24/03/2008 08:00 GMT+7

Những hòn vọng phu

HÀ THANH PHÚC
HÀ THANH PHÚC

TTO - Dì là bạn thân của mẹ tôi. Đó là một người phụ nữ xinh đẹp ít khi phấn son loè loẹt, thường hay mặc những chiếc áo màu đen mang một vẻ huyền bí lạ kì.

EFvEP4UO.jpgPhóng to

Lần đầu đặt chân vào căn nhà rất to nằm trong một con hẻm nhỏ, tôi đã ồ lên trước những tấm hình chụp một người con gái trong những tư thế tuyệt vời. Mẹ bảo tôi: “Dì ấy là một diễn viên múa nổi tiếng đó con!”. Lúc ấy tôi đã hỏi lại: “Thế tại sao bây giờ dì ấy không múa nữa?”. Mẹ thở dài: “Khi lớn lên, mẹ sẽ kể con nghe”.

Đó là câu chuyện lúc tôi sáu tuổi. Cho đến bây giờ, tôi mới biết dì từng nghiện rượu nặng và bị suy sụp tinh thần. Một mớ dây nhợ rắc rối về đời sống tình cảm của dì với một người đàn ông nào đó. Sau đó dì bị bệnh loãng xương. Đối với nghệ sĩ múa, như thế là hết. Tôi nghe qua những lần mẹ và dì tâm sự cùng nhau. Và tôi tin điều đó vì chưa một lần tôi gặp chồng dì bao giờ. Mẹ tôi cũng rất ghét tôi hỏi đến chuyện ấy nên tôi cũng không thích làm trái ý mẹ bao giờ.

Đôi lúc nhìn dì mà tôi thấy tiếc. Dì đẹp thật. Khuôn mặt tròn, cái mũi bé xinh và làn da trắng. Nhưng ở dì, tôi luôn cảm giác một sự khó hiểu. Mỗi lần bước vào căn nhà của dì tôi lại cảm giác một nỗi sợ ngập tràn trong lòng, chỉ muốn chạy thoát nhanh khỏi nơi ấy.

Mẹ và dì thường nhắc đến người đàn ông của dì. Nhưng rồi cả hai cùng lảng nhanh sang chuyện khác. Có lẽ, đó là một quá khứ không hay ho. Nghĩ cũng hay, hai người đàn bà cô độc. Mẹ bị cha tôi ruồng bỏ và đến giờ tôi chưa một lần gặp mặt. Tôi đã từng nhiều lần tìm hiểu nhưng không biết được điều gì. Ở thành phố này, ngoài mẹ và tôi, không còn người thân nào. Gia đình ngoại đều ở quê, rất xa. Đã từ bỏ mẹ khi mẹ mang thai tôi và thi thoảng lên thăm và cũng cố hỏi về cha tôi. Cũng có nhiều người đến gặp mẹ tôi, và tôi nghĩ trong số những người ấy có một người là cha tôi.

Và dì, cũng là một người đàn bà đau khổ. Nhiều lần tôi hỏi mẹ: “Sao dì không lấy chồng khác? Dì đẹp đến thế!”. Mẹ trả lời: “Dì chờ con à! Đàn bà là vậy!”. “Thế còn mẹ?”. Mẹ lặng im, tôi cũng biết được câu trả lời.

Dì có một đứa con gái, lớn hơn tôi vài tuổi. Thuở nhỏ, mỗi lần đến nhà dì, mẹ hay dặn: “Con chơi với chị Quỳnh nhe! Phải ngoan đó”. Lúc ấy, tôi đã sợ sệt đứng trước chị, một người con gái có làn da xanh nhợt nhạt. Đôi mắt to đen và sâu khiến người đối diện phải chăm chú nhìn vào, và thoảng sợ hãi mơ hồ. Y như cảm giác nửa đêm thức giấc bắt gặp đôi mắt của con mèo mun.

Chị mặc cái áo váy màu trắng toát, mái tóc dài và đen. Tôi không có cảm giác như đang đứng trước một đứa con nít 9, 10 tuổi, mà là một-người-lớn-kì-lạ. Có lẽ, cái sự lạ kì đó ảnh hưởng từ mẹ của chị. Chị nhìn tôi một lúc rồi nói khẽ: “Đi thôi!”. Tôi cũng thì thào: “Đi đâu?”. Chị không đáp, đi thẳng một mạch lên lầu và tôi lẽo đẽo theo sau. Dù sợ cách mấy, tôi cũng không thể ngồi chơi một mình cùng với câu chuyện của hai bà mẹ. Tôi tin chắc đó là những câu chuyện dài dòng và không mấy gì vui vẻ.

Chị Quỳnh đi nhẹ như một bóng ma. Đến một cánh cửa, chị dừng lại và nói: “Đây là phòng chị”. Tôi đã tò mò háo hức bước vào phòng một đứa con gái lần đầu. Rồi tôi kinh hoàng khóc thét lên khi đó là một căn phòng u tối với hàng loạt mặt nạ đủ loại và những bức tranh kì quái treo đầy phòng. Chị cười, nắm lấy tay tôi dắt vào mặc tôi giật lại không đồng ý. Đến giờ tôi vẫn không hiểu sao một người yếu ớt như chị lại mạnh như vậy. Khi vào phòng, tôi thu mình ngồi ở giữa phòng, chị đến cửa sổ và mở một cánh. Tôi hỏi: “Sao không mở cả hai?” “Quen rồi!”.

Khi tôi bắt đầu quen dần với cái không khí khác thường của căn phòng, sự tò mò lại bắt đầu trỗi dậy. Tôi đảo mắt quanh một vòng rồi lại thì thào, tưởng chừng như to tiếng một chút sẽ phá vỡ đi sự thinh lặng của căn phòng:

- Chị tìm mấy thứ này ở đâu?

Chị mở to mắt, bắt đầu hào hứng kể:

- Thích không? Căn phòng này vốn là của bố.

- Bố à? Bố chị thế nào?

- Bố chị thường không có ở nhà, chị gặp bố cũng chỉ được ít lần, mờ nhạt!

Rồi chị lục lọi, lôi ra một tấm hình. Người đàn ông có khuôn mặt rất hiền, lãng tử. Chợt thấy ghen tị với chị quá.

- Bố chị đấy!

- Ông ấy làm nghề gì?

- Chị cũng không rõ...

- Còn em thì không biết mặt cả bố của mình.

Thế là hai đứa không nói thêm câu nào nữa cho đến khi tôi đột ngột hỏi:

- Bạn thân của chị có hay đến đây chơi không?

- Chị không có bạn!

Rồi mẹ gọi về, tôi rời khỏi căn phòng và thấy hơi tiếc nuối, cảm giác mình bắt đầu thích nghi dần với sự kì lạ của ngôi nhà.

Tôi và chị thường xuyên gặp nhau hơn. Có lần tôi hỏi mẹ: “Mẹ không làm gì, tiền đâu mà sống?”. Mẹ trả lời: “Con đừng bận tâm, số tiền trong ngân hàng mà bố để lại, đủ lo cho con mà!”. Lúc ấy tôi nghĩ, bố thật là giàu. Và cũng có lương tâm.

Nhiều năm tháng trôi qua, mẹ và dì vẫn thường gặp nhau vào những ngày cuối tuần như thế. Không hiểu họ có thể tìm ra nhiều chuyện để nói với nhau đến vậy. Lần nào cũng ít nhiều nói về câu chuyện của riêng họ, tưởng như đó là câu chuyện bất tận sẽ không bao giờ chấm dứt.

Tôi bây giờ đã là chàng trai 19 tuổi. Chị đã tốt nghiệp đại học, và thất nghiệp ở nhà. Thời gian học túi bụi làm tôi ít đi cùng với mẹ hơn đến nhà chị. Cho đến một hôm, khi đi ngang qua một cửa hiệu bán mặt nạ, tôi sực nhớ đến chị. Và tôi quyết định đến thăm chị, một mình.

Dừng xe trước căn nhà quen thuộc, tôi mở cổng dễ dàng vì không có khóa. Chị thò đầu ra từ cánh cửa sổ khép một bên, bảo tôi cứ lên đi, nhà cũng không khóa nốt. Vừa bước vào nhà, một cảm giác thân quen xâm chiếm, đồng thời một nỗi rùng rợn thuở bé chợt ùa về trong giây lát. Phòng ốc vẫn y vậy không gì thay đổi, chỉ có nước sơn và đồ vật đã cũ đi chút ít.

Tôi lên phòng chị, dạo gần đây đã có thêm thật nhiều mặt nạ mới và những bức tranh lạ lẫm. Tôi dừng trước một bức tranh có sắc màu độc đáo, vẽ những người có ba đầu và chi chít những con mắt, phong nền là sự hỗn loạn của đồ vật và màu sắc.

- Của họa sĩ nào thế?

- Của chị!

Tôi ngạc nhiên:

- Chị vẽ à? Tuyệt thật, y như hoạ sĩ! Từ bao giờ thế? Tên tranh là gì?

- Ừ! Chị biết vẽ từ còn bé nhưng thường giấu đi không cho ai xem. Cho đến dạo gần đây chị lại thích treo nó lên để ngắm nghía. Em quên chị là sinh viên Mỹ thuật à? Tên của nó là “Tâm tưởng”.

Tôi mới à, nhớ lại chị đúng là sinh viên Mỹ thuật. Thật đãng trí! Tôi định hỏi chị về ý nghĩa của bức tranh đó nhưng thôi, chắc chắn có giải thích lắm tôi cũng không hiểu được. Nhưng theo tôi, đó cũng là sự thể hiện phần nào của cái tâm tưởng đầy phức tạp của chị nói riêng và của con người nói chung.

Chị đang ngồi trên cái bệ cửa sổ, căn phòng vẫn không bật đèn, và cánh cửa sổ cũng được rèm che phân nửa. Chị vẫn không thay đồi.

- Dì đâu hả chị?

- Chị không rõ, không quan tâm!

Tôi thở dài, thấy nói chuyện với chị thật nhạt nhẽo. Tôi đành từ từ ngắm nghía những bức tranh và mấy cái mặt nạ. Chị đột ngột lên tiếng:

- Có bao giờ em muốn biết mặt bố không?

Tôi giật mình:

- Dạ có chứ! Nhưng mẹ không bao giờ muốn điều đó xảy ra!

Chị thở dài không nói gì. Có lẽ chị đồng cảm với tôi. Người lớn luôn có những lí lẽ của riêng họ. Còn chị thì luôn băn khoăn vì sao bố bỏ mẹ con chị mà đi biệt tăm.

Chị bảo tôi:

- Cố học và có nhiều bè bạn em nhé! Đừng hoài phí cuộc đời như chị, biết không? Không có bố chăm sóc, chị tự cho mình cũng sẽ không có những thứ khác... Đời người thật ngắn ngủi! Chị vẫn đợi, có vẻ như đang đợi một cái gì không thật, một người đàn ông yêu chị trọn vẹn, không như bố em, bố chị... Viển vông không?

- Sao lại phải chờ, cái gì đến sẽ đến?

Chị thở dài, thấy chị giống như chiếc bóng cô liêu. Chị chợt hỏi tôi:

- Em có thấy vì sao ở đây có cái gì rợn ngợp, lạ kì?

Tôi im lặng chờ chị nói tiếp.

- Nó nhuốm cái không khí của đợi chờ đó em, biết không?

Rồi chị cười. Tất cả tiếp tục chìm vào im lặng.

Lát sau, tôi chào chị về. Không khí nặng trĩu làm tôi khó chịu. Chị bước xuống tiễn tôi ra tận cổng, miệng vẫn nở nụ cười mà sao tôi thấy buồn quá đỗi.

Hôm sáng chủ nhật, dì và chị ghé qua nhà tôi. Chị trông vẫn hiền lành và đầy bí ẩn. Cả hai đến để nói lời từ biệt và giao cho mẹ chìa khóa nhà. Dì sắp đi Mĩ. Chồng dì đón dì qua. Mẹ không lấy làm ngạc nhiên gì lắm, có lẽ bà đã biết trước.

- Khi nào thì đi?

- Hai ngày nữa!

- Thế à?

Tôi quá bất ngờ trước cái tin ấy. Chỉ mỉm cười nói với tôi:

- Ở lại mạnh giỏi nhé em!

Chị nắm lấy tay tôi, bàn tay chị lạnh toát, nhưng dù vậy, tôi cảm nhận được một cái gì thật gần gũi thân thương.”Ngôi nhà đó em rảnh hãy đến thăm, chị để lại tất cả ở đấy, em nhé!”. Tôi không khóc, chỉ thấy trong lòng như bị rớt ra cái gì, hụt hẫng.

Dì nhanh chóng rời nhà tôi vì còn nhiều việc cần sắp xếp. Khi dì đi rồi, mẹ thở dài. Tôi hỏi: “Mẹ buồn sao?”. Mẹ không nói gì, lặng lẽ đi vào phòng lấy một cái gì đó cầm chắc trong tay rồi đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Trời đã về chiều, mấy cụm mây tụ ở phía chân trời. Tôi nhận ra mẹ đang khóc, bờ vai mẹ run lên khe khẽ. Có lẽ mẹ đau buồn vì sắp xa một người bạn thân và tủi phận cho mình. Mẹ thì thào: “Dì đã đợi được rồi đó con... Mẹ vẫn đang chờ, con à, một cái gì thật xa xôi, nằm ngoài tầm tay với...”.

Tôi nắm lấy tay mẹ, bàn tay mẹ lơi ra,tôi thấy rõ, trên tay mẹ là tấm hình mẹ chụp cùng một người đàn ông thật quen, có khuôn mặt rất hiền, lãng tử...

Tôi lặng đi, phút chốc hiểu ra tất cả. Mẹ vẫn không nói gì. Tôi miên man nghĩ về những cái mặt nạ, nghĩ về mẹ, nghĩ về dì, đặc biệt là chị, một người con gái còn quá trẻ để tự phải gán cho mình một sự đợi chờ.

Hoàng hôn hắt bóng vào căn nhà làm dáng mẹ tôi như một hòn vọng phu đang đẫm lệ buồn...

HÀ THANH PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên