Một bệnh nhân sốt xuất huyết đang được điều trị - Ảnh: Tư liệu
Thông tin trên được Bộ Y tế cho biết tại hội nghị "Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2019".
Tại hội nghị, đại diện Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã báo cáo lý do tại sao ở tỉnh Khánh Hòa, số ca mắc sốt xuất huyết/100 ngàn dân đứng đầu cả nước.
Bắt đầu từ tháng 7-2018, số ca sốt xuất huyết ở Khánh Hòa đã tăng và tăng rất cao đến tháng 12-2018.
Từ tháng 1 đến tháng 6- 2019, cả tỉnh đã có 6.547 ca sốt xuất huyết, trong đó có một ca tử vong vào tháng 5 do bệnh nhân tiếp cận điều trị với cơ sở y tế không tốt. Trong khi cả năm 2018, cả tỉnh có 7.071 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có một ca ở Nha Trang tử vong do điều trị bác sĩ tư.
Trong 6 tháng đầu năm, tỉ lệ mắc sốt xuất huyết/100 ngàn dân của tỉnh Khánh Hòa vượt chỉ tiêu cả nước và Nha Trang tiếp tục là địa phương có tỉ lệ mắc sốt xuất huyết trên 100 ngàn dân cao nhất nước với 636 người sốt xuất huyết/100 ngàn dân.
Những yếu tố làm sốt xuất huyết tăng cao là do thời tiết nắng mưa xen kẽ, cản trở kế hoạch phun thuốc diệt muỗi, TP Nha Trang đã bùng nổ khách du lịch và các công trình xây dựng.
Riêng năm 2018, theo thống kê, TP Nha Trang có hơn 400 công trình xây dựng lớn và năm 2019 vẫn còn nhiều công trình đang tiếp tục.
Tuy nhiên, ngành y tế đến tiếp cận với các công trình xây dựng để kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết rất khó, phải nhờ đến lãnh đạo của UBND mới có thể vào được.
Sở Y tế của tỉnh cũng dự báo năm 2019, sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát và sẽ tăng rất cao vào cuối năm, thậm chí sẽ tăng cao nhất vào năm 2020.
Sau khi nghe đại diện tỉnh Khánh Hòa báo cáo, ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng tỉnh Khánh Hòa phải vào cuộc phòng chống sốt xuất huyết quyết liệt chứ không sẽ là nơi "phân phối" bệnh sốt xuất huyết cho các tỉnh miền Trung.
Ngành y tế phải kéo thêm được Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường vào phòng chống sốt xuất huyết. Ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh, tỉnh Khánh Hòa cần kiểm tra và nếu công trình xây dựng nào vi phạm thì cần tiến hành xử phạt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận