Chú cá nhỏ bé này có tên là Hoàng đế, giá bán lẻ hiện tại hơn 1 triệu đồng/con - Ảnh: TR.MAI
Những con cá nhỏ bé, vô giá trị, bao đời nay người dân Lý Sơn có bắt được thì nấu cho heo ăn ấy, khi vào tay chàng kỹ sư điện vô tuyến Dương Trung Hậu (26 tuổi, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) đã trở thành bạc triệu với những cái tên thi vị như Hoàng đế, Bắp nẻ xanh, Nẻ điện, Thù lù, Ngòi bút, Chiêm dù, Bê vàng...
Quyết tâm khởi nghiệp
Ngôi nhà Hậu hướng mặt về phía biển, ngày nào cũng thấy những con tàu cá đạp sóng thẳng tiến ra Hoàng Sa.
Bữa cơm trưa năm 2017, cha mẹ Hậu phát hoảng khi Hậu bất ngờ trở về Lý Sơn tuyên bố lập nghiệp ở quê nhà.
Không lo lắng sao được khi con trai tốt nghiệp Học viện Bưu chính viễn thông TP.HCM, đang có công việc ổn định ở TP.HCM với mức lương 15 triệu đồng/tháng lại bỏ việc.
Khuyên giải đủ đường, chỉ còn thiếu nước từ mặt, cha mẹ vẫn không thuyết phục được Hậu rời đảo. Cũng bữa cơm trưa nhưng của hôm nay, bậc song thân lại cười vui với quyết định từng nghĩ là rồ dại của con hai năm về trước.
Nhìn cha mẹ, Hậu chia sẻ: "Năm đó tôi thấy phong trào chơi cá cảnh biển nở rộ. Những con cá đó ở đảo rất nhiều. Tôi nghĩ thay vì ở Sài Gòn bon chen, về quê vẫn phát triển được bản thân, cộng vào đó là giúp nhiều người có công ăn việc làm. Vậy là tôi về".
Về với suy nghĩ khởi nghiệp nhưng với tấm bằng kỹ sư vô tuyến điện, Hậu nhanh chóng được Đài truyền thanh huyện Lý Sơn "săn đón" mời phụ trách mảng tiếp sóng FM.
Số lương chừng 5 triệu đồng mỗi tháng không thuyết phục được Hậu nhưng chàng trai trẻ vẫn nhận lời vì nghĩ mình có cơ hội giúp sức cho quê hương. Và công việc đó gắn liền với Hậu cho đến giờ.
Song song với nghề kỹ sư, Hậu vẫn theo đuổi ý tưởng khởi nghiệp đưa mình về lại đảo. Có sức trẻ, có ý tưởng và có một số vốn kha khá, Hậu đặt hàng thợ lặn đem cá cảnh biển về nuôi và vấp phải thất bại đầu tiên.
Cá mua về rất khỏe, hồ có bình oxy đầy đủ nhưng cá cứ chết, mấy đợt liên tục thì ngốn hết cả trăm triệu đồng.
Đỉnh điểm là đợt cá chết trắng hồ lỗ 60 triệu đồng khiến Hậu xin nghỉ việc ở đài truyền thanh huyện rồi khăn gói rời đảo lên Đắk Lắk làm cho một ngân hàng. Làm việc đúng hai ngày, Hậu nhớ lại lý do bỏ làm thuê ở Sài Gòn về Lý Sơn.
"Tôi quyết định quay về, rồi đến các trại cá cảnh biển và vào các diễn đàn cá cảnh biển học hỏi kinh nghiệm. Cuối cùng tôi hiểu cá chết là do vi sinh vật tấn công" - Hậu tâm sự.
Chuyến quay lại đảo lần thứ hai ấy, Hậu thành công rực rỡ. Bây giờ Hậu không chỉ nuôi sống cá cảnh mà còn biết cách thuần phục cá cảnh trước khi bán cho khách. Nhờ vậy mà chàng trai trẻ trở thành địa chỉ tin cậy trong giới chơi cá.
Mỗi lần Hậu đăng tải video hay hình ảnh bể cá của mình, rất nhiều người hỏi mua lẻ nhưng Hậu không bán bởi tư duy chia sẻ lợi nhuận mới phát triển bền vững. Hậu chỉ bỏ sỉ cho những cơ sở kinh doanh cá cảnh biển lớn trên khắp cả nước.
Hậu cho biết: "Tôi không muốn bán lẻ vì giá của mình sẽ rẻ hơn rất nhiều so với người bán lẻ trong đất liền, ảnh hưởng đến họ. Vì vậy việc của tôi là cung cấp sỉ và như vậy mới tạo công ăn việc làm cho nhiều người được".
Hậu bơm oxy vào túi chứa cá trước khi vận chuyển đến khách hàng - Ảnh: TR.MAI
Giúp dân kiếm tiền
Biển khơi chứa đựng trong nó một tài nguyên phong phú nhưng với Hậu chưa bao giờ là vô tận. Hậu cho rằng phải bảo tồn.
Nguyên tắc của Hậu là tới mùa cá tôm sinh sản thì tạm dừng việc lặn bắt cá, những con cá trưởng thành có thể sinh sản được thợ lặn bắt về Hậu không thu mua mà đề nghị họ thả lại xuống biển. Hậu nói rằng do mình muốn làm ăn lâu dài với thiên nhiên.
Bỏ vào bịch nilông hai chú cá sặc sỡ có tên Bắp nẻ xanh và Hoàng đế, Hậu khiến chúng tôi choáng khi cho biết giá bán lẻ trên thị trường hiện tại, mỗi chú cá to bằng ngón tay cái ấy có giá hơn 1 triệu đồng.
Bịch nilông ấy sẽ được bơm oxy và các chú cá sẽ sống được 30 giờ, có thể đến tất cả mọi cửa hàng cá cảnh trên cả nước. Và hai thùng xốp chứa khoảng 50 chú cá nhỏ mà hôm nay Hậu chuyển cho khách có tổng giá trị hơn 15 triệu đồng.
Đó là con số khó tưởng tượng với người dân Lý Sơn vì trước khi Hậu về, chúng chẳng có giá trị gì.
"Đó là giá bán lẻ hiện tại, còn nguyên tắc của tôi là đảm bảo lợi nhuận 20% so với giá mua từ đội thợ lặn. Khi giá bán lẻ tăng thì tôi sẽ mua tăng giá cho thợ lặn đỡ cực" - Hậu chia sẻ.
Hiện tại, Hậu có đội thợ lặn với ba con tàu đi bắt cá cảnh biển. Con số này Hậu dự tính sẽ còn tăng lên bởi nhu cầu chơi cá cảnh ngày một nhiều và đơn hàng của anh cũng chưa khi nào dừng lại. Mỗi ngày, những thành viên trong đội thợ lặn có thể kiếm được bạc triệu.
Lão ngư Phạm Văn Đỉnh (55 tuổi) cho biết: "Việc bắt cá biển rất khỏe vì chúng tôi chỉ cần giăng lưới vây dưới đáy biển rồi xua cá ra là tóm được. Tuổi tôi mà mỗi ngày lặn chừng bốn tiếng kiếm được cả triệu bạc là rất lớn. Cảm ơn thằng Hậu không hết. Nhờ nó mà mấy lão già hết thời như bọn tôi có việc làm".
Một thợ lặn trẻ hơn thì bảo "làm việc với Hậu thích nhất một điều là cậu ấy rất có ý thức bảo vệ nguồn cá. Cậu ấy dứt khoát không chịu mua cá đánh bắt trong mùa sinh sản dù chúng có đẹp cỡ nào đi nữa".
Mỗi ngày Hậu dành phần lớn thời gian cho hồ cá cảnh của mình - Ảnh: TR.MAI
Không sợ cạnh tranh
Điều đặc biệt là Hậu không sợ cạnh tranh mà sẵn sàng chia sẻ kiến thức mình có được về cá cảnh cho bất kỳ ai cần.
Hậu tâm sự: "Nếu nhiều người làm thì càng tốt cho đảo. Khi nào anh em làm cá cảnh nhiều quá thì tôi sẽ tìm hướng khởi nghiệp mới, nhường thị trường lại cho họ".
Kỳ tới: Sống chết cùng đặc sản quê hương
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận