10/03/2017 15:11 GMT+7

​Những lãnh đạo thế giới từng bị phế truất 

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye là một trong số nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã phải trải qua quá trình bị luận tội hoặc buộc phải từ chức trước áp lực của công lý.

Hình ảnh đồ họa về các lãnh đạo thế giới bị truất quyền sau những bê bối chính trị - Ảnh: AFP
Hình ảnh đồ họa về các lãnh đạo thế giới bị truất quyền sau những bê bối chính trị. Vòng màu đỏ là bị Quốc hội bỏ phiếu phế truất; vòng màu xanh là bị buộc phải từ chức - Ảnh: AFP

Không phải mọi cuộc luận tội đều thành công. Trong số những nhà lãnh đạo "sống sót" qua các cuộc đối mặt với pháp lý, nổi tiếng nhất có lẽ là Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi ông đã vượt qua được cuộc luận tội liên quan tới bê bối tình ái năm 1999.

Bị Quốc hội buộc tội

Tháng 5-1993, Tổng thống Venezuela khi đó là Andres Perez bị buộc tội biển thủ công quỹ và làm giàu bất chính. Thoạt tiên ông bị đình chỉ chức vụ và sau đó chính thức bị Quốc hội phế truất ngày 31-8-1993.

Cũng tại Venezuela lúc này, đương kim Tổng thống Nicolas Maduro đang đối mặt với việc đảng đối lập yêu cầu tổ chức trưng cầu ý dân về việc ông có nên tiếp tục tại nhiệm nữa hay không.

Tại Ecuador, Tổng thống Abdala Bucaram bị buộc tội rút ruột ngân sách. Ngày 6-2-1997, sáu tháng sau khi lên nhậm chức, Tổng thống Bucaram bị phế truất với lý do "không đủ năng lực cả thể chất lẫn tinh thần" để đảm nhiệm cương vị.

Cũng tại Ecuador, tháng 4-2005, tổng thống Lucio Gutierrez bị tố cáo đã đưa một nhiều bạn bè vào Tòa án Tối cao trong lúc phong trào phản đối nhà lãnh đạo này nổi lên khắp nơi. Tổng thống Gutierrez sau đó cũng bị truất quyền.

Ngày 21-11-2000, Tổng thống Peru Alberto Fujimori gửi fax từ Tokyo xin từ chức. Tuy nhiên Quốc hội nước này không chấp nhận điều đó và đã bỏ phiếu để phế truất ông Fujimori, đồng thời cấm ông không được nắm giữ bất cứ chức vụ nào trong chính quyền trong 10 năm.

Sau đó ông Fujimori bị dẫn độ về nước và lãnh án tù 25 năm vì đã ra lệnh tàn sát dân thường và phạm tội tham nhũng.

Tại Indonesia, Tổng thống Abdurrahman Wahid bị buộc tội không đủ năng lực và tham nhũng cũng đã phải rời ghế vào ngày 23-6-2001.

Tại Lithuania ngày 6-4-2004, sau quá trình bị buộc tội, Tổng thống Rolandas Paksas đã "rơi đài" vì cấp quyền công dân Lithuania cho một doanh nhân Nga để nhận về một khoản tiền lớn.

Mặc dù bị cấm tham gia chính trường tại Lithuania, nhưng ông Rolandas Paksas sau đó lại được bầu vào Nghị viện châu Âu năm 2009.

Tại Paraguay, Tổng thống Fernando Lugo bị bãi nhiệm ngày 22-6-2012 vì không hoàn thành trách nhiệm trong việc giải quyết một vụ tranh chấp đất đai khiến 17 người thiệt mạng.

Gần đây nhất, Tổng thống Brazil, bà Dilma Rousseff đã bị truất quyền sau khi Thượng viện bỏ phiếu ngày 31-8-2016 buộc tội bà đã thao túng phi pháp ngân sách quốc gia.

Bị buộc phải từ chức

Tháng 8-1974, Tổng thống Mỹ Richard Nixon từ chức để né tránh một phiên buộc tội gần như không thể tránh khỏi liên quan tới bê bối nghe lén Watergate.

Ngày 29-12-1992, Tổng thống Brazil khi đó là ông Fernando Collor de Mello bị buộc tội tham nhũng đã từ chức vào thời điểm bắt đầu diễn ra phiên điều trần luận tội ông trước Thượng viện.

Sau một vụ bê bối liên quan những cáo buộc gian lận thuế và tham nhũng, Tổng thống Israel Ezer Weizman đã từ chức vào tháng 7-2000, thà chấp nhận thất bại hơn là phải đối mặt với những phiên buộc tội trước tòa.

Cũng tại Israel, tháng 6-2007, Tổng thống Moshe Katsav từ chức để xin được ân xá sau khi bị buộc tội cưỡng hiếp và những tội lỗi liên quan tới tình dục khác. Năm 2011 ông bị tuyên án 7 năm tù và tới tháng 12-2016 ông được trả tự do.

Tại Đức, tháng 2-2012, Tổng thống Christian Wulff từ chức sau khi bị tước quyền miễn trừ truy tố liên quan tới cáo buộc cho rằng ông đã lợi dụng vị thế để mua bán quyền lực. Sau đó ông đã được minh oan.

Tổng thống Otto Perez của Guatemala cũng từng bị buộc tội đã tham gia một đường dây các quan chức chuyên nhận hối lộ để cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa mà không phải đóng thuế nhập khẩu.

Ngày 1-9-2015, ông Otto Perez bị quốc hội tước bỏ quyền miễn trừ truy tố. Đối mặt với việc bị buộc tội, ông từ chức hai ngày sau đó, và rồi bị bắt tạm giam phục vụ điều tra.

"Sống sót" sau bê bối

Tất nhiên bên cạnh rất nhiều chính khách đã "rơi đài" khi vướng phải bê bối nghiêm trọng, cũng có những nhà lãnh đạo đã vượt qua thử thách pháp lý để tiếp tục tại nhiệm.

Trong đó có Tổng thống Boris Yeltsin của Nga năm 1999, Tổng thống Luis Gonzalez Macchi của Paraguay năm 2003, Tổng thống Roh Moo Hyun của Hàn Quốc năm 2004 và Tổng thống Hery Rajaonarimampianina của Madagascar năm 2015.

Có hai trường hợp ở Mỹ là Tổng thống Andrew Johnson năm 1868 và Bill Clinton năm 1999, đã bị Hạ viện triển khai các thủ tục buộc tội nhưng được Thượng viện hủy bỏ sau đó.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên