17/10/2017 10:24 GMT+7

Nhận diện sự thành công của sinh viên

TS VÕ ĐÌNH TRÍ  (ĐH Kinh tế TP.HCM & IPAG Business School Paris)
TS VÕ ĐÌNH TRÍ (ĐH Kinh tế TP.HCM & IPAG Business School Paris)

TTO - Không ít người luôn nghĩ rằng kết quả học tập tốt của sinh viên phải "tuyến tính" với sự thành công khi ra trường. Nhưng thực tế thị trường lao động ở bất kỳ đâu đều cho thấy điểm số không phải là thước đo thành công.

Nhận diện sự thành công của sinh viên - Ảnh 1.

Trịnh Hoàng Triều (phải) bắt đầu công việc tại Tập đoàn Google (Mỹ). Triều là sinh viên VN được Google tuyển dụng cho chương trình nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Trong ảnh: Triều đang trao đổi với các bạn trong một lớp học tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: Duyên Phan


Trong diễn đàn "Thành công của sinh viên Hoa Kỳ" được tổ chức cuối tháng 9 vừa qua tại Hoa Kỳ, bài trình bày của ông Jacques Biot - hiệu trưởng Trường École Polytechnique, một trong những trường danh giá nhất của Pháp - được xem là một khung đánh giá chuẩn về sự thành công của sinh viên hiện nay và tương lai.

Theo đó, sự thành công của một sinh viên phải được xem xét ở các tiêu chí sau: khả năng có được việc làm ngay khi tốt nghiệp, công việc sau 5 năm tốt nghiệp, sự hứng thú với công việc và cống hiến cho cộng đồng.

Có việc làm ngay - tiêu chí hàng đầu

Có việc làm đúng ngành học ngay sau khi tốt nghiệp là một tiêu chí không chỉ quan trọng đối với các cơ sở đào tạo (liên quan đến xếp hạng), mà là tiêu chí hàng đầu đánh giá sự thành công của sinh viên. Sinh viên muốn có được việc làm thường phải trải qua các vòng tuyển chọn. 

Một doanh nghiệp ký hợp đồng làm việc với ứng viên là khi họ tính toán rằng chi phí cho ứng viên này nhỏ hơn giá trị mà ứng viên mang lại. Chẳng hạn như ở Pháp, ngoài lương, các chi phí mà người sử dụng lao động phải trả cho chính phủ cũng xấp xỉ với lương, như vậy chi phí lao động coi như gấp đôi lương người lao động thực lĩnh.

Cũng chính vì vậy mà trong thực tế có chỉ số doanh thu/lao động để biết được nhanh rằng lao động có đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp hay không. Ví dụ, lương của một lao động là 3.000 euro/tháng thì doanh thu hay giá trị mà lao động này mang về ít nhất phải là 72.000 euro/năm.

Khả năng có được việc làm trước đó được đánh giá qua khả năng tìm được nơi thực tập hay chương trình vừa học vừa làm trong thời gian học. Ở nhiều nước, luật quy định sinh viên đi thực tập có hưởng lương, nên việc có được chỗ thực tập cũng là một cuộc cạnh tranh đầy căng thẳng giữa các sinh viên, không thua kém tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. 

Do vậy, các sinh viên bên cạnh việc đáp ứng những yêu cầu về kiến thức khi thi hết môn, các kỹ năng khác phải được bổ sung và trau dồi, nhất là các kỹ năng mềm và những kỹ năng mà thị trường lao động đòi hỏi.

Có một sự ngộ nhận của nhiều sinh viên giỏi là quá tự tin vào kết quả học tập của mình, cho rằng mình giỏi và không cần hợp tác với người khác. Nhưng chia sẻ của vị hiệu trưởng Trường École Polytechnique về cách mà ngôi trường này đào tạo những thành phần ưu tú cho nước Pháp và nhiều nước khác cho thấy sinh viên, nếu giỏi, phải cần trang bị những điều khác.

Bên cạnh chương trình đào tạo với những giáo sư giỏi nhất, sinh viên phải tham gia nhiều môn thể thao tập thể, các hoạt động xã hội và nhiều hoạt động tập thể khác (đặc biệt là các câu lạc bộ, nhóm). Những sinh viên này phải học cách làm việc với người khác, với những người có thể không thông minh bằng mình nhưng họ lại có những tố chất vượt trội khác.

Nhận diện sự thành công của sinh viên - Ảnh 2.

TS Võ Đình Trí - Ảnh: NVCC

Thích ứng và hứng thú với công việc

Khi thị trường lao động thay đổi liên tục và nhanh, khả năng thích ứng là tiêu chí quan trọng thứ hai của sự thành công, đặc biệt sau 5 năm ra trường. 

Sau khoảng thời gian này, những sinh viên được coi là thành công khi có những thăng tiến về nghề nghiệp nhất định, thể hiện qua hai tiêu chí quan trọng là vị trí việc làm và thu nhập. Sinh viên sẽ được coi là thành công hơn nếu cũng thăng tiến về vị trí, thu nhập nhưng trải qua nhiều môi trường làm việc hơn.

Bên cạnh đó, một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng là hứng thú với công việc. Một sinh viên sau một thời gian có được vị trí và thu nhập tốt nhưng công việc đó không thực sự đem lại sự say mê thì cũng không thể gọi đó là thành công. 

Vì trong những trường hợp như thế này, khả năng của họ đã không được khai thác hết. Về mặt này, một người đạt 5/5 khả năng của mình vẫn thành công hơn người có khả năng 10 nhưng chỉ đạt được 7.

Cống hiến cho cộng đồng

Sự thành công của sinh viên cuối cùng được đo bằng cống hiến của họ cho cộng đồng và xã hội. Những người thành công, về tài chính hay danh tiếng, có nhiều khả năng sẵn lòng cho đi hơn. Về khía cạnh này, có những người có thành công sớm, nhưng phần lớn thước đo thành công này đến khi họ đã chín muồi về sự nghiệp.

Nhiều tấm gương như Bill Gates, Warren Buffett, Li Ka-shing, Andrew Carnegie... là những nhà hảo tâm lớn. Hay rất nhiều tên tuổi khác cống hiến cho cộng đồng như Martin Luther King, Oprah Winfrey, Elvis Presley... ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau.

TS VÕ ĐÌNH TRÍ (ĐH Kinh tế TP.HCM & IPAG Business School Paris)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên