26/08/2012 01:34 GMT+7

Nỗi sợ ném đá

HỒNG HẠNH
HỒNG HẠNH

TT - Một câu nói được giật tít, những sóng gió kéo theo. Dù rằng nếu câu nói ấy được đặt vào đúng văn cảnh và toàn bài thì sẽ chẳng có vấn đề gì cả. “Sóng gió” sau phát biểu ấy là một bức “tâm thư” với những lời lẽ mang tính miệt thị (thậm chí là nhục mạ, thách thức) của người có liên quan, là hàng loạt người hâm mộ bênh vực thần tượng một cách mù quáng bằng cách chửi rủa người khác, bất kể sự thật thế nào. Làng giải trí Việt ngày càng nở rộ hiện tượng ném đá và nỗi sợ ném đá cũng bắt đầu từ đó.

Cũng trong câu chuyện ném đá bên lề cuộc thi nói trên, anh bạn nhà báo của tôi đã than thở trên Facebook của mình về việc anh trót lỡ lời khen một nghệ sĩ nổi tiếng là “văn minh”, là “thông minh”, là “có chiều sâu” và anh đã vỡ mộng khi nghệ sĩ ấy cũng không bình tĩnh nổi trước lời nhận xét thẳng thắn của người khác để rồi có những dòng nói lại khá trịch thượng trên Facebook của cô ấy (dù rằng những dòng ấy đã được xóa ngay sau đó một lúc).

Bên lề một cuộc thi đình đám sẽ có không ít dư luận. Đối với một nghệ sĩ, chuyện khen chê vốn là lẽ thông thường. Sự bình tĩnh là điều cần thiết trước những dư luận trái chiều bỗng trở nên hiếm hoi hơn bao giờ hết trong làng giải trí ta hiện nay. Làm gì thì làm, không ai được chê, từ báo giới đến nghệ sĩ, ai chê ta ắt là kẻ thù của ta, ta phải phản đối/chửi bới/ thách thức lại “nó”, nếu không “chúng” sẽ nói ta là đồ hèn nhát! Báo nào chê ta thì ta sẽ tẩy chay báo đó, gọi điện thoại hoặc gửi thư phản đối đến tòa soạn, nhất định phải làm cho ra lẽ: tại sao lại chê? Người khác cao tay ấn hơn thì “thuê” ngay những kênh khác để “trả lời lại” và khen tặng lại. Người khác lại gián tiếp (hay trực tiếp) tác động đến người hâm mộ và dùng người hâm mộ như một thế lực để “đánh” lại những kẻ đã chê mình. Không ít người hâm mộ cuồng nhiệt đã không tiếc lời mạt sát bất kỳ ai nếu kẻ đó không tôn vinh, khen ngợi, đắm say thần tượng mình như mình.

Nỗi sợ ném đá lan trong cộng đồng nghệ sĩ từ những ứng xử “chợ búa” như trên, đến nỗi trong quá trình tác nghiệp, người viết cần ý kiến khách quan của các nghệ sĩ về chuyên môn của một cuộc thi, hỏi ai, ai cũng từ chối vì “sợ bị ném đá”, vì “mình nói đúng chưa chắc người ta đã nghe, mà người ta không nghe thì mình nói làm gì, chưa kể còn có nguy cơ bị nói là ghen ăn tức ở, bị người hâm mộ ném đá nữa”.

Đôi khi có những nghệ sĩ cũng vì “sợ ném đá” trước việc làm nọ kia của mình đã chọn cách viết “tâm thư”, đến nỗi “tâm thư” như là cái “mốt” trong ứng xử của giới nghệ sĩ Việt hiện nay. Nghĩa của “tâm thư” là “thư để bày tỏ những tâm sự hoặc những lời tâm huyết” nhưng các nghệ sĩ đã sử dụng chúng như một công cụ để giải thích, thanh minh cho hành động của mình, để mỉa mai, bài xích người khác và có khi cũng để chửi bới người khác mà không hiểu rằng những bức “tâm thư” ấy có hại cho hình ảnh của họ nhiều hơn là có lợi, rằng người đọc hiểu được những sự tự ái, kiêu ngạo của họ hơn là lời tâm huyết, tâm tình.

Một xã hội nói chung lẫn một lĩnh vực chuyên môn nói riêng đều cần những ý kiến phản biện để phát triển. Nếu chịu khó lắng nghe những ý kiến trái chiều đúng đắn, người ta sẽ rút được bao nhiêu điều hay để thay đổi và phát triển. Cổ nhân đã từng nói người khen ta đúng là bạn ta nhưng người chê ta đúng mới là thầy ta. Hiện giờ chỉ thấy không ít nghệ sĩ ta thích “bạn” chứ chẳng ai cần “thầy”. Có lẽ vì họ thấy mình đã đủ tài năng, đã hoàn thiện, đã là “đỉnh của đỉnh”, không cần cố gắng nữa chăng?

HỒNG HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên