08/11/2017 12:44 GMT+7

Nhà đầu tư có thể buồn, nhưng dự án BT phải được đấu giá

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - "Tôi yêu cầu đấu giá những mãnh đất ở vùng lõi khu đô thị mới Thủ Thiêm. Có thể những nhà đầu tư theo đuổi mãnh đất này sẽ buồn, nhưng chuyện này phải rất rõ ràng".

Nhà đầu tư có thể buồn, nhưng dự án BT phải được đấu giá - Ảnh 1.

Dự án đường Phạm Văn Đồng (TP.HCM) làm theo hình thức BT nhưng chỉ định thầu, đổi đất lấy hạ tầng - Ảnh: TỰ TRUNG

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã phát biểu như thế khi chủ trì hội nghị trao đổi về cơ chế thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư và giải pháp tạo quỹ đất, nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng.

Dịp này, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã cùng thảo luận, mổ xẻ thực trạng khai thác quỹ đất ở TP.HCM, hiệu quả của các dự án và phương thức thực hiện trong tương lai.

Chưa có đất sạch không nên làm BT

Ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP, cho rằng để làm các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) theo đúng bài bản trong điều kiện của TP.HCM hiện nay là rất khó. 

"Trình tự, thủ tục đáp ứng theo quy định quá khó khăn. Quỹ đất sạch thì không đủ, thành phố lại không có nhiều tiền. Trong khi đó nhà đầu tư lại tình nguyện ứng vốn để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng nên thành phố phải chấp nhận để làm được đường sá" - ông nói. 

Cũng theo ông Cường, thực hiện theo cách này, chính quyền vẫn giữ được vai trò kiểm soát, giám sát trong quá trình thực hiện dự án.

Với tư cách là trưởng Ban chỉ đạo khu đô thị mới Thủ Thiêm, tôi yêu cầu đấu giá những mảnh đất ở vùng lõi của khu đô thị này. Có thể những nhà đầu tư theo đuổi các mảnh đất này sẽ buồn nhưng chuyện này phải rất rõ ràng

Chủ tịch UBND TP.HCM NGUYỄN THÀNH PHONG

Song ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng việc chỉ định thầu đã triệt tiêu yếu tố cạnh tranh. 

Mặt khác, theo ông Châu, dự toán công trình là do nhà thầu đề xuất, các khu đất đắc địa cũng do nhà thầu đề xuất để thanh toán công trình, "như thế khác nào nhà thầu đã đạt lợi ích kép trong khi vai trò của Nhà nước thì mờ nhạt".

Ông Châu cho rằng: nói là Nhà nước đóng vai trò thẩm định nhưng sẽ rất khó để đảm bảo yếu tố ngang giá nên có cảm giác Nhà nước - cũng có nghĩa là xã hội - đang chịu thiệt. 

Từ vấn đề đã đặt ra, ông Châu đề nghị phải đấu giá rộng rãi, công khai các khu đất dành để làm dự án BT nhằm đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước.

Liên quan đến việc này, tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giám đốc chương trình MPP - Đại học Fulbright Việt Nam, khuyến cáo: chính quyền không nên làm dự án BT khi chưa chuẩn bị được quỹ đất sạch. 

Theo ông Du, đã đến lúc phải hạn chế hình thức đổi đất lấy hạ tầng như cách làm bấy lâu nay. 

Thay vào đó, phải thực hiện đổi tiền mặt lấy hạ tầng bằng cách đem đấu giá công khai quyền sử dụng các lô đất và tiền thu được sẽ thanh toán cho hợp đồng BT.

Đấu thầu chọn nhà đầu tư, đấu giá đất

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định sắp tới, tất cả dự án đầu tư theo hình thức BT phải trải qua đấu thầu, cụ thể là đấu thầu chọn nhà đầu tư và đấu giá đất. 

"Nếu miếng đất khi đấu giá có hai nhà đầu tư đưa ra mức giá bằng nhau thì ai trúng thầu là chủ đầu tư dự án sẽ được ưu tiên lựa chọn. Những vấn đề chi tiết như thế này sẽ được tính toán kỹ lại để xây dựng thành quy trình", ông Tuyến diễn giải.

Ngoài ra, ông Tuyến cho hay TP.HCM đang yêu cầu các đơn vị chức năng xây dựng quy trình để UBND thành phố phê duyệt. 

Theo ông Tuyến, trong quy trình xác định rõ các dự án nào của thành phố sẽ làm theo phương thức BT, có quy trình để đàm phán rõ ràng, xác định rõ quỹ đất, thời gian thực hiện, trách nhiệm từng ngành, từng cấp. 

"Xác định quỹ đất là trách nhiệm của Sở Tài nguyên - Môi trường. Còn trách nhiệm bồi thường giải phóng mặt bằng là của các quận huyện. Từng dự án cụ thể phải có quy trình cụ thể. Đất sạch còn bao nhiêu, đất còn "vướng" chưa đền bù xong thì vướng ở những dạng nào, phải chỉ rõ ra", ông Tuyến chỉ đạo.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng tính minh bạch là yếu tố rất quan trọng khi triển khai thực hiện dự án BT, giúp giảm thiểu được tiêu cực, lợi ích nhóm. 

"Những mảnh đất đẹp thường được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nếu không quản lý khéo sẽ dễ dẫn đến tiêu cực", ông Phong nhấn mạnh.

Ông Phong dẫn chứng TP.HCM hiện còn nhiều mảnh đất đẹp, nằm ở vị trí đắc địa, được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, cụ thể là những lô đất ở vùng lõi của khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Những lô đất này đã được Nhà nước bỏ tiền giải phóng mặt bằng, có nhiều nhà đầu tư theo đuổi, muốn thực hiện các dự án BT (theo phương án đổi đất lấy hạ tầng) để có được khu đất.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên