03/04/2019 14:32 GMT+7

Những thư viện 'mở' níu chân học sinh

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - 'Mở' kho sách, tổ chức nhiều hoạt động mới lạ, giới thiệu sách trên Facebook... Bằng cách này, nhiều thư viện ở TP.HCM đang trở thành điểm hẹn yêu thích của học sinh.

Những thư viện mở níu chân học sinh - Ảnh 1.

Phòng đọc thiếu nhi của Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM luôn thu hút nhiều học sinh đến sử dụng, nhất là dịp cuối tuần - Ảnh: TR.NHÂN

Một cựu cán bộ thư viện trường học tại TP.HCM cho rằng việc phát huy văn hóa đọc trong nhà trường hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn mà điểm nghẽn trước tiên nằm ở việc các thư viện chưa thể đem sách đến gần học sinh.

Tuy vậy, cũng có nơi thư viện đã "tìm thấy" học sinh qua việc cải tiến công việc tưởng chừng đơn giản chỉ "đưa sách cho người đọc".

Những không gian mở

Phan Nhật Huỳnh (lớp 10A1 Trường THPT Marie Curie, TP.HCM) cho biết có hai tiết trống buổi sáng nhưng chiều lại kiểm tra nên cùng bạn bè kéo lên thư viện ôn tập vì ở đây yên tĩnh, thoáng mát, rất thích hợp đọc sách hay học nhóm.

Ở góc khác, Nguyễn Thanh Đức (lớp 10D5) đang chọn từng đầu sách trên các kệ được bài trí ngay giữa thư viện. "Trước đây trường cất sách trong kho đóng nên học sinh không thể nào biết hết các đầu mục, tất cả đều phải qua thủ thư" - Đức nói.

Thầy Nguyễn Văn Thưởng - thủ thư của trường - cho hay từ khi xây dựng thư viện mới, việc chuyển sách sang kho "mở" là một bước ngoặt, giảm thời gian chờ đợi của học sinh và thời gian tìm sách của cả thủ thư.

Không gian mở cũng là điều mà cô Lê Thị Hương - thủ thư Trường THCS Tùng Thiện Vương (Q.8, TP.HCM) - rất tâm huyết để thu hút học sinh. Cô cho biết không sợ học sinh nghịch ngợm làm hư sách vở vì các em được hướng dẫn kỹ lưỡng và được nhắc nhở giữ gìn sách cẩn thận cho các bạn đọc sau.

"Quan trọng là mình biết cách nói để các em ngoan hay không thôi" - cô Hương nói.

Không chỉ không gian, thời gian cũng cần "mở". Cả hai thư viện ở Trường THPT Marie Curie và THCS Tùng Thiện Vương đều hoạt động suốt buổi trưa, còn buổi chiều đóng cửa muộn hơn cho học sinh thư thả đọc sách. Cô Hương cho biết những khoảng thời gian này trong ngày là lúc thư viện đón tiếp lượng học sinh đến đọc đông nhất.

Đa dạng cách thu hút

Những thư viện mở níu chân học sinh - Ảnh 2.

Đọc sách và trao đổi ý tưởng với bạn bè trong giờ học - Ảnh: T.HÂN

Cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết - thủ thư Trường tiểu học Trần Văn Ơn (Q.12, TP.HCM) - chia sẻ rằng để thư viện thu hút được các em học sinh tiểu học, phần giới thiệu sách phải hấp dẫn. Cô Tuyết thường tự mình viết kịch bản, chọn các "diễn viên" nhí rồi tổ chức luyện tập để trình diễn trong những buổi giới thiệu sách đầu tuần.

"Buổi ra chơi ở những hôm giới thiệu sách luôn "cháy" hàng, các bạn cứ kéo đến và nói: cho em mượn quyển sách vừa được giới thiệu xong" - cô Tuyết kể.

Có hôm chính thầy hiệu trưởng là người giới thiệu sách, giới thiệu quyển thầy đã đọc đi đọc lại suốt 30 năm qua nhưng vẫn thấy hấp dẫn. Thế là ngay lập tức quyển sách này "cháy" hàng ở trường.

Các hoạt động của thư viện cũng thường xuyên diễn ra để duy trì cái "nhiệt" đọc sách cho các em, chẳng hạn như ngày hội đọc sách, thi làm bìa sách, kể chuyện theo sách...

Trong khi đó, theo cô Hương, điều quan trọng của một người thủ thư là phải có đam mê với sách thì mới có thể luôn suy nghĩ những cách thức mới để thu hút thêm nhiều học sinh đến đọc. Thư viện của cô luôn được trang trí theo những chủ đề mới lạ, gắn với những bài học trong sách.

Để thích ứng với thời đại, cô Hương cũng thường xuyên đăng tải phần giới thiệu sách qua Facebook của trường để tạo thêm sự lan tỏa. "Nhiều em đã nhắn tin hỏi thăm về các quyển này, các em còn share bài viết về sách hay cho bạn bè cùng đọc" - cô Hương nói.

Ông Vĩnh Quốc Bảo - phó giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM - cho biết do vừa được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại, kết hợp nhiều tiện ích như xem video, phòng dạy STEM, phòng dạy thiên văn... nơi đây trở thành điểm đến tuyệt vời cho những học sinh đam mê khoa học. Ngày cuối tuần, phòng đọc đón tiếp đến hàng trăm, thậm chí lên đến hàng ngàn trẻ tìm đến.

Cần sự quan tâm

Theo cô Nguyễn Thị Kim Nhung - cán bộ phụ trách thư viện đã nghỉ hưu của Phòng giáo dục Q.10 (TP.HCM), những thư viện thực chất hoạt động hiệu quả như trên tương đối ít do gặp nhiều trở ngại.

Trước hết, nếu bản thân những người đứng đầu trường không thực sự nghiêm túc đầu tư phát triển văn hóa đọc trong trường, việc thư viện đến với học sinh sẽ rất hạn chế. Ở nhiều trường, cán bộ thư viện có thể phải kiêm nhiệm thêm nhiều chức vụ khác nhưng bản thân những người thủ thư phải có đam mê với sách, với nghề.

Đọc sách để thấy đời vui hơn

Đến tiết học nằm trong chuỗi dự án Lớn lên cùng sách, đổi mới hoạt động giảng dạy môn văn tại Trường quốc tế Horizon, Q.2, TP.HCM, chúng tôi thấy em Nguyễn Gia Nghi, học sinh lớp 6, đang giới thiệu quyển sách yêu thích của mình cho bạn bè và cô giáo dạy văn tại trường.

Phần thuyết trình do mỗi học trò tự thiết kế trên máy tính, giới thiệu khái quát về tác giả, thông điệp từ tác phẩm, một số câu văn ấn tượng, cảm nhận bản thân và câu hỏi mở cho lớp học. "Mỗi quyển sách hiện tại nhắc nhớ mỗi người hãy trân trọng và không nên đánh mất tuổi thơ, thậm chí khi đã là người lớn, gặp khó khăn trong cuộc sống mọi người có thể mang sách ra đọc lại để cảm thấy đời vui hơn" - Gia Nghi chia sẻ.

Mỗi học sinh đứng lên chia sẻ quyển sách đều gián tiếp thể hiện mình qua văn học. Đó là nam sinh rụt rè tìm thấy Nhật ký chú bé nhút nhát rồi hiểu về bản thân, áp dụng trong nhiều tình huống cư xử; là học trò phố thị đọc về cuộc sống của trẻ em vùng cao vất vả mưu sinh, đến lớp nhưng sống hồn nhiên, chân thành, chuẩn bị hành trang cho tương lai Xuống phố.

"Trước khi vào trường, em chủ yếu đọc truyện tranh và sách cờ vua (đam mê của em) nhưng nhờ cô giáo gợi ý, em chuyển qua đọc truyện chữ, những tập truyện ngắn hài hước, đa dạng - Thành Nam, một học sinh, cho biết - Gần ba tháng qua, em đọc 10 cuốn trong bộ Kính vạn hoa, em nhận ra mình không nên giấu giếm bạn bè, có thể giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, cụ thể nhất là hỗ trợ bạn tiến bộ trong môn toán".

Để rèn luyện thói quen đọc sách, giáo viên thường giao bài tập về nhà hoặc dự án để học sinh đọc sách. Học sinh cũng được cung cấp nguồn sách điện tử (nghe máy đọc và thu âm học sinh đọc) để nhà trường quản lý chi tiết về số lượng, nội dung, thời gian, thời điểm, hiệu quả đọc - hiểu sách qua phần mềm. Theo định kỳ, mỗi lớp gom chai lọ để bán tái chế, mua sách giấy, được khen thưởng và giao lưu ký tặng sách với nhà văn. (TƯỜNG HÂN)

'Xin đừng lãng quên những người làm thư viện'

TTO - 'Tôi vẫn trăn trở và băn khoăn sao ngành thư viện của chúng ta hiện nay vẫn ít được quan tâm, nhất là thư viện trường học, trong khi tác dụng của thư viện với học sinh là không gì có thể so sánh được'.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên