11/09/2012 06:45 GMT+7

Nhiều vở rối chỉ để vui liên hoan

“Cường quốc” nhưng khán giả Việt ít biết
“Cường quốc” nhưng khán giả Việt ít biết

TT - Liên hoan múa rối quốc tế lần 3 kết thúc, huy chương cho các tiết mục xuất sắc và giải thưởng cho các sáng tạo độc đáo đã được trao.

Vậy nhưng trừ hai vở rối nước Linh thiêng hai tiếng đồng bào và Không gian trắng sẽ tiếp tục được diễn thì “số phận” của những vở rối cạn vẫn long đong.

2AEE3QTq.jpgPhóng to
Thích thú xem nghệ sĩ biểu diễn tại công viên nước Hồ Tây, Hà Nội - Ảnh: Đ.Triết

Liên hoan múa rối quốc tế lần 3 kết thúc, huy chương cho các tiết mục xuất sắc và giải thưởng cho các sáng tạo độc đáo đã được trao. Vậy nhưng trừ hai vở rối nước Linh thiêng hai tiếng đồng bào Không gian trắng sẽ tiếp tục được diễn thì "số phận" của những vở rối cạn vẫn long đong.

Niềm vui không trọn vẹn. Bao năm qua nhiều vở diễn, chương trình rối cạn đã phải "ngậm ngùi"... cất kho hoặc cắt thành trò để thi thoảng được diễn.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Ba kỳ liên hoan múa rối quốc tế, Nhà hát Múa rối Thăng Long (Hà Nội) đều tham gia tích cực với các vở rối cạn khá quy mô như Trấn Cổ Loa thành - 2008, Câu chuyện tình người - 2010, Bí ẩn 2/3 - 2012. Những vở diễn đó đều được các đạo diễn, nghệ sĩ dành nhiều thời gian, tâm sức để sáng tạo. Nhà hát đầu tư tiền dựng, mỗi vở không dưới 300 triệu đồng. Song, dù được đánh giá hay và được ghi nhận với những tấm huy chương vàng, bạc nhưng chúng chỉ được sáng đèn 1-2 buổi trong kỳ liên hoan. Sau đó những con rối, những phông cảnh... đều cất kho, không biết đến khi nào được tái diễn.

Ðạo diễn - NSƯT Nguyễn Phương Nhi năm nay cũng được nhà hát cử mang vở đi tham gia liên hoan. Lấy đề tài hiện đại - môi trường, vở rối cạn của đạo diễn Phương Nhi có tên là Bí ẩn 2/3 đã thật sự thu hút khán giả. Niềm vui "ngắn chẳng tày gang", đạo diễn Phương Nhi đã nhẩm tính ngay: kể cả buổi tổng duyệt của liên hoan thì tuổi đời vở rối này được... ba ngày. "Tôi biết vở Bí ẩn 2/3 của tôi sau liên hoan cũng giống như các vở Trấn Cổ Loa thành, Câu chuyện tình người. Chúng đều phải "ngủ kỹ" trong kho... - NSƯT Phương Nhi ngậm ngùi nói - Buồn lắm chứ. Nhưng không cất kho cũng chẳng biết biểu diễn ở đâu".

Lâu nay địa chỉ 57B Ðinh Tiên Hoàng mà Nhà hát Múa rối Thăng Long đang "đóng" vẫn được người ta gọi là "địa chỉ vàng". Khách du lịch quốc tế sang VN đều tiện qua đây để xem rối nước. Cũng nhờ thế mà nghệ sĩ múa rối của nhà hát vẫn có sô để biểu diễn, vẫn có thể sống được bằng nghề. Tuy nhiên, nghệ sĩ vẫn ngậm ngùi, vẫn thấy tủi. Mỗi vở rối cạn được dựng không dễ gì. Tác giả kịch bản, đạo diễn trăn trở tìm đề tài. Diễn viên thì trăn trở thổi hồn cho những con rối. Mỹ công trăn trở tạo hình. Nhưng, "địa chỉ vàng" của nhà hát quá chật hẹp, chỉ có thể dựng nhà thủy đình cho rối nước. Sân khấu để tập và biểu diễn thường xuyên cho rối cạn không có, vở phải xếp kho.

Ðiệp khúc "cất kho" cũng là câu chuyện của Ðoàn ca múa kịch Hà Tĩnh, lần đầu tiên thành lập đội múa rối tham gia liên hoan với chương trình rối cạn Nét Hồng Lam. Tưng bừng tại liên hoan nhưng hết liên hoan thì: "Có giải sẽ được biểu diễn báo cáo, biểu diễn doanh thu lưu động phục vụ một số vùng lân cận. Nhưng không có giải thì chỉ biểu diễn theo hợp đồng của các đơn vị nhân dịp Trung thu sắp tới. Sau đó có thể cũng... cất kho vì đoàn không có sân khấu biểu diễn" - ông Mai Quốc Quyền - trưởng Ðoàn ca múa kịch Hà Tĩnh, cho hay.

Vở "cắt" thành trò

Dù "đường xa vạn dặm" và chỉ là một câu lạc bộ trực thuộc trung tâm văn hóa tỉnh, nhưng cả ba kỳ liên hoan quốc tế Câu lạc bộ múa rối Ðắk Lắk vẫn tham gia đầy đủ. Năm 2008, câu lạc bộ tham gia vở rối cạn Sự tích cồng chiêng, năm 2010 vở Ngày hội buôn làng và năm nay là vở Sắc màu Tây nguyên. Vậy nhưng, sau một vài ngày tuổi ở liên hoan, những vở diễn ấy chỉ có thể tái diễn bằng việc "cắt" nhỏ các trò rối và đi biểu diễn miễn phí theo các đợt tuyên truyền của trung tâm văn hóa tỉnh.

Năm 2008, sau kỳ liên hoan lần thứ nhất, vở Sự tích cồng chiêng sau khi phải cắt thành những trò riêng thì được biểu diễn vào các buổi thứ bảy, chủ nhật tại sân khấu ngoài trời - trước cửa Trung tâm Văn hóa tỉnh Ðắk Lắk. Khán giả - đặc biệt là trẻ em - kéo đến xem rất đông. Ðến kỳ liên hoan năm 2010, cách làm ấy được lặp lại. Nhưng trải qua ba năm biểu diễn miễn phí như thế, tiền đầu tư cho sân khấu, trang phục không có, sức của 20 nghệ sĩ, trong đó chỉ có bốn nghệ sĩ được đào tạo bài bản, 16 nghệ sĩ là nghiệp dư trong câu lạc bộ cũng mòn mỏi. Sân khấu đành rủ màn. Các nghệ sĩ chỉ lóc cóc "bám càng" theo những dịp trung tâm văn hóa tỉnh có đợt biểu diễn tuyên truyền lưu động về các buôn làng. Những trò rối biểu diễn ngoài trời xen lẫn với âm nhạc.

"Cực nhọc lắm câu lạc bộ mới có thể duy trì cho đến nay - ông Trần Văn Phụng - giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Ðắk Lắk, nói - Kinh phí biểu diễn, hoạt động của câu lạc bộ là con số 0. Doanh thu không có. Ðôi lần biểu diễn lưu động, câu lạc bộ được đơn vị bồi dưỡng 500.000 đồng là anh em thấy phấn khởi lắm. Nói thật cũng vì thương bọn trẻ, chúng nó thích và muốn được xem múa rối, được biết về trò rối, con rối. Vả lại ở cả vùng đất Tây nguyên này có chăng chỉ còn Câu lạc bộ múa rối Ðắk Lắk. Vì thế chúng tôi phải linh hoạt trích một phần nhỏ từ kinh phí tuyên truyền để duy trì, cầm cự câu lạc bộ. Nhưng với đà khó khăn thế này có khi câu lạc bộ cũng tan mất thôi".

Trò diễn, vở diễn rối nước là độc đáo song nếu cứ xem đi xem lại sẽ khiến khán giả thấy cũ. Bởi vậy, nhiều năm nay khán giả Việt Nam đòi hỏi: đổi mới. Ngoài việc tìm đề tài mới, trò mới cho rối nước thì việc phát triển rối cạn là hướng đi cần thiết để làm phong phú thêm "bàn tiệc" nghệ thuật rất được trẻ em yêu thích này. Nhưng chỉ có rối cạn của hai đoàn Nhà hát Múa rối VN và Ðoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng tiếp tục được "sống" nhờ có sân khấu cho riêng mình, còn thì nỗi khổ vì không có sân khấu diễn, hoặc không có kinh phí để hoạt động vẫn là nỗi niềm chung của nhiều nghệ sĩ múa rối.

“Cường quốc” nhưng khán giả Việt ít biết

Ông Nguyễn Thành Nhân - trưởng ban tổ chức Liên hoan múa rối quốc tế lần 3 - khẳng định: “VN là “cường quốc” của nghệ thuật múa rối, đặc biệt là múa rối nước”. Vậy nhưng hiện nay cả nước chỉ có bốn đoàn múa rối chuyên nghiệp: Nhà hát Múa rối VN, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng và Đoàn nghệ thuật múa rối TP.HCM. Các tỉnh, thành Đà Nẵng, Đắk Lắk, Hà Tĩnh cũng có song là CLB trực thuộc đoàn ca múa, trung tâm văn hóa của tỉnh. Sự èo uột về lực lượng đã khiến khán giả VN, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa gần như ít biết đến nghệ thuật múa rối.

Dịp Liên hoan múa rối quốc tế lần 3, những trò rối cạn của Việt Nam và các nước bạn được biểu diễn phục vụ khán giả thủ đô liên tục trong hai ngày tại công viên nước Hồ Tây. Suất diễn của các đoàn chật kín khán giả, đặc biệt là các em nhỏ. Ai cũng thích thú khi nhìn ngắm rối dây, rối bóng, rối người và giao lưu, biểu diễn cùng nghệ sĩ.

HlCMC8e8.jpgPhóng to

Các nghệ sĩ múa rối Thái Lan biểu diễn - Ảnh: Minh Đức

“Cường quốc” nhưng khán giả Việt ít biết
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên