23/04/2015 06:20 GMT+7

Những bài ca không quên trọn vẹn ân tình

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TTO – Chương trình Những bài ca không quên, diễn ra tối 22-4 tại Nhà hát Hòa Bình, là một trong những chương trình ca nhạc cách mạng hoành tráng đầu tiên được dàn dựng tại sân khấu lớn vào dịp 30-4 này.

Ca sĩ Đức Tuấn trình diễn ca khúc Lá đỏ - Ảnh: Quang Định
Ca sĩ Đức Tuấn trình diễn ca khúc Lá đỏ - Ảnh: Quang Định

Đó vừa là chương trình kỷ niệm 30 năm thành lập Nhà hát Hòa Bình, vừa là liveshow nhạc truyền thống cách mạng của riêng ca sĩ Đức Tuấn.

Trong suốt 15 năm ca hát chuyên nghiệp (tính từ khi Đức Tuấn đoạt giải nhất cuộc thi Tiếng hát truyền hình 2000), Đức Tuấn nói mình luôn muốn có một đêm nhạc truyền thống, trữ tình cách mạng thật hay, hoành tráng.

Và không chỉ Đức Tuấn mong mà nhiều khán giả đã theo dõi anh từ thời kỳ đầu, yêu quý giọng hát sáng đẹp của Tuấn, biết rõ năng lực của anh cũng rất mong. Những bài ca không quên, vì vậy, được chờ đợi không ít.

Tuy nhiên, với đêm nhạc vừa diễn ra, mong muốn của Đức Tuấn chỉ đạt ở mức thể hiện tình yêu của mình với dòng nhạc cách mạng không dễ thể hiện này.

Với sự giúp sức hết sức nhiệt tình từ đội ngũ có nghề của Nhà hát Hòa Bình, chương trình vô cùng chỉn chu. Đạo diễn Tất My Loan, như thường lệ, luôn có những ý tưởng, câu chuyện đắt giá để đưa vào chương trình.

Một chương trình hoàn toàn không có màu sắc hiện đại nào trên sân khấu: không màn hình LED, không đèn laser, không kỹ xảo, khói lửa hay múa may quay cuồng… Nó bắt đầu bằng giọng hát thu sẵn của Đức Tuấn cho ca khúc Bài ca không quên cùng phần chạy chữ giới thiệu ekip thực hiện trên màn hình phông vải bình thường.

Ngay lập tức, những gì thân thuộc của một thời “dội” về qua những dòng chữ cố tình được chọn theo đúng phông của máy đánh chữ ngày xưa.

Rồi hình ảnh đen trắng của ngày tháng cũ, cũng qua màn hình vải, lần lượt xuất hiện cùng ca khúc Sài Gòn quật khởi.

Ở những ca khúc sau: Câu hò bên cầu Hiền Lương, Vàm cỏ đông, Miền Nam ơi, chúng tôi sẵn sàng, Cô gái mở đường…, đạo diễn vẫn giữ đúng phong cách xưa khi chỉ dùng những thủ thuật dàn dựng sân khấu cho các tiết mục chứ không dùng các kỹ thuật hiện đại nhằm khơi gợi nhiều ký ức, kỷ niệm cũ nơi người xem.

Tuy vậy, “mảng miếng” khiến khán giả hồi tưởng nhiều nhất lại chính là phần dẫn chuyện của NSND Thế Anh cùng bài thơ Tiếng tắc kè kêu trong thành phố (Nguyễn Duy), của giọng oanh vàng của NSƯT Phi Điểu với “đây là Đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…”, của nhà thơ Nguyễn Duy qua phần đọc bài thơ Đánh thức tiềm lực do chính ông sáng tác.

Chính những khách mời “nặng ký” này đã rất duyên, tạo nên nét riêng của chương trình hơn là những giọng ca trẻ góp mặt trong chương trình.

Hơi tiếc cho phần biên tập còn chút gượng ép. Ở một số ca khúc, ca sĩ thể hiện chưa tới vì có thể ca khúc được chọn chưa hoàn toàn thích hợp với chất giọng, tâm tư, trải nghiệm của người hát. Hay như đoạn giao lưu cùng NSƯT Phi Điểu, nếu sau đó là một ca khúc với bản phối được dẫn dắt bằng giọng đọc của cô thì sẽ mang đến một cảm xúc mạnh mẽ hơn cho khán giả.

Hẳn nhiên, nếu xem đây là một chương trình “riêng tư” nhân kỷ niệm 30 năm thành lập nhà hát Hòa Bình, 40 năm thống nhất đất nước thì Những bài ca không quên đã trọn vẹn ân tình.

Nhưng để xem đây là một liveshow nhạc truyền thống cách mạng của ca sĩ Đức Tuấn thì có lẽ cón phải đợi ở chương trình sau…

Toàn cảnh sân khấu chương trình Bài ca không quên - Ảnh: T.T.D
Toàn cảnh sân khấu chương trình Bài ca không quên - Ảnh: T.T.D

   

Giao lưu với nghệ sĩ Phi Điểu trong chương trình - Ảnh: Quang Định
Giao lưu với nghệ sĩ Phi Điểu trong chương trình - Ảnh: Quang Định
Ca sĩ Đức Tuấn trình diễn ca khúc Sài Gòn quật khởi - Ảnh: Quang Định
Ca sĩ Đức Tuấn trình diễn ca khúc Sài Gòn quật khởi - Ảnh: Quang Định
QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên