11/02/2014 10:13 GMT+7

Nhóm ngành giao thông vận tải gồm những ngành nào?

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - Ngành giao thông vận tải gồm những lĩnh vực nào? Những nơi nào đào tạo ngành này? (tranquocquang@...)

PGS-TS Nguyễn Văn Thư – Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: Giao thông vận tải là một ngành đặc thù, vừa trực tiếp tham gia quá trình sản xuất của cải vật chất cho xã hội, vừa thực hiện chức năng chủ đạo của mình là giữ cho huyết mạch giao thông của cả nước luôn được thông suốt.

Ngành giao thông vận tải đào tạo 5 lĩnh vực cơ bản là: Vận tải đường sắt, Vận tải đường bộ, Vận tải đường thuỷ, Vận tải hàng không, Vận tải bằng đường ống (đường ống vận chuyển nhiên liệu, nguyên liệu rời).

Hiện nay, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn nhằm phát triển một cách toàn diện lĩnh vực giao thông vận tải, các trường đào tạo đã phối kết hợp để tổ chức đào tạo các ngành nghề thuộc các lĩnh vực khác như điện tử, công nghệ thông tin, kinh tế… thành những chuyên ngành đặc thù của lĩnh vực giao thông, đáp ứng nhu cầu và tránh sự lệ thuộc vào trương trình và chỉ tiêu đào tạo của các đơn vị khác.

Trong ngành Giao thông vận tải có nhiều vị trí làm việc với nghiệp vụ khác nhau và điều kiện làm việc cũng rất đa dạng. Tuy nhiên, kỹ sư làm việc trong ngành này có đôi nét giống như ngành xây dựng, thường phải đi theo các công trình. Bởi vậy, điều kiện làm việc của họ khá linh hoạt, yêu cầu cao về sức khoẻ.

Ngành Giao thông vận tải luôn được nhà nước chú trọng đầu tư phát triển bởi đây vừa là điều kiện, vừa là nội dung cơ bản trong sự nghiệp phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Ngành đang rất cần những kỹ sư, nhà quản trị, chuyên gia giỏi để đảm bảo hoạch định chiến lược, xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật trong ngành, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội.

Hiện ở khu vực TP.HCM có một số đào tạo nhóm ngành này như Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Trường ĐH Giao thông vận tải – Cơ sở 2, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), Học viện Hàng không VN, Trường CĐ Giao thông vận tải TP.HCM, Trường CĐ Giao thông vận tải 3…

* Việt Nam là một quốc gia biển. Nhiều cơ quan truyền thông và chuyên gia kinh tế từng nhận định "Đến 2050, phân nửa GDP của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào biển". Vì thế, em dự định sẽ đăng kí vào ngành kinh tế vận tải biển. Thầy tư vấn cho em với. Cho em hỏi ngành này là ngành kỹ thuật, kinh tế hay thuộc nhóm ngành nào khác? (ngominhchien…@gmail.com)

PGS-TS Nguyễn Văn Thư: Việt Nam đã có Chiến lược phát triển kinh tế biển từ năm 2008. Chuyên ngành kinh tế vận tải biển nằm trong số những chuyên ngành chính phục vụ cho Kinh tế biển và chỉ được đào tạo tại hai trường trong cả nước nên em chọn học ngành này sẽ có cơ hội tim việc tốt trong bối cảnh nền kinh tế biển của thế giới và VN đang phục hồi.

Kinh tế vận tải biển là chuyên ngành kinh tế-kỹ thuật, tức là có những môn học về kỹ thuật công trình cảng biển, đóng tàu và địa lý hàng hải cộng với những mô về quả trị kinh doanh trong vận tải biển như quản lý đội tàu biển, tàu sông, quản lý cảng biển, dịch vụ giao nhận và kho vận v.v. Hiên nay trường cấp bằng cho sinh viên hệ này là Kỹ sư kinh tế.

Thân ái.

* Em đang học cao đẳng ngành xây dựng dân dụng và năm nay em định thi liên thông, nhưng em không biết năm 2013 Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM lấy điểm chuẩn là bao nhiêu. Em xin chân thành cảm ơn. (pcttrung…@gmail.com.vn)

PGS-TS Nguyễn Văn Thư: Nếu em đang học cao đẳng mà muốn thi liên thông thì phải thi cùng với đợt thi đại học khối A hoặc A1. Năm 2013 điểm trúng tuyển hệ liên thông tại trường chỉ bằng điểm sàn. Trân trọng.

* Em chào thầy, thầy có thể cho em biết rõ hơn về việc làm sau khi ra trường của ngành cơ khí chế tạo máy và tương lai của ngành. Và Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM có chuyên ngành gì của ngành cơ khí và việc làm sau khi ra trường? (quoclinhnql@...)

PGS-TS Nguyễn Văn Thư: Cơ khí chế tạo máy là ngành công nghiệp chủ chốt mà Việt Nam đang ra sức phát triển để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa của đất nước. Một số công việc có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí chế tạo máy gồm:

-Làm trợ giảng, nhân viên nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng và các viện liên quan;

- Làm nhân viên kỹ thuật (kỹ sư), quản lý, điều hành sản xuất tại các cơ quan, tổ chức, nhà máy, công ty liên quan đến ngành cơ khí nói chung và công nghệ chế tạo mày nói riêng.

- Tư vấn, thiết kế, vận hành, điều khiển hệ thống sản xuất chế tạo máy, kiểm tra bảo dưỡng thiết bị, quản lý, tổ chức sản xuất tại các đơn vị có trang bị dây chuyền và thiết bị tự động hóa phục vụ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy.

- Làm kỹ sư bán hàng cho các công ty chế tạo các sản phẩm cơ khí.

Tham gia các nhóm nghiên cứu và phát triển sản phẩm, đổi mới công nghệ tại các cơ quan, công ty, nhà máy, xí nghiệp có liên quan đến chuyên ngành Cơ khí chế tạo máy.

Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM có nhiều chuyên ngành của ngành cơ khí như: vận hành và khai thác máy tàu thủy; Đóng tàu thủy; Cơ khí ô tô; Cơ giới hóa xếp dỡ cảng biển; Máy xây dựng. Các ngành này đều có cơ hội việc làm khá tốt sau khi ra trường.

Thân ái.

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên