27/09/2005 13:02 GMT+7

Nhà văn Nguyễn Quang Lập: "Tôi lao động chữ nghiêm túc"

Theo Thể thao và Văn hóa
Theo Thể thao và Văn hóa

Cuối tháng 10, Nhà hát Kịch Hà Nội sẽ công diễn vở Những linh hồn sống (kịch bản của nhà văn Nguyễn Quang Lập) khắp Bắc - Trung - Nam. Vốn là người thích đào sâu chủ đề bằng luận thuyết chứ không phải bằng hình tượng nhân vật, những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, Nguyễn Quang Lập đã gây “sóng gió” trên kịch trường với kiểu triết luận:

PuJeyHvf.jpgPhóng to
Nhà văn Nguyễn Quang Lập (trái) trong buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc Tuổi Trẻ Online

* Hơn chục năm sau, Nhà hát Kịch Hà Nội dựng lại vở này. “Rằng hay thì thật là hay...”. Nhưng hãy thử đặt ngược vấn đề, phải chăng Nguyễn Quang Lập giờ đây cũng đang “ăn theo” cái bóng của chính mình? Phải chăng sân khấu đã hết sạch những kịch bản Hay và Mới, những tác giả Hay và Mới?

- Nguyễn Quang Lập không bao giờ thích nhai lại cái của mình. Trong trường hợp này, nó chỉ chứng tỏ sức sống của một tác phẩm. Tối qua tôi đi xem vở Những linh hồn sống với một ê-kíp cực kỳ trẻ trung. Phản ứng của khán giả rất tốt, y như phản ứng của vở này mười năm trước với một ê-kíp gạo cội. Tôi mừng và xúc động. Không ngờ kịch bản của mình vẫn trẻ với thời gian.

* Kịch của anh nghiêng về phản ánh hiện thực theo lối luận đề (dựa trên một ý tưởng khái quát và những mô típ lặp lại). Anh cũng là nhà viết kịch có cái nhìn riêng, với ham muốn mãnh liệt lý giải và nhận thức đời sống theo cách một nhà văn chính luận. Cách ấy thật táo bạo và sắc sảo, song cũng thật cực đoan và chông chênh.

Do chỗ thành bại của vở diễn hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tiêu hóa các luận đề trong kịch bản văn học và trong nhiều trường hợp, cũng sẽ dễ khiến cho nhân vật trở thành cái loa phát ngôn của tác giả, biến sân khấu thành lời độc thoại và rao giảng của tác giả. Anh nghĩ sao?

- Tôi thích kịch luận đề vì nó gãy gọn, khúc chiết, dễ gây ấn tượng và tiết kiệm cho khán giả khỏi mất thời giờ ngồi xem diễn viên nhẩn nha “cò cưa” những lớp kịch sinh hoạt dài dòng, vô bổ. Tuy nhiên kịch luận đề gặp 3 cái khó: viết khó, dựng khó, diễn khó. Kịch luận đề không dành cho các tác giả cẩu thả, thích ăn xổi ở thì; không để cho các đạo diễn thiếu kinh nghiệm và phông văn hóa mỏng; không phải của các diễn viên hời hợt, nông cạn, thích chạy sô tấu hài hơn là các vai diễn nghiêm túc…

Hơn nữa, thoại của tôi không phải là những triết lý lăng nhăng, nó thực sự mang hơi thở đời sống, diễn viên dễ dàng tìm thấy hành động kịch trong mỗi lời thoại.

* Trong lễ khởi công vở diễn, anh tuyên bố: diễn viên không được phép thêm bớt hay sửa chữa lời thoại, dù chỉ một chữ! Vì anh tin rằng Những linh hồn sống đã thực sự là một kịch bản mẫu mực? Hay đơn giản chỉ vì anh dễ tự ái?

- Không, tôi đâu phải là ông đồ gàn say đắm chữ nghĩa của mình đến độ tâm thần! Tôi chỉ muốn nói với các diễn viên trẻ một thực tế là: từ trước tới nay, diễn viên nào chịu khó nghiền ngẫm chữ nghĩa trong kịch bản của tôi, không quên lời, bịa lời hoặc không qua loa đại khái thì họ đều gặt hái được thành công.

Tôi lao động chữ nghiêm túc, lại có chút ít kinh nghiệm sân khấu, vì thế có thể người ta loại một đôi chữ của tôi chỉ vì ngại nó chứ không phải người ta không thích nó. Ai đã đọc kịch bản của tôi đều biết đó không phải là lời lẽ của kẻ tự cao tự đại!

* Sinh thời, cố NSND Nguyễn Đình Nghi từng mơ ước đến một mô hình sân khấu lý tưởng. Đó là sân khấu phức điệu tương ứng với con người và đời sống hiện đại vô cùng phong phú chứ không phải chỉ có mỗi hình thái tả thực.

Ở sân khấu đó, sẽ có nhiều cách nói, nhiều loại ngôn ngữ, nhiều hình thái mô tả, nhiều tầng lớp, ngoài cái tầng căn bản là đời sống nhân vật kịch ở hình thái bình thường, tả thực, còn xuất hiện thêm những tầng khác, với những hình thái biểu hiện khác, hoặc song song, hoặc đan chéo, hoặc nối tiếp nhau. Và, người câm có thể nói, người mù có thể nhìn, nghĩa là sân khấu ấy sẽ mở rộng phạm vi miêu tả hiện thực đến cùng...

- Thực ra, cho đến thời điểm này, những yếu tố cho một sân khấu phức điệu cũng đã lác đác xuất hiện, nhưng không nhiều...

* Còn quan điểm của anh thì sao - anh có cổ vũ cho cái “sân khấu lý tưởng” đó không?

- Mới là đặc điểm sống còn của nghệ thuật, hà cớ gì tôi không ủng hộ và cổ vũ nó?

* Một câu hỏi cũ: Anh khởi nghiệp văn chương bằng một chùm thơ căm thù giặc Mỹ, sau đó là loạt truyện ngắn, tiểu thuyết (mấy chục năm nay cũng chỉ có 1 tiểu thuyết xuất bản!). Vì văn xuôi không chuyển tải hết những suy tư của anh về con người, xã hội, nên anh bắt tay vào viết kịch hay vì anh đã “tịt” hẳn chuyện văn chương rồi? Có một câu chuyện (thật 100%) là có nhà văn VN sáng tác ngót nửa thế kỷ, đến lúc “toan về già” đã thú nhận là “tôi không biết viết văn” (?!).

- Hì hì... tôi không tịt cái gì cả, dù bệnh tật nhưng tôi vẫn miệt mài lao động để giữ lấy cái danh còm và kiếm tiền nuôi con. Tôi đồng thời viết văn, viết kịch, viết phim chứ không phải dừng lại cái này chuyển sang cái kia.

* Anh bảo anh rất ngại marketing cho mình. Nhưng theo tôi thì “đánh trống rao hàng” không phải là không tốt - xét ở góc độ kinh tế thị trường. Vì thật ra, văn chương là một cái chợ, và chợ thì có nhiều người bán, nhiều người mua... Anh nghĩ sao về chuyện này?

- Khổ lắm, biết thế… Nhưng chợ văn lại nằm giữa chợ đời. Với lại, đã có quá nhiều kẻ rất có tài “đánh trống rao hàng”, khoản này mình bất tài, đua làm sao được bằng người ta?

* À, nhưng mà “Làm trai đứng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Phàm là nghệ sĩ, mấy ai từ chối được cái danh (dù là danh rất xứng với thực chăng nữa) và ai chẳng khao khát được đặt dấu ấn của mình vào tiến trình lịch sử nghệ thuật. Giả sử năm ngoái, anh không được giải Nhì cuộc thi Kịch bản phim truyện 1.000 năm Thăng Long và năm nay, Nhà hát Kịch Hà Nội không dựng lại Những linh hồn sống thì sao nhỉ?

- Thì Nguyễn Quang Lập vẫn là Nguyễn Quang Lập, vẫn còn nguyên xi những người yêu tôi và ghét tôi…

Theo Thể thao và Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên