Giải tỏa 559 lượng vàng bị niêm phongNhiều tiệm vàng tăng "phòng thủ" sau vụ niêm phong vàng
Phóng to |
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai tại thời điểm kiểm tra, niêm phong vàng ngày 24-4 - Ảnh: Đ.Thanh |
* Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM):
Khám xét trái luật
Theo khoản 2 điều 124 và khoản 2 điều 129 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, chủ tịch UBND quận Bình Thạnh không có thẩm quyền ký quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là địa điểm kinh doanh.
Trong quyết định khám xét của chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh ký ngày 23-4, được ghi là “khám xét nơi ở”, nhưng tại điều 2 của quyết định ghi: “toàn bộ phạm vi nhà”, bao gồm cả khu vực kinh doanh. Trên thực tế, Công an Q.Bình Thạnh đã tập trung khám xét khu vực kinh doanh.
Thêm vào đó, Công an Q.Bình Thạnh trả lời là do sai sót khi ghi ngày ra quyết định khám xét chứ không có việc ra quyết định trước khi phát hiện hành vi vi phạm. Nhưng trong quyết định của chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh ký ngày 23-4, nội dung ghi rõ: “Xét đề nghị của Công an Q.Bình Thạnh tại công văn số 246/CAQ (KT-CV) ngày 22-4”, như vậy làm sao nói sai sót do ghi nhầm ngày được? Bởi lẽ dựa trên cơ sở nào để công an Q.Bình Thạnh đề nghị UBND Q.Bình Thạnh khám xét tiệm vàng Hoàng Mai vào ngày 22-4?
Công an Q.Bình Thạnh chỉ phát hiện nghi vấn tiệm vàng Hoàng Mai mua bán 100 USD. Vì vậy ngay khi Công an Q.Bình Thạnh khám xét, tìm ra tờ tiền mệnh giá 100 USD đó thì xem như đã thực hiện xong nội dung quyết định, có thể dừng việc khám xét chứ không thể tiếp tục khám xét tới két sắt, hộc tủ.
Trong trường hợp Công an Q.Bình Thạnh phát hiện tiệm vàng Hoàng Mai có dấu hiệu vi phạm khác, cơ quan này phải xin lệnh khám khác chứ không thể tùy tiện khám xét vượt quá nội dung quyết định đã ban hành.
Việc tiếp tục khám xét, thu giữ tài sản cá nhân khác trong hộc tủ, két sắt là có dấu hiệu lạm dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hay nói khác hơn là lạm quyền.
Việc tháo dỡ niêm phong số vàng bị công an niêm phong trước đó là điều tất yếu, nhưng cần trả lại ngay số ngoại tệ đã thu, chỉ được giữ lại 100 USD nghi là tang vật vụ vi phạm hành chính.
Công an Q.Bình Thạnh cho rằng muốn xác minh nguồn gốc số vàng, ngoại tệ nên phải tạm giữ, yêu cầu bà Mai chứng minh nguồn gốc là không phù hợp với phong tục tập quán người Việt và không đúng với quy định pháp luật hiện hành.
Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm hành chính.
Tại thời điểm khám xét, cơ quan chức năng chỉ xác định được tờ 100 USD là tang vật, còn số vàng, ngoại tệ khác không có mua bán, giao dịch nên không thể cho rằng bà Mai có dấu hiệu vi phạm, tạm giữ để xác minh.
Quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở được ghi ngày 23-4 và căn cứ trên đề nghị trước đó 1 ngày của Công an Q.Bình Thạnh |
* Luật sư Võ Xuân Trung (Đoàn luật sư TP.HCM):
Cảm giác như có sự sắp đặt
Trong việc khám xét có gì đó không rõ ràng. Cơ quan công an căn cứ vào việc phát hiện có một người đàn ông vào tiệm vàng Hoàng Mai đổi ngoại tệ trái phép (đổi 100 USD), ngay lập tức có rất nhiều công an ập vào lập biên bản quả tang, khám xét, niêm phong 559 lượng vàng, thu giữ nhiều ngoại tệ.
Sự việc làm người ta có cảm giác như có sự sắp đặt sẵn để khép bà Mai vào một hành vi vi phạm theo ý chí chủ quan của người có thẩm quyền.
Theo quy định thì cơ quan có thẩm quyền chỉ được tạm giữ tang vật vi phạm hành chính. Trong trường hợp này, tang vật vi phạm hành chính nếu có là 100 USD và phải được bắt quả tang, trong khi ở đây cơ quan công an lại đi niêm phong số lượng lớn vàng và ngoại tệ không được xem là tang vật.
Hành vi này của cơ quan công an đã thể hiện sự lạm quyền. Vì việc cất giữ ngoại tệ và vàng của chủ tiệm vàng là không vi phạm luật pháp, ngôi nhà của bà Mai ngoài địa điểm kinh doanh còn là nhà ở nên họ có quyền cất giữ tài sản ở bất kỳ đâu đều hợp pháp.
Còn một chi tiết có thể chứng minh sự bất thường trong sự việc này từ việc khám xét dựa trên việc vi phạm xảy ra vào ngày 24-4 trong khi quyết định khám xét tiệm vàng lại được ban hành trước đó một ngày (23-4).
Công an Q.Bình Thạnh trả lời là do “cán bộ trinh sát được cử đi xin lệnh khám xét hành chính của chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh đã sơ ý, ghi nhầm ngày”.
Câu trả lời này liệu có thuyết phục, khi mà việc ban hành một quyết định hành chính là phải theo quy trình chặt chẽ về thủ tục như số quyết định, ngày ban hành và phải do bộ phận văn thư vào sổ phát hành, chứ không phải do người cầm quyết định tùy tiện muốn ghi ngày nào thì ghi.
* Ông V.V.H. (chủ một tiệm vàng tại TP.HCM):
Giới kinh doanh vàng hoang mang
Thông tin về vụ việc tiệm vàng Hoàng Mai bị phát hiện mua bán 100 USD, sau đó bị khám xét, tạm giữ ngoại tệ và niêm phong 559 lượng vàng khiến chúng tôi thật sự bị sốc và hoang mang.
Chúng tôi không ăn không ngủ được, nhiều anh em bạn bè làm ăn lâu năm ở khắp các tỉnh, thành phố khác liên tục điện thoại hỏi thăm chúng tôi về nội tình vụ việc.
Ai cũng hoang mang, tìm những người làm trong lĩnh vực luật pháp hoặc am hiểu pháp luật để hỏi phải làm gì với số vàng mình đang có, có buộc phải mang đi bán ngay hay không.
Chúng tôi kinh doanh vàng từ nhiều chục năm nay, có người làm nhiều đời rồi, chỉ giữ vàng miếng làm tài sản. Thêm vào đó, trước đây tiệm vàng được phép kinh doanh vàng miếng, quy định thu hẹp phạm vi kinh doanh chỉ có hiệu lực mới đây, vậy nên số vàng đã mua vào, tích trữ trước đó đều được giữ lại cả.
Nay thấy tiệm vàng Hoàng Mai vì mua bán 100 USD trái phép mà bị khám xét, niêm phong vàng, chúng tôi rất sợ, vô cùng sợ.
Hầu như giới kinh doanh vàng đều dùng nhà riêng hoặc nơi ở làm điểm kinh doanh, nếu vì một vi phạm nào đó, có thể là vô tình mà bị cơ quan chức năng khám xét, tạm giữ, niêm phong số tài sản tích lũy bao nhiêu năm làm việc, buộc phải chứng minh nguồn gốc thì chúng tôi không biết phải làm sao!
* Bà Nguyễn Thị Thanh Mai (giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu vàng Hoàng Mai): Tôi khủng hoảng, suy sụp Chiều 24-4, tôi đang đi ngoài đường thì được người nhà báo tin công an vào khám nhà nên vội quay về. Hàng chục người khám xét khắp nhà tôi, khi tôi hỏi thì họ đọc quyết định khám xét chứ không đưa văn bản. Tôi lén nhìn thì thấy ghi ngày 23-4, trong khi ngày khám xét là ngày 24-4 nên tôi phản đối việc làm này là trái pháp luật. Tôi yêu cầu họ không được xâm phạm tài sản của tôi, nhưng họ dọa tôi không mở tủ để khám xét thì còng tay lại, kêu thợ khóa tới phá tủ nên tôi buộc phải mở, mở hết cả tủ cá nhân cho họ khám xét. Họ lôi hết tài sản bao nhiêu năm tích cóp của cha mẹ, gia đình tôi đòi mang đi nên tôi bức xúc đến cùng, nói với họ là họ mang đi thì tôi chết ngay tại chỗ. Cuối cùng họ buộc tôi ký vào các biên bản vi phạm, trong khi không có thông tin gì về người thanh niên mua bán đôla, tôi đã ghi biên bản trái pháp luật và ký tên. Giờ tôi khủng hoảng, suy sụp ghê gớm. Tôi đã có văn bản gửi Chi cục thuế Q.Bình Thạnh thông báo việc ngưng kinh doanh đến hết năm 2014. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận