26/08/2012 17:47 GMT+7

Học bổng của sự tri ân, đồng cảm

TRUNG UYÊN
TRUNG UYÊN

TTO - Lễ trao học bổng "Đồng hành cùng người bán báo" cho 114 HS vượt khó, học giỏi là con những người bán báo dạo tại TP.HCM ở báo Tuổi Trẻ chiều 26-8 là sự kết hợp của ý tưởng lạ, sự đồng cảm và lòng tri ân.

2aQk0Ci0.jpgPhóng to

Ông Phạm Công Thanh - ủy viên ban biên tập báo Tuổi Trẻ - trao học bổng cho các học sinh tiểu học là con các anh chị bán báo dạo - Ảnh: Thuận Thắng

Video "Nâng bước cho con vào đời" do Phòng Truyền hình báo Tuổi Trẻ thực hiện

Báo là trên hết

Lạ vì đây là lần đầu tiên báo Tuổi Trẻ trao tặng học bổng dành riêng cho con em những người bán báo dạo. Sự lạ này trong suy nghĩ của ca sĩ Thủy Tiên - người tham gia biểu diễn trong lễ trao học bổng, người bạn đồng hành cùng nhiều chương trình công tác xã hội của báo Tuổi Trẻ - còn được đẩy lên đến mức "quá hay, quá độc đáo" như lời cô nói.

"Có những hôm trời mưa, gió lạnh, chú chở em đi học, em thấy ba mang áo mưa và ôm chồng báo đi lang thang trên hè phố, em không cầm nổi những giọt nước mắt. Em thấy mọi người xung quanh ngồi uống cà phê còn ba em lặn lội mưa gió trên nẻo đường để mời từng người mua giùm tờ báo... Em mong sao trời đừng mưa nữa để ba em khỏi bị ướt đầm đìa" - trích thư em Nguyễn Thị Thuận Ninh, học sinh lớp 4/2 Trường tiểu học Nguyễn Việt Hồng, Q.3, TP.HCM, một trong những học sinh nhận học bổng, gửi đến Tuổi Trẻ

Đồng cảm bởi có lẽ hơn ai hết, những người làm báo Tuổi Trẻ thấu hiểu nỗi vất vả của những người bán báo dạo - chiếc cầu nối chăm chỉ đưa những tờ Tuổi Trẻ còn đượm mùi mực từ nhà in đến bạn đọc ở khắp hang cùng ngõ hẻm của Sài Gòn. Mỗi tờ báo được bán còn gửi gắm giấc mơ cho con thơ có bữa ăn đàng hoàng, được đi tiếp con đường học hành.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà tại lễ trao học bổng, tinh thần "khi trời mưa, thà người ướt chứ quyết không để báo ướt", "báo là trên hết" được những người bán báo dạo, con em của họ, những chủ đại lý báo... nhắc đến nhiều lần.

Chị Lê Thị Thanh Thiên (quê ở Quảng Ngãi) - người bán báo dạo 14 năm nay - kể: "Tôi sợ nhất là báo bị ướt. Đi bán báo những ngày mưa, không ít khi quần áo tôi từ ướt sang khô, còn báo thì nhất định phải được bảo quản tốt nhất có thể".

Hình ảnh những người cha, người mẹ nhẫn nại dãi nắng dầm mưa, đi bộ đến mức ngỡ "chân cứng đá mềm" với chồng báo trên tay đã trở thành "dấu ấn yêu thương" trong trái tim con cái của họ, là động lực để các em mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong hành trình học tập.

Ông Phạm Công Thanh - ủy viên ban biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết: "Học bổng này thể hiện sự tri ân của Tuổi Trẻ đối với sự hợp tác của các anh chị bán báo dạo thời gian qua. Chúng tôi sẽ cố gắng để chương trình học bổng này được tổ chức hằng năm".

Ước mơ người bán báo dạo

Nhiều người cha, người mẹ bán báo dạo đến với lễ trao học bổng với áo khoác vải đượm mùi nắng bởi sau lễ trao học bổng, họ còn vội quay lại với những công việc khác cho "ca chiều" như chạy xe ôm, bán vé số...

Chị Lê Thị Thoan (49 tuổi, quê Thanh Hóa) không giữ được xúc động khi nói về niềm hân hoan của cô con gái út Lê Thị Hiền (đang học lớp 10 ở Thanh Hóa) khi biết hôm nay mẹ sẽ đi nhận học bổng thay mình. Chị kể: "Suốt mấy hôm nay nó gọi điện thoại hỏi suốt. Sáng nay lại nhắc lần nữa rằng khi nào nhận được học bổng thì cho con biết để con mừng. Ở quê chừ cũng sắp đóng tiền trường, có khoản này thì đỡ lắm! Chỉ mong nó học được lâu lâu, sau này kiếm được cái nghề cho đỡ khổ".

d5FShndK.jpgPhóng to
Mỗi suất học bổng dành cho học sinh tiểu học gồm 1 triệu đồng và balô, vở, bút... - Ảnh: Thuận Thắng

Ở người mẹ ấy, "tinh thần nghề nghiệp", "trách nhiệm nghề nghiệp" không chỉ là bảo vệ những tờ báo mà còn là "mỗi ngày đều đọc lướt tờ Tuổi Trẻ để ai có hỏi có gì mới thì có cái mà giới thiệu". Chị cũng làm chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi nói: "Người ta ham đọc Tuổi Trẻ lắm. Tôi cũng rất thích bán tờ này. Gần đây tôi thấy người ta đọc báo trên máy tính, điện thoại nhiều quá nên cũng thấy lo lo cho chuyện mấy tờ báo".

Kết thúc lễ trao học bổng, người mẹ 3 con và có 15 năm bán báo dạo ở đất Sài Gòn ấy vội vã rời tòa soạn để đi lấy vé số bán đến tận tối. Và suất học bổng nhận thay cho con gái nhỏ yêu thương trở thành một nét thật đặc biệt giữa vòng quay công việc thường ngày đều đặn của người mẹ ấy.

lqWJ2kYM.jpgPhóng to

Nhóm "Búp bê xinh" (Trung tâm văn hóa Q.Tân Bình, TP.HCM) biểu diễn ca khúc Vui đến trường như một món quà dành tặng các học sinh nhận học bổng - Ảnh: Thuận Thắng

5W4NZiyc.jpgPhóng to
Anh hề Siđô (bìa phải) với các trò chơi thú vị góp phần làm nên một lễ trao học bổng nhiều cảm xúc - Ảnh: Thuận Thắng

Câu chuyện về ông Nguyễn Tấn Trung - chủ đại lý Yến Phi - người có 20 năm bán báo dạo và làm đại lý - là minh chứng về cái tình của những người cùng nghề. Nhiều năm qua, ông thuê nhà cho những người bán báo dạo là đồng hương Quảng Ngãi có chỗ nghỉ ngơi sau ngày bươn chải. Mỗi người trả vài chục ngàn đồng mỗi tháng, phần còn lại ông bỏ tiền túi trả. Nghĩa cử ấy xuất phát từ nỗi thấu hiểu: "Nghề bán báo dạo vất vả lắm. Vừa mưu sinh ở đây, vừa chắt chiu từng đồng gửi về chăm sóc người thân ở quê. Tôi giúp được gì thì giúp, vậy thôi".

Từ hồ sơ của 1.150 học sinh là con các anh chị bán báo dạo tại TP.HCM, Tuổi Trẻ chọn trao học bổng cho 114 học sinh thuộc cấp tiểu học (1 triệu đồng/suất), trung học cơ sở (1,5 triệu đồng/suất), trung học phổ thông (2 triệu đồng/suất) với tổng kinh phí gần 150 triệu đồng. Ngoài ra, các học sinh còn được tặng balô, vở, bút...

TRUNG UYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên