29/02/2012 06:10 GMT+7

Nhà gạch thay nhà lá

HỮU CÔNG
HỮU CÔNG

TT - Trở lại xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An sau hơn một năm chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” triển khai, niềm vui được nhân lên.

Chúng tôi chứng kiến niềm hạnh phúc trên từng khuôn mặt những hộ nông dân nghèo nay đã vươn lên.

gUr5QmKs.jpgPhóng to
Chỉ đợi được giá thêm, bà Lê Thị Tay sẽ bán lứa heo này - Ảnh: HỮU CÔNG

Căn nhà bằng lá xập xệ hơn một năm trước của vợ chồng anh Đỗ Hữu Ngọc và chị Cao Thị Ngọc Linh giờ đã thay bằng ngôi nhà gạch rộng rãi, thoáng mát. Chị chủ nhà như không giấu được niềm vui ngời lên trong mắt. Cũng trong ngôi nhà mới này, chị bắt đầu câu chuyện về chuỗi ngày cơ cực của đời mình nay đã bỏ lại phía sau...

Thức cả đêm trong nhà mới

Gần 10 tỉ đồng tiếp sức nhà nông

Sáng nay (29-2), báo Tuổi Trẻ và Công ty CP GreenFeed VN tổ chức họp báo công bố chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” năm 2012 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

Năm 2012, chương trình sẽ được triển khai đến tám tỉnh: Bình Thuận, Bến Tre, Trà Vinh, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Nam, Hải Dương và Hà Nam với số tiền tài trợ gần 10 tỉ đồng.

Qua hai năm triển khai, chương trình đã hỗ trợ vốn vay không lãi suất hơn 3 tỉ đồng cho 240 hộ nông dân thuộc bốn tỉnh Long An, Bình Định, Hưng Yên và Đồng Nai (mỗi hộ nhận 10 triệu đồng tiền mặt và thức ăn chăn nuôi của GreenFeed tương đương 2 triệu đồng).

Từ huyện Châu Thành, chị Linh rời quê hương theo chồng về huyện Tân Trụ hồi năm 1997. Gia đình bên chồng không có ruộng, vợ chồng chị sống bằng nghề làm mướn, ai kêu gì làm nấy. Những khi nghịch mùa, vợ chồng chị thức dậy từ 4 giờ sáng, lặn lội qua đò vào tận những đồng sâu trong huyện Cần Đước, Cần Giuộc mới mong có việc để làm.

Giấc ngủ của cả gia đình chị khi đó phải phụ thuộc vào thời tiết. Những đêm trời mưa, vợ chồng chị choàng tỉnh dậy để canh giấc ngủ cho hai con, bởi căn nhà lá vốn đã xiêu vẹo có thể đổ sập bất kỳ lúc nào. Một đêm mưa dông của vài năm trước, căn nhà lá mục nát đã không còn đủ sức chống đỡ, vợ hốt hoảng chạy cửa sau, chồng tháo chạy cửa trước. Một cây đòn tay rơi trúng đầu anh Ngọc. Nhìn ngôi nhà tan hoang chị khóc hết nước mắt.

Cuối năm 2010, nhận được số tiền từ chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường”, vợ chồng chị Linh chuyển từ nuôi vịt ngắn ngày bán lấy thịt sang nuôi vịt đẻ trứng để bỏ mối. “Lúc trước vì không đủ tiền chạy thức ăn cho vịt nên chỉ nuôi được hai tháng là bán thịt ngay. Muốn để vịt đủ bảy tháng có trứng bán cũng không đủ tiền”, chị Linh kể.

Ngày vợ chồng chị làm tân gia, chòm xóm ngợi khen hết lời: “Vợ chồng bay giỏi quá”. Đêm đầu tiên trong ngôi nhà mới, chị như không tin vào sự thật, nỗi vui mừng như con trẻ được mẹ mua cho chiếc áo mới, chị thao thức cả đêm.

Tiếp thêm sức mạnh

Chung niềm vui đó, cách nhà chị Linh không xa, gia đình bà Lê Thị Tay cũng đang rộn tiếng nói cười trong bữa cơm chiều. Hôm nay, cậu con trai lớn đang học cao đẳng ở Sài Gòn về thăm nhà, bữa cơm chiều thịnh soạn hơn khi có thêm con cá, miếng thịt, những thứ mà bà từng rất đắn đo mỗi lần đi chợ.

Lấy chồng năm 29 tuổi, rồi chồng lên Sài Gòn làm ăn xa, theo tiếng gọi tình yêu không trở về, cũng là ngày bà biết mình cấn thai đứa con thứ hai. Tay dắt đứa con trai đầu, bà tủi hổ trở về quê mẹ chờ ngày vượt cạn. “Khi đó tôi chỉ tưởng tượng là nuôi con được ngày nào hay ngày đó, sống được một ngày là hay một ngày”, bà Tay nhớ lại. Sức lực của người đàn bà nặng 39 ký như càng héo hắt khi phải một mình nuôi hai con nhỏ.

Nhận được vốn vay từ chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” đợt đầu tiên triển khai, gộp với số tiền vay được từ ngân hàng chính sách xã hội và chương trình Heifer (một tổ chức phi chính phủ giúp nông dân xóa đói giảm nghèo) được hơn 50 triệu đồng, bà Tay đầu tư nuôi vịt và nuôi heo. Sau hơn một năm nỗ lực vượt khó, bà thu được 53 triệu đồng. Trả tiền đầu tư làm chuồng 20 triệu, số tiền còn lại bà để mua tiếp heo con và “đầu tư sự nghiệp học hành cho hai đứa nhỏ”.

Chương trình tích cực

Ông Phạm Minh Hùng, chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An, cho biết Đức Tân là điểm sáng trong việc sử dụng đồng vốn có hiệu quả từ chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” năm 2010, được triển khai đến chín xã, thuộc hai huyện Tân Trụ và Châu Thành của tỉnh. Trong đó, huyện Tân Trụ có 89% hộ thu được lãi từ chương trình, huyện Châu Thành là 57%. “Chương trình đã góp phần tích cực cho việc xóa đói giảm nghèo ở địa phương, đồng thời động viên các cháu an tâm đến trường học hành thành tài”, ông Hùng nói về ý nghĩa của chương trình.

HỮU CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên