14/03/2017 12:53 GMT+7

Nhiều người không biết đã có Luật Thanh niên

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Luật thanh niên ban hành từ năm 2005, nhưng đến nay không chỉ các bạn trẻ, mà có rất nhiều người, kể cả cán bộ chính quyền, cũng không biết đã có Luật Thanh niên.


Anh Nguyễn Long Hải, bí thư Trung ương Đoàn, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam,  cho biết năm 2018 sẽ xây dựng, trình Quốc hội Luật TN sửa đổi -
 Ảnh: Đ.Bình
Anh Nguyễn Long Hải, bí thư Trung ương Đoàn, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, cho biết năm 2018 sẽ xây dựng, trình Quốc hội Luật thanh niên sửa đổi - Ảnh: Đ.Bình

Tham luận tại chương trình đối thoại: “xây dựng chính sách phát triển TN Việt nam” do Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam cùng Bộ Nội vụ tổ chức sáng 14-3, nhiều bạn trẻ và đại biểu đã nêu thực trạng này.

Sinh viên Nguyễn Thị Thanh Hoài, Học viên thanh thiếu niên VN, thẳng thắn thừa nhận: “Em là một thanh niên nhưng khi mới đây bước chân vào Học viện thanh thiếu niên mới biết đến luật TN, biết rằng chúng ta đã có luật thanh niên cả chục năm rồi. Thanh niên mà không biết luật của mình thì làm được cái gì?”.

Cùng quan điểm, sinh viên Nguyễn Phương Linh cho biết khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, “em cũng không hề biết về Luật thanh niên. Đến khi vào Học viện thanh thiếu niên Việt Nam mới biết Việt Nam đã có Luật thanh niên. Nhưng quả thật học đến lúc này, có những môn đã học gần 100 tiết nhưng vẫn rất mơ hồ về luật thanh niên”.

TS Dương Quang Tung, nguyên phó viện trưởng Viện kế hoạch tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ, cho rằng Luật thanh niên 2005 chưa thực sự phát huy tác dụng trong cuộc sống. Rất nhiều người, thậm chí nhiều chủ tịch xã còn không biết đã có Luật thanh niên. Đây là điều đáng lo ngại. Nguyên nhân có nhiều, nhưng bắt nguồn từ chính Luật thanh niên, luật chưa có những chế tài, chỉ nói chung chung.

Anh Nguyễn Ngọc Việt, Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội, cũng băn khoăn sau 12 năm, Luật thanh niên 2005 đọng lại rất ít, nhiều lãnh đạo chính quyền cũng chỉ lơ mơ biết về Luật thanh niên.

“Chính sách thì đúng, nhưng khi đưa vào bộ máy hoạt động thì chưa tương xứng. Công tác giám sát chưa được coi trọng. Có thể luật còn quá chung chung, công tác tuyên truyền cũng hạn chế nên việc triển khai hay giám sát gần như chỉ có mỗi đối tượng thanh niên thực hiện. Thử hỏi, ở các kỳ họp HĐND cấp tỉnh, huyện hay cao hơn là ở Quốc hội, có đại biểu nào hỏi về chiến lược thanh niên, hay giám sát thực hiện Luật thanh niên?”, Phó bí thư thành đoàn Hà Nội đặt câu hỏi.

Tại buổi đối thoại, báo cáo về tình hình TN hiện nay, TS.Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ công tác thanh niên, Bộ Nội vụ, cho biết tỷ lệ thanh niên ngừng đi học ở tuổi 13-15 còn cao, nhất là vùng khó khăn, đồng bào dân tộc; chất lượng nguồn lao động còn thấp, có sự khác biệt về trình độ học vấn giữa các vùng miền.

Về tình hình sức khỏe thì sức khỏe của thanh niên Việt Nam cũng không cao, tỷ lệ thanh niên nạo phá thai trong thanh niên nữ chưa có chồng còn ở mức cao.

Về giáo dục, có sự khác biệt trong tiếp cận cô hội giáo dục giữa các vùng, các nhóm dân tộc. Mất cơ đối cơ cấu dạy nghề, và chất lượng lực lượng lao động còn thấp.

Hầu hết các đại biểu đều tán thành việc sửa đổi Luật thanh niên là cần thiết và nên sớm tổng kết đánh giá việc thực hiện Luật thanh niên 2005, để xây dựng Luật thanh niên sửa đổi bám sát với thực tiễn.

“Trong bối cảnh hiện nay, việc cần thiết là xây dựng Luật thanh niên sửa đổi. Phải coi thanh niên là đối tượng đặc thù để xây dựng luật, hay các chính sách. Bộ Nội vụ và Trung ương Đoàn sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Luật thanh niên, và từ đây sẽ sớm đúc kết để xây dựng dự án luật thanh niên sửa đổi để trình Quốc hội trong năm 2018. Việc nhiều bạn trẻ không biết luật cũng cần xem xét để đưa vào luật sửa đổi”, bí thư Trung ương Đoàn, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Long Hải nhấn mạnh khi kết luận buổi đối thoại.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên