16/11/2018 06:51 GMT+7

Nhớ cô, người cõng em về trong mưa...

NGUYỄN VĂN CÔNG (Hà Nội)
NGUYỄN VĂN CÔNG (Hà Nội)

TTO - Ngoài giờ dạy, cô làm thêm nghề mổ lợn. Mỗi ngày cô lại mang cho nhà tôi bát tóp mỡ, ít bì lợn hay xương... Với gia đình tôi, đó là cả một ân tình.

Nhớ cô, người cõng em về trong mưa... - Ảnh 1.

Tôi còn nhớ mãi cuốn Tiếng Việt 1 hồi đó cô mua tặng tôi có dòng chữ mà mãi học hết lớp 2 tôi mới đọc hết được: "Cô rất yêu mến và có cảm tình với em, cô nhìn thấy được khát vọng học tập trong ánh mắt ngây thơ của em mỗi hôm đi ngang qua nhà em, một mái tranh hạnh phúc. Trong chặng đường học tập vinh quang sau này cô mong em luốn phấn đấu và nhớ rằng: Học tập là hạnh phúc và phải hi sinh, hãy cố gắng nhé, cậu bé của cô".

Nguyễn Văn Công

Năm ấy tôi mới được 5 tuổi, anh trai tôi 7 tuổi và đi học lớp hai. Bố mẹ thường để tôi tự chơi một mình ở nhà và khóa cổng lại.

Trước sân nhà là cái mương khá rộng và sâu, đây cũng là nguyên nhân bố mẹ tôi phải khóa cửa không cho tôi ra ngoài chơi. Hằng ngày, tôi nhìn sang bờ mương đối diện, có một phụ nữ mỗi sáng đều dắt trẻ đến trường, rồi đến trưa tay cô ôm cặp sách, tay dắt về trong tấm áo trắng đục đục.

Cô tóc xoăn, trạc hơn tuổi mẹ tôi. Lúc đó tôi ao ước được cô bế, được thơm lên má cô và được vào lớp cô học chữ thay vì ngồi nhà buồn bã.

Mỗi lần đi qua, cô nhìn tôi - một cậu bé với ánh mắt long lanh mà cô đơn, đang thèm khát được vượt ra khỏi song sắt để vui chơi cùng bạn bè. Những ngày mưa hay nắng, tôi ngồi thụt vào trong hiên nhà, từ xa, cô giơ tay lên vẫy chào tôi làm tôi phấn khởi vô cùng.

Nhìn nụ cười hiền hòa của cô, trong đầu tôi lóe lên ý nghĩ: hôm nào mẹ nghỉ làm, tôi sẽ xin mẹ lên trường chơi và xem cô giáo dạy.

Và ngày đó đã đến. Tôi lên Trường tiểu học Văn Phú, Hà Nội đứng nép bên cửa sổ lớp nghe cô dạy chữ. Trong lớp các bạn đọc theo cô "ô" "a", tôi cũng bắt chước hô lớn như vậy trong sự ngỡ ngàng của các bạn và chính cô.

Trong khi tôi vẫn còn mải miết nhìn lên bảng thì cô đã đi đến chỗ tôi lúc nào không hay, cô xoa đầu tôi và bế tôi lên, hỏi tôi:

- Con có muốn đi học không?

- Con có cô ạ!

Cô dắt tôi vào lớp và chỉ lên bảng một loạt chữ cái, chỉ đến chữ nào tôi cũng phát âm được do tôi thường học "lén" cùng anh trai ở nhà.

Cô nở nụ cười hiền và sắp xếp cho tôi ngồi tạm vào một ghế trong lớp rồi tiếp tục bài giảng. Tan học, cô bế tôi về nhà và gặp mẹ và mong muốn cho tôi đi học sớm 1 tuổi.

Bố mẹ tôi vốn là những người nông dân chân lấm tay bùn, đi làm quanh năm suốt tháng, nghe cô giáo nói vậy liền đồng ý luôn, vì nếu không tôi cũng chỉ ở nhà sau cánh cửa cổng hết một năm nữa mới đi học không có ai trông tôi.

Thế là tôi vào lớp 1 khi 5 tuổi. Sáng sáng cô đi qua nhà và dắt tôi đi, đây là một sự ưu ái đặc biệt vì tôi là học sinh bé bỏng nhất của cô. Trên lớp, cô luôn ân cần dạy dỗ và để ý đến tôi.

Hôm nào trời mưa dầm, cô bế tôi về trên vai, tôi ngụp trong chiếc ô nhỏ của cô còn cô ướt hết. Với cô lúc đó chỉ có hai thứ quan trọng đó là cặp sách và cậu học trò bé bỏng.

Cô vốn là người ở nơi khác chuyển đến làng dạy học và sinh sống. Cô ở trọ trong một gia đình làm nghề mổ lợn, mỗi sáng cô đều phụ gia chủ mổ lợn và mang ra chợ bán.

Biết nhà tôi nghèo, mỗi ngày đi dạy cô lại ghé sang cho bát tóp mỡ, ít bì lợn, mỡ bèo nhèo hay xương mà người ta đã lọc gần như hết thịt. Không phải thức ăn gì cao sang nhưng đó là cả tấm lòng của cô, và đối với nhà tôi đó là cả một ân tình, một tình cảm đặc biệt dành cho một gia đình nghèo thuộc hạng nghèo nhất xã.

Nhờ cô, nhà tôi có bữa ăn ngon hơn trong những ngày mưa gió bố mẹ không thể đi làm thuê, dù đó chỉ là tóp mỡ nấu dưa, bì lợn luộc chấm muối hay cháo ninh xương mà không hề có thịt…

Có một lần cô hỏi tôi sau này thích làm nghề gì, tôi đã trả lời ngay là thích làm thầy giáo. Cô xoa đầu tôi: "Cô tin sau này em sẽ là một thầy giáo giỏi’.

Rồi tôi học hết lớp 1 và nhận được danh hiệu học sinh tiên tiến. Đó có thể gọi là thành tích tốt khi tôi kém các bạn 1 tuổi. Đặc biệt danh hiệu đó làm cho quãng thời gian nhàm chán sau song cửa của tôi ngắn lại, tôi được đến trường học con chữ, được nhìn thấy ánh mắt ân cần của cô hằng ngày.

Năm tháng qua đi, tôi vào đại học rồi ra trường. Hiện giờ tôi công tác tại Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội. Tuy chưa phải là giảng viên nhưng tôi vẫn nuôi ước mơ từ lúc còn học lớp 1 của mình, vẫn ghi nhớ lời cô dạy.

Giờ cô không còn ở làng nữa và đã chuyển công tác từ rất lâu. Chỉ mong nếu sau này có cơ hội gặp lại cô, được ôm cô vào lòng, được nức nở với những gì cô dặn, tôi sẽ cảm ơn cô đã cho tôi đi học lớp 1, người đã tạo động lực và cố gắng cho tô, người cô như mẹ hiền thức đêm thức hôm làm thêm để mang cho nhà tôi từng bữa ăn những ngày đói khổ...

Bạn còn nhớ người thầy, người cô từng dắt dìu mình trên con đường tri thức? Bạn học được gì từ người thầy, người cô ấy? Bạn muốn nhắn gửi lòng tri ân, niềm thương nhớ đến thầy cô? Mời bạn gửi bài viết đến Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn.
Cảm ơn thầy và trận đòn 50 năm vẫn nhớ Cảm ơn thầy và trận đòn 50 năm vẫn nhớ

TTO - Tôi đã thấy thầy đánh đòn nhiều đứa nhưng chưa bao giờ thầy giận như lúc đánh tôi hôm đó. Trận đòn tôi nhớ đến tận bây giờ, với lòng biết ơn thầy vô hạn...

NGUYỄN VĂN CÔNG (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên