25/01/2015 10:28 GMT+7

Nhiều người học tiến sĩ chỉ vì chạy chức chạy quyền

TRẦN VĂN TƯỜNG - KHÁNH LINH
TRẦN VĂN TƯỜNG - KHÁNH LINH

TTO - Nhiều người học tiến sĩ không phải vì niềm đam mê nghiên cứu khoa học, chỉ mục đích chạy chức chạy quyền. Dịch vụ giáo dục đào tạo đang lấy bằng cấp để đánh giá trình độ học vấn.

Đó là những nội dung đáng chú ý trong ý kiến của bạn đọc Trần Văn Tường và bạn đọc Khánh Linh sau hai bài viết Học tiến sĩ chớp nhoáng (Tuổi Trẻ ngày 23-1) và Giảng viên đại học xài bằng tiến sĩ “ma” (Tuổi Trẻ ngày 22-1). 

Tuổi Trẻ Online xin đăng lại hai ý kiến này và mong tiếp tục nhận được những chia sẻ của các bạn đọc khác.

* Nhiều người học tiến sĩ chỉ với mục đích chạy chức chạy quyền

Sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo rất cần những tiến sĩ thực học, nghiên cứu. Trong bộ máy hành chính nhà nước cũng cần những tiến sĩ giỏi chuyên môn để đi sâu phân tích, tìm ra sự khác biệt từng vấn đề có liên quan đưa tới hiệu quả tốt nhất. 

Thế nhưng, nhiều nơi lại tôn sùng bằng cấp tiến sĩ dù vẫn biết là giả tạo, người tìm mọi cách có bằng tiến sĩ để thăng quan tiến chức… Cứ thế người này bắt chước người kia, nghĩ rằng họ làm được thì mình cũng làm được. Thử nhìn một số cơ quan nhà nước, số lượng tiến sĩ rất nhiều nhưng đa số làm lãnh đạo, không làm nghiên cứu khoa học.

Tôi từng có suy nghĩ đăng ký học tiến sĩ như người ta nhưng sau đó lại bỏ ý định, vì chứng kiến người có bằng tiến sĩ phát biểu trong cuộc họp sai cả kiến thức căn bản.

Thật sự nghiên cứu sinh khi làm luận án tiến sĩ đòi hỏi có ý tưởng tốt, nắm vững phương pháp nghiên cứu khoa học, nhất là áp lực bài báo khoa học lúc nào cũng đè nặng. Vậy mà nhiều người học tiến sĩ không phải vì niềm đam mê nghiên cứu khoa học, chỉ với mục đích chạy chức chạy quyền.

Nâng cao trình độ bản thân là đáng khuyến khích. Nếu chạy theo thành tích hay sính bằng cấp hoặc vì mục đích thăng quan tiến chức, tìm đủ mọi cách có cho được cái bằng tiến sĩ mà bản thân không tự nghiên cứu tìm tòi, đào sâu suy nghĩ thì vô tình biến đề tài “nghiên cứu khoa học” thành đề tài “tiếu lâm” cho người khác chê cười mà thôi.

Thử nghĩ, nếu một nghiên cứu sinh sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ mà không có đến một bài báo khoa học, khó có thể cạnh tranh với tiến sĩ được đào tạo thật sự. Sở dĩ có hiện tượng đó vì có một số cơ sở đào tạo tiến sĩ nhận nghiên cứu sinh khá dễ dãi trong kiểm tra đánh giá đầu vào và đầu ra.

Lỗi là do chưa có sự giám sát đúng mức trong công tác đào tạo tiến sĩ.

Để có tiến sĩ đạt yêu cầu, điều cần thiết là làm sao cho các cơ sở tổ chức đào tạo tiến sĩ trong nước đều chất lượng như nhau.

Tôi nghĩ ngoài các cơ sở đào tạo tổ chức, việc đánh giá luận án tiến sĩ cần có cơ sở độc lập khác kiểm tra tinh thần, kết quả học tập, nghiên cứu khoa học trong quá trình đào tạo tiến sĩ.

Đồng thời, kiểm tra tên đề tài luận án có phù hợp với nội dung mã số chuyên ngành, có trùng lặp về đề tài và nội dung với các luận án đã bảo vệ trước đó?

Phải quy định cho mỗi cơ quan nhà nước đưa ra tiêu chí rõ ràng để đề bạt bổ nhiệm cán bộ dựa vào năng lực thật sự, hiệu quả công tác, chứ không chỉ là bằng cấp.

Về phía Bộ Giáo dục và đào tạo phải cương quyết từ chối cấp phép đào tạo tiến sĩ cho các cơ sở không đủ điều kiện, rút giấy phép nếu trong quá trình đào đạo không đạt yêu cầu.

TRẦN VĂN TƯỜNG

* Cơ chế nhà nước đang xây dựng chế độ thang bảng lương theo bằng cấp

Vấn nạn bằng giả, bằng thật - học giả đang hoành hành khắp nơi, bằng giả chỉ “chui” được vào cơ quan nhà nước là câu chuyện buồn cho những người có tâm huyết với vận mệnh dân tộc.

Đây là một hiện tượng không bình thường làm băng hoại giá trị xã hội. Nguyên nhân về hiện tượng bằng giả phát triển tràn lan, đi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội trước hết là do công tác quản trị nguồn nhân lực ở khu vực nhà nước còn nhiều khiếm khuyết, sau đó là chúng ta chưa thật sự coi sản phẩm giáo dục - đào tạo là một loại hàng hóa đặc biệt tồn tại khách quan trong nền kinh tế thị trường.

Trong cơ chế thị trường, sức lao động là hàng hóa. Tiền lương là giá cả của hàng hóa sức lao động. Nhưng tiếc rằng cơ chế nhà nước đang xây dựng chế độ thang bảng lương theo bằng cấp và thâm niên công tác, trong đó bằng cấp là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá trình độ con người.

Từ đó Nhà nước đã vô tình lấy bằng cấp làm căn cứ để xác định giá trị sức lao động dẫn đến bằng cấp là một loại hàng hóa đặc biệt thay thế cho sức lao động.

Mặt khác, chúng ta không muốn thừa nhận dịch vụ giáo dục - đào tạo là hàng hóa đã làm méo mó quy luật vận động của sản phẩm giáo dục - đào tạo.

Trong khi chất lượng và giá cả các loại hàng hóa khác luôn được điều chỉnh bởi quan hệ pháp luật, vấn đề quản lý chất lượng dịch vụ giáo dục - đào tạo của các trường ĐH đang bị thả nổi.

Chưa có bất kỳ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm kiểm định chất lượng dịch vụ giáo dục - đào tạo cung cấp ra thị trường lao động.

Dịch vụ giáo dục - đào tạo đang lấy bằng cấp để đánh giá trình độ học vấn. Các cơ sở đào tạo đua nhau cung cấp sản phẩm kém chất lượng ra thị trường nhằm mục đích thu lợi cao là một xu thế tất yếu.

Chi phí đào tạo rẻ tiền đi liền với chất lượng dịch vụ giáo dục - đào tạo kém chất lượng luôn song hành với nhau. Các cơ sở đào tạo đưa ra thị trường sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng chưa bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Chúng ta thử xem lại cung cách mở các lớp đào tạo bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo với các cơ quan nhà nước. Về bản chất, ở đây là mua bán dịch vụ công bằng tiền ngân sách nhà nước nhưng vẫn chưa được quản lý chặt chẽ. Không coi chi phí đào tạo là một dạng mua bán dịch vụ công trong các đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước, không có đơn vị độc lập thẩm định chất lượng và giá cả dịch vụ đào tạo.

Như vậy việc thanh toán, quyết toán dịch vụ đào tạo (bản chất là mua sắm dịch vụ công bằng ngân sách nhà nước) trong các cơ quan nhà nước đang vi phạm nghiêm trọng luật ngân sách nhà nước nhưng không bị điều chỉnh. Đây là lỗ hổng pháp luật lớn nhất làm thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước không hề thua kém lĩnh vực đầu tư công.

Định giá tiền lương không dựa trên cơ sở tài năng, sự cống hiến của mỗi người mà căn cứ vào bằng cấp, chức vụ công tác đã làm vấn nạn bằng giả, bằng thật - học giả có thêm điều kiện hoành hành trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.          

KHÁNH LINH

Bạn có đồng tình với lập luận của bạn đọc Trần Văn Tường và bạn đọc Khánh Linh? Theo bạn, làm thế nào để giải quyết triệt để tình trạng tiến sĩ "ma"? Hãy chia sẻ cùng TTO qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết.

 

TRẦN VĂN TƯỜNG - KHÁNH LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên