Tranh Đông Hồ về khởi nghĩa Hai Bà Trưng - Ảnh: Chụp màn hình
Khởi nghĩa Hai Bà Trưng
Theo giáo trình Lịch sử Việt Nam tập 1 (1991, Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp) của các nhà sử học Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, năm 34 sau khi Tô Định sang Giao Chỉ làm thái thú, ách thống trị của nhà Đông Hán với người Việt đã hà khắc nay càng nặng nề hơn bằng việc tăng cường thuế má và phục dịch, cũng như thực hiện nhiều chính sách đồng hóa quyết liệt. Trong tình cảnh đó, các Lạc tướng đoàn kết tăng cường chống đối.
Mùa xuân năm Canh Tý (tháng 3-40), cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng bùng nổ. Trưng Trắc, Trưng Nhị kêu gọi hào kiệt bốn phương và nhân dân đứng lên đánh đuổi giặc. Nhiều nữ tướng giỏi quy tụ dưới cờ của 2 bà như Đào Kỳ, Lê Hoa, Lê Chân, Thiện Hoa… Chỉ một thời gian ngắn, khởi nghĩa nhanh chóng lan khắp khiến thái thú Tô Định phải cắt tóc, cạo râu giả dạng thường dân bỏ chạy.
Theo quyển Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (2014, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin), hai bà chiếm được đến 65 huyện, thành. Trưng Trắc lên ngôi vua, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, chọn Mê Linh làm kinh đô.
Ba năm sau, quân Đông Hán kéo sang. Do thế giặc mạnh, Hai Bà Trưng kháng chiến thất bại, đành gieo mình xuống sông Hát tuẫn tiết.
Theo sách Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam (1988, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội) của Viện Sử học Việt Nam, khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa chống sự cai trị của Trung Quốc đầu tiên, cũng là tiền đề cho các cuộc đấu nối tiếp trong suốt 1.000 năm Bắc thuộc.
"Hổ tướng" Tam Quốc qua đời
Tượng Quan Công lớn nhất thế giới tại Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc - Ảnh: BORED PANDA
Năm Canh Tý 220, Quan Vũ mất tại Kinh Châu sau thất bại trong trận Phàn Thành. Ông là vị tướng nổi tiếng cuối thời Đông Hán và Tam Quốc, là một trong "ngũ hổ tướng" góp công vào việc thành lập nhà Thục Hán (Trung Quốc).
Theo quyển Quan Thánh xưa và nay (1995, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin), tác giả Lê Anh Dũng cho rằng Quan Vũ là một trong những nhân vật lịch sử nổi tiếng bậc nhất khu vực Á Đông, không chỉ trong tiểu thuyết mà còn được khắc họa trong nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch, chèo, tuồng, cải lương, phim ảnh...
Đoạn trích Hồi trống cổ thành thuộc hồi thứ 28 tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa cũng được đưa vào chương trình Sách giáo khoa lớp 10, tập 2 (Phan Trọng Luận tổng chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), thuật lại lúc Quan Vũ cùng 2 chị dâu gặp lại Trương Phi tại Cổ Thành sau giai đoạn thất tán.
Cũng trong năm 220, một nhân vật nổi tiếng khác thời Tam Quốc qua đời là Tào Tháo, thọ 66 tuổi. Hiện vẫn còn nhiều đánh giá trái chiều về nhân vật này, tuy nhiên đa số đều thừa nhận ông là một nhà chính trị, quân sự giỏi của Trung Quốc, tạo nền tảng cho việc hình thành chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc.
Tượng Tào Tháo tại Hứa Xương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc - Ảnh: SCMP.COM
Theo sách Kể chuyện Tam Quốc (2007, Nhà xuất bản Đà Nẵng), tác giả Lê Đông Phương có thuật lại những năm cuối đời, Tào Tháo bị chứng đau đầu hành hạ và qua đời sau khi ở ngôi Ngụy vương được 5 năm. Trước đó, Hoa Đà từng đến chữa trị cho Tào Tháo, nhưng sau vì nóng tính, Tháo gây ra cái chết cho danh y này, khiến bệnh đau đầu của ông gần như không có người chữa được.
Tam Quốc diễn nghĩa ghi lại điển tích Hoa Đà được triệu đến chữa bệnh, đề nghị bổ đầu Tháo ra để "cạo hết gió gây đau đầu". Tháo hoảng sợ cho rằng không có cách chữa bệnh lạ đời này, và quy kết Hoa Đà muốn giết mình nên cho bắt giam. Không lâu sau khi Hoa Đà chết trong ngục, Tào Tháo cũng qua đời.
Đoạn trích Tào Tháo uống rượu luận anh hùng, trích hồi 21 của Tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa được đưa vào chương trình Sách giáo khoa lớp 10, tập 2 (Phan Trọng Luận tổng chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).
Hưng đạo Vương Trần Quốc Tuấn qua đời
Tượng Trần Quốc Tuấn ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn là một trong những danh tướng nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam với công lớn trong việc chỉ huy quân đội đánh tan hai cuộc xâm lược của quân Nguyên - Mông năm 1285 và năm 1288. Ông để lại các tác phẩm có giá trị về nghệ thuật quân sự như Hịch tướng sĩ, Binh thư yếu lược hay Vạn kiếp tông bí truyền thư…
Theo Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim), tháng 6 năm Canh Tý (1300), Trần Hưng Đạo ốm nặng. Vua Trần Anh Tông ngự tới nhà thăm có hỏi: "Thượng phụ một mai khuất núi, phỏng có quân bắc lại sang thì làm thế nào?".
Hưng Đạo Vương tâu rằng: "…Đại để, kẻ kia cậy có tràng trận, mà ta thì cậy có đoản binh; lấy đoản chống nhau với tràng, phép dùng binh thường vẫn phải như thế. Còn như khi nào quân giặc kéo đến ầm ầm, như gió, như lửa, thế ấy lại dễ chống.
Nếu nó dùng cách dần dà, như tằm ăn lá, thong thả mà không ham của dân, không cần lấy mau việc, thế ấy mới khó trị; thì ta nên kén dùng tướng giỏi, liệu xem quyền biến, ví như đánh cờ, phải tùy cơ mà ứng biến, dùng binh phải dồn lòng như cha con một nhà, thì mới có thể đánh được. Cách ấy cốt phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả".
Cũng trong năm Canh Tý (1300), ông mất, được nhân dân tôn vinh là "Đức Thánh Trần" và lập đền thờ nhiều nơi trên cả nước.
Năm Châu Phi
Algeria năm 1960 - Ảnh: WIKIMEDIA
Năm 1960 (Canh Tý) được gọi là "Năm Châu Phi" trong lịch sử thế giới với việc 17 nước châu Phi tuyên bố độc lập từ Anh, Pháp… như Đông Cameroon (1-1-1960), Togo (27-4-1960), Madagascar (26-6-1960), Somali (1-7-1960), Dahomey (1-8-1960), Niger (3-8-1960)…
Những sự kiện này đã nâng tổng số quốc gia độc lập châu Phi lúc bấy giờ từ vỏn vẹn chỉ 9 nước lên thành 26 nước với tổng dân số lúc đó là 180 triệu người.
Tháng 10-1960, tổng thống Ghana, ông Kwame Nkrumah, trình bày một bài diễn văn trước Liên Hiệp Quốc kêu gọi về các quyền cơ bản cho các quốc gia và dân tộc châu Phi, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố tự do và quyền tự quyết.
Đến tháng 12-1960, Liên Hiệp Quốc chính thức ra tuyên bố về Trao trả độc lập cho các nước và dân tộc thuộc địa, trong đó nhấn mạnh: "Tất cả mọi hoạt động vũ trang hoặc các biện pháp đàn áp dưới bất kỳ hình thức nào nhằm chống lại các dân tộc phụ thuộc phải bị chấm dứt để tạo khả năng cho các dân tộc đó thực hiện một cách hòa bình và tự do quyền độc lập hoàn toàn của họ, và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của họ phải được tôn trọng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận