Người dân làm thủ tục hành chính liên quan tư pháp - hộ tịch tại UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuổi Trẻ giới thiệu thêm các ý kiến phân tích của chuyên gia cùng một số thắc mắc của bạn đọc xung quanh vấn đề này.
Nơi sinh gắn bó mật thiết mỗi người
Theo tiến sĩ xã hội học Trương Văn Vỹ, thông tin nơi sinh rất quan trọng, phản ánh chính xác nhất, gần gũi và thiết thực nhất với một người, lại vừa có ý nghĩa phục vụ quản lý ở góc độ xã hội học.
Hiện nay nhiều quốc gia thường ghi thông tin nơi sinh trên căn cước công dân (CCCD) hay hộ chiếu. Thông tin này giúp người quản lý có đánh giá cơ bản về hoàn cảnh, xuất thân, điều kiện khi xem xét cho cá nhân nhập cảnh khi một địa danh có thể gắn liền với điều kiện kinh tế - xã hội ra sao, có phải khu vực gắn với tội phạm, tệ nạn hay không...
Trong khi cách ghi thông tin quê quán có tính truyền đời, gây khó hiểu, rắc rối. Bởi lẽ do yếu tố lịch sử, nhiều gia đình sinh sống, cấu thành nên dân tộc Việt đến từ nhiều vùng lãnh thổ khác nhau. Tuy nhiên nhiều thế hệ dù đã di chuyển, sinh trưởng gắn bó với nhiều vùng đất khác nhau vẫn cứ tiếp nối quê quán theo nguồn gốc cha ông.
"Trường hợp của tôi có cha quê quán Quảng Nam, còn tôi sinh trưởng ở Quảng Ninh và sinh sống ở TP.HCM đã lâu. Đến đời các con tôi đều sinh trưởng ở TP.HCM nhưng với quy định ghi quê quán gắn với quê cha như vậy nên Quảng Nam vẫn được ghi nhận trên CCCD của tôi và các con. Việc ghi nhận như vậy có thể thấy ở rất nhiều gia đình người Việt", ông Vỹ nói.
Vì vậy, theo ông Vỹ, thông tin quê quán cũng có ý nghĩa trong việc phục vụ quản lý, tra cứu nguồn gốc dân cư nhưng chỉ nên được cơ quan quản lý thu thập, ghi nhận trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư. Còn CCCD hay hộ chiếu là vật tùy thân quan trọng của người dân thì ghi nơi sinh là hợp lý và cần thiết hơn.
Đồng tình, thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng quê quán là cội nguồn, có thể còn là bí mật đời tư của mỗi cá nhân nên không nhất thiết phải ghi trên CCCD, chỉ cần cơ quan quản lý nhà nước đưa vào dữ liệu dân cư.
"Nơi sinh là gắn với sự xuất hiện trên đời của mỗi công dân và được Nhà nước ghi nhận, bảo hộ. Vì vậy thông tin này cần được ghi nhận trên CCCD. Người dân cũng chỉ cần biết, nhớ nơi sinh khi làm việc gì đó liên quan đến thủ tục", ông Quang chia sẻ.
Có số định danh rồi không cần nhiều thông tin nữa
Theo quy định hiện hành, nếu trẻ em được sinh ra tại cơ sở y tế thì ghi nơi sinh theo tên cơ sở y tế kèm địa chỉ cơ sở y tế (đường, xã, huyện, tỉnh). Nếu sinh ở ngoài cơ sở y tế (sinh ở nhà) thì ghi địa danh của ba cấp hành chính (xã, huyện, tỉnh).
Trẻ em phải được đăng ký khai sinh với UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) để ghi nhận cũng như quản lý công dân. UBND cấp xã nơi thường trú, tạm trú của người cha hoặc mẹ phải chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ.
Hoàn tất thủ tục, trẻ được UBND cấp xã cấp giấy khai sinh kèm số định danh cá nhân. Số định danh này sẽ trở thành số CCCD của trẻ khi đến tuổi cấp CCCD và gắn với suốt cuộc đời một người.
Ông Quang cũng lưu ý là theo quy định, cha mẹ của trẻ có thể thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ tại UBND cấp xã nơi thường trú hay tạm trú đều được và quyền lợi của trẻ vẫn được Nhà nước bảo đảm công bằng, bình đẳng không phụ thuộc nơi đăng ký khai sinh hay cư trú.
"Ví dụ, cha mẹ là người thường trú ở tỉnh, sinh sống tạm trú tại TP.HCM thì trẻ em vẫn đăng ký khai sinh tại UBND cấp xã ở TP.HCM. Sau đó gia đình chuyển đi nơi khác hay về quê sinh sống thì quyền lợi liên quan của trẻ vẫn được bảo đảm. Trường hợp trẻ em là công dân Việt Nam được sinh ra và khai sinh ở nước ngoài thì khi quay về sinh sống tại Việt Nam thì vẫn bình đẳng với các công dân khác...", ông Quang phân tích.
Do tính chất cần thiết của thông tin nơi sinh nên ông Quang kiến nghị nên ghi nhận vào CCCD thay cho thông tin quê quán.
"Tuy nhiên do quy chuẩn của CCCD với diện tích có hạn nên thông tin nơi sinh không cần phải ghi đủ thông tin bệnh viện, đường... mà chỉ cần ghi vắn tắt đơn vị hành chính ba cấp phường, quận, TP.HCM.
Còn thông tin đầy đủ về nơi sinh thì cơ quan quản lý cập nhật lên dữ liệu quản lý dân cư. Người dân chỉ cần biết nơi sinh thay vì quê quán, nơi đăng ký khai sinh và cần nhớ số định danh thì đã đủ để thực hiện các thủ tục, giao dịch liên quan...", ông Quang nói.
Công an quận 3, TP.HCM làm căn cước công dân lưu động cho người dân các phường 12, 13, 14 tại nhà thờ Vườn Xoài - Ảnh: TỰ TRUNg
Thêm nhóm máu trong CCCD sẽ đẩy nhanh thời gian cấp cứu
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Trường ĐH Y dược TP.HCM, chia sẻ ông từng đi nhiều nước trên thế giới và nhận thấy trên thẻ CCCD ở nhiều quốc gia phát triển có ghi thông tin về nhóm máu.
Vì thế chúng ta cũng nên nghiên cứu áp dụng ghi nhóm máu lên thẻ CCCD để giúp đẩy nhanh hơn thời gian cấp cứu nếu chẳng may người dân bất ngờ gặp tai nạn. Trong tình huống cần truyền máu cấp cứu, để bảo đảm an toàn phải thử lại nhóm máu bằng phản ứng chéo.
Phản ứng này thực hiện bằng cách lấy một giọt máu bệnh nhân và một giọt máu người cho lên một tấm kính, sau khoảng năm phút nếu hỗn hợp này không xảy ra kết tủa hay vón đông thì an toàn.
Nếu chúng ta không biết trước nhóm máu bệnh nhân thì phải thực hiện các công đoạn: lấy máu bệnh nhân, định nhóm máu và thử lại nhóm máu giữa người cho và người nhận bằng phản ứng chéo. Còn khi đã biết nhóm máu thì bác sĩ có thể chỉ thực hiện phản ứng chéo, lúc này đỡ tốn thời gian cấp cứu bệnh nhân rất nhiều.
"Còn việc đưa mục quê quán trên CCCD, tôi cho rằng không cần thiết vì không giúp ích trong việc nhận diện một con người vì thực tế cũng chỉ ghi theo quê quán của cha, mẹ mà CCCD lại là vật bất ly thân, quan trọng để xác định từng cá nhân trong rất nhiều hoạt động, giao dịch trong đời sống nên chỉ cần ghi nơi sinh là đủ", ông Nam nói.
XUÂN MAI
Cần thống nhất xác định nơi sinh
Ngoài việc ủng hộ ghi nơi sinh trên một số giấy tờ quan trọng, bạn đọc phản hồi về tòa soạn Tuổi Trẻ mong có cách xác định nơi sinh cho đúng và thống nhất để cán bộ tư pháp và người dân dễ thực hiện. Dưới đây là những trường hợp cụ thể bạn đọc nêu:
- Tôi và vợ quê quán Kiên Giang, vợ mang bầu gần sinh, đi thăm người quen ngoài Hà Nội. Ra đó được nửa tháng chơi rồi sinh con ngoài đó, giờ nơi sinh ghi Hà Nội, thấy sao sao đó. (Tích Thiện)
- Có một số người sẽ mang con lên thành phố sinh để lấy nơi sinh đẹp rồi vẫn về lại nơi cư trú sinh sống. Như chuyện ra nước ngoài sinh con để lấy quốc tịch trước kia vậy. (thanhviet)
- Ngay cả việc ghi nơi sinh trong giấy khai sinh của trẻ bây giờ cũng không thống nhất. Nhiều nơi ghi là bệnh viện nơi em bé được sinh ra. Cha mẹ sinh sống ở tỉnh nhưng sinh con ở bệnh viện tại TP.HCM thế là trong giấy khai sinh ghi nơi sinh là bệnh viện XYZ ở TP.HCM.
Thế nhưng trong CCCD vẫn ghi là nơi cấp giấy khai sinh cho bé, nghĩa là nơi cha mẹ sinh sống. Điều này chính xác và có ý nghĩa, giá trị hơn là ghi bệnh viện là nơi sinh. Cần thống nhất nơi sinh là nơi cấp giấy khai sinh. (Dang)
- Đang đi sinh mà mẹ trở dạ sinh con trên tàu bay hay tàu hỏa thì ghi nơi sinh thế nào. Ghi quê quán thì dễ truy tìm. Ghi nơi sinh là bệnh viện hay trạm y tế thì các đơn vị đó không có chức năng lưu trữ thông tin cá nhân thì khó xác minh về sau.
Trường hợp khác, mẹ đang đi công tác, lao động, học tập, du lịch, chữa bệnh... ở nước ngoài thì sinh con. Vậy ghi nơi sinh thế nào? Ghi theo cơ sở y tế nước ngoài ấy có giúp gì cho việc quản lý, xác minh nhân thân sau này không. Nên ghi quê quán là nơi cha mẹ đang sinh sống, thường trú khi sinh con.
ANH HOÀNG
Thăm dò ý kiến
Đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc nên ghi nơi sinh hay quê quán trên căn cước công dân cũng như hộ chiếu. Theo bạn nên ghi:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận