm 2015, tăng 11 lần so với năm trước.

Báo cáo của UNICEF cũng cho biết, nhiều cậu bé bị bắt cóc và tuyển mộ vào hàng ngũ của Boko Haram rồi bị ép buộc phải tấn công chính gia đình mình nhằm thể hiện sự trung thành. Các bé gái phải chịu đựng nhiều kiểu lạm dụng tồi tệ, bao gồm bạo lực tình dục và bị ép làm vợ các tay súng.

Thượng tá Mathieu Noubosse thuộc quân đội Cameroon khẳng định, bọn khủng bố Boko Haram thậm chí còn sử dụng cả những em gái chỉ mới 8, 9 tuổi để thực hiện các vụ tấn công.

Theo ông Noubosse, các em gái là “công cụ lý tưởng” của Boko Haram. Các thiết bị nổ có thể được giấu bên trong lớp mạng che mặt, lớp áo khoác dài bên ngoài hay thậm chí là trên khăn trùm đầu của các em. Điều này sẽ giúp bọn chúng đưa các em tiếp cận gần hơn với các mục tiêu tấn công mà không bị nghi ngờ rồi bất thình lình kích nổ bom qua bộ điều khiển từ xa.

Bị cộng đồng xa lánh và hiểu lầm

Những cô gái bị Boko Haram bắt cóc, dù đã được giải thoát khỏi bàn tay của chúng hay vẫn còn nằm trong sự kiểm soát của chúng, đều bị nhìn nhận như những người ủng hộ khủng bố.

“Họ chỉ là những nạn nhân của Boko Haram”, giám đốc UNICEF tại Cameroon, Felicity Tchibinda nhấn mạnh, “Các em đang bị nhìn nhận một cách tiêu cực, chúng ta cần phải thay đổi việc này nếu không muốn đối mặt với những hậu quả về lâu dài".

Thực tế cho thấy cuộc sống của những cô gái trẻ sau khi chạy thoát khỏi Boko Haram, như Fati chẳng hạn, không hề dễ dàng. Họ phải đối mặt với sự dè bỉu và nghi kị từ chính những người trong cộng đồng của họ.

Nói với CNN, Mohammed Amodu - một thủ lĩnh của người tị nạn ở Minawao thừa nhận: “Nếu chúng tôi thấy một cô gái lạ mặt, cô ta có thể là kẻ đánh bom liều chết. Cô ta chắc cũng như đám Boko Haram”.

Fasumata, một người tị nạn vừa đến trại Minawao cũng có cùng suy nghĩ.

“Nếu họ thấy một người được giải thoát khỏi Boko Haram, họ sẽ nghĩ cô này chắc vẫn còn liên hệ với bọn chúng và rằng Boko Haram chỉ thả những người này ra là để đánh bom tự sát. Không chỉ ở trong trại tị nạn này đâu, ở bất kỳ nơi nào tại Nigeria cũng vậy. Người ta cảm thấy sợ, bởi hễ cứ mỗi khi nghe có một vụ đánh bom liều chết, thì liền sau đó là tin nó được tiến hành bởi một cô gái trẻ”.

Cuộc sống của những em gái như Fati vẫn chưa phải là màu hồng sau khi được giải thoát khỏi Boko Haram. Thảm kịch này sẽ chỉ chấm dứt một khi bọn khủng bố này bị tiêu diệt hoàn toàn.

 

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên