25/11/2012 21:01 GMT+7

Những sản phẩm từ nghiên cứu khoa học sinh viên

TRUNG UYÊN
TRUNG UYÊN

TTO - Đĩa CD hỗ trợ giáo dục giới tính dành cho học sinh mù, CD trắc nghiệm "Vui học sử 12", hệ thống giữ xe bằng thẻ sinh viên... là những sản phẩm từ nghiên cứu khoa học của sinh viên TP.HCM tham dự giải thưởng Euréka 2012.

Không ít đề tài xuất phát từ mối quan tâm của người trẻ đến những vấn đề trong đời sống, sinh hoạt của chính mình và của cộng đồng.

Tiếp lửa cho đam mê khoa họcEuréka 2012 vào vòng chung kếtAudio Nhịp sống trẻ: Sinh viên và nghiên cứu khoa học

YNsVMmxG.jpgPhóng to

Các sinh viên ĐH Sư phạm TP.HCM - thuộc nhóm tác giả đề tài "Xây dựng đĩa CD hỗ trợ giáo dục giới tính dành cho học sinh mù hoàn toàn từ 12-18 tuổi tại Trường THPT đặc biệt Nguyễn Đình Chiều, TP.HCM" - thu âm cho đĩa CD - Ảnh: nhân vật cung cấp

Câu chuyện của những chiếc CD

Khi câu chuyện giáo dục giới tính cho người trẻ vẫn đang "nóng" thì nhóm 5 sinh viên ĐH Sư phạm TP.HCM: Đặng Mạnh Cường, Quang Thục Hảo, Trương Thị Hằng, Trần Thái Hòa, Nguyễn Thị Trúc Linh quan tâm "chi tiết" hơn: giáo dục giới tính cho học sinh mù hoàn toàn từ 12-18 tuổi - những đối tượng dễ bị xâm hại tình dục.

Đề tài "Xây dựng đĩa CD hỗ trợ giáo dục giới tính dành cho học sinh mù hoàn toàn từ 12-18 tuổi tại Trường THPT đặc biệt Nguyễn Đình Chiều, TP.HCM" được "khởi động" từ mối quan tâm ấy. Đĩa CD được thu âm bởi chính nhóm tác giả, với các nội dung giới tính và sự khác biệt nam nữ, những biến đổi cơ thể tuổi dậy thì, lệch lạc tâm lý, tình yêu, tình dục...

60fZ6xI3.jpgPhóng to
Bìa đĩa CD Hỗ trợ giáo dục giới tính dành cho học sinh mù hoàn toàn từ 12-18 tuổi - Ảnh: nhân vật cung cấp
mnEhMXGx.jpgPhóng to

Sinh viên ĐH Sư phạm TP.HCM (áo thun xanh) khảo sát học sinh mù bằng phiếu hỏi để thực hiện đề tài xây dựng CD hỗ trợ giáo dục giới tính - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sinh viên Quang Thục Hảo cho biết: "Nhóm hi vọng sẽ có điều kiện để tiếp tục hoàn thiện CD này trong thời gian tới . Một trong những mục tiêu quan trọng khác là phổ biến rộng rãi CD tại các trường học, các cơ sở nuôi dạy trẻ khiếm thị".

Cũng có sản phẩm là đĩa CD, song, "nguồn cơn" để Nguyễn Hồ Phương Trâm - sinh viên ĐH Mở TP.HCM - thực hiện CD phần mềm trắc nghiệm "Vui học sử 12" là thực tế điểm thi tuyển sinh đại học môn sử năm 2011 thấp đến mức lo ngại và thực tế dạy - học sử ở bậc THPT.

Với mong muốn giúp học trò bớt "ngán" sử, từ đó thích học sử và học hiệu quả hơn, Phương Trâm thiết kế CD bằng phần mềm Violet. CD gồm 120 câu hỏi liên quan đến chương trình sử lớp 12, với các dạng bài tập trắc nghiệm với nhiều đáp án, trắc nghiệm đúng - sai, điền vào chỗ trống...

Mang tặng 30 CD cho 30 học sinh lớp 12 tại TP.HCM, Phương Trâm nhận được phản hồi: 90% học sinh cho biết yêu thích hoặc rất yêu thích CD và đánh giá đây là tài liệu bổ ích.

Và những mô hình, hệ thống "made by sinh viên"

Tại sao không dùng thẻ sinh viên làm thẻ giữ xe máy, vừa tiết kiệm thời gian - chi phí, vừa an toàn? Xuất phát từ suy nghĩ ấy, nhóm sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng, gồm Bùi Phú Tân, Nguyễn Minh Hùng, Trần Đạt Ước Nguyện - thực hiện đề tài "Thiết kế hệ thống bãi giữ xe bằng thẻ sinh viên".

WhJe0zAU.jpgPhóng to

Nhóm sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng thực hiện đề tài "Thiết kế hệ thống bãi giữ xe bằng thẻ sinh viên". Từ trái sang, Nguyễn Minh Hùng, Trần Đạt Ước Nguyện, Bùi Phú Tân - Ảnh: nhân vật cung cấp

Các bạn trẻ xác định rõ: kết quả quan trọng nhất mà hệ thống nghiên cứu mong đạt được là cho thấy ứng dụng cụ thể từ thẻ sinh viên.

Hệ thống được phát triển trên ngôn ngữ C Sharp, từ công cụ lập trình Visual Studio 2010 và công cụ quản trị cơ sở dữ liệu SQL Server 2008, kết hợp cùng thư viện xử lý ảnh SimpleLPR 2.2

Clip về hệ thống giữ xe bằng thẻ sinh viên - Nguồn: nhân vật cung cấp

Bùi Phú Tân cho biết: "Chúng tôi đã mời một số sinh viên tham gia kiểm tra hoạt động của hệ thống trong điều kiện thực tế. Kết quả cho thấy hệ thống vận hành ổn định. Cụ thể là việc nhận dạng bảng số xe có độ chính xác cao. Chúng tôi tin tưởng vào khả năng ứng dụng hệ thống này trong thực tế các trường".

Một sản phẩm khác từ đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên thu hút ban giám khảo giải thưởng là "Nghiên cứu xây dựng mô hình xử lý nước đơn giản cho các hộ gia đình nghèo sống ven sông Sài Gòn", của nhóm sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng gồm Nguyễn Quốc Nghị, Nguyễn Thị Yến Trinh, Lê Hoàng Nghiêm.

Các vật liệu cần để thực hiện mô hình khá dễ tìm như thùng nhựa, ống nước, van khóa, tấm laphông... Quy trình xử lý nước khá đơn giản: nước lấy lên từ sông được cho lắng phèn trước khi đổ vào bể lắng, sau đó nước vào bể lắng ngang rồi sang bể lọc (với lớp cát và lớp đá).

RHV14yBT.jpgPhóng to
Bản vẽ mô hình xử lý nước đơn giản cho các hộ gia đình nghèo sống ven sông Sài Gòn - Nguồn: Nhân vật cung cấp
VFXEIFBR.jpgPhóng to
bghh0U2G.jpg
cfmz1JFN.jpg
Một số hình ảnh của mô hình xử lý nước - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bên cạnh những ưu điểm (thiết kế đơn giản, vật liệu thiết kế phổ biến, dễ vận hành, chi phí thấp), mô hình tồn tại hai nhược điểm: đòi hỏi thời gian lưu nước tại bể lắng và có thể phát sinh mùi trong quá trình lọc nước.

15 triệu đồng cho giải đặc biệt

Vòng chung kết “Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần 14-2012” với 94 đề tài (gồm 73 đề tài nghiên cứu khoa học và 21 khóa luận tốt nghiệp được chọn từ 507 đề tài và khóa luận dự thi) diễn ra ngày 25-11 tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Tiêu chí chấm đề tài gồm tính mới, tính sáng tạo, phương pháp nghiên cứu khoa học, có khả năng ứng dụng cao.

Lễ trao giải dự kiến vào cuối tháng 12-2012. Về đề tài nghiên cứu khoa học, giải nhất ở mỗi lĩnh vực dự thi trị giá 10 triệu đồng và bằng khen của UBND TP.HCM. Từ các đề tài đạt giải nhất ở mỗi lĩnh vực, ban tổ chức sẽ chọn một đề tài đoạt giải đặc biệt (15 triệu đồng và bằng khen của UBND TP.HCM).

Về khóa luận tốt nghiệp, mỗi lĩnh vực dự thi sẽ có hai khóa luận được trao giải (2 triệu đồng và giấy khen của Thành đoàn TP.HCM)

Giải thưởng do Thành đoàn TP.HCM và ĐHQG TP.HCM phát động.

TRUNG UYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên