Phó thủ tướng Lưu Hạc (ngoài cùng bên trái), nhà đàm phán kỳ cựu của Trung Quốc, trong cuộc gặp Tổng thống Donald Trump hồi tháng 2-2019 - Ảnh: AFP
Trung Quốc ngày 6-5 cho biết phái đoàn của nước này đang chuẩn bị lên đường đến Mỹ, chuẩn bị cho cuộc đàm phán thương mại song phương từ ngày 8-6. Từ chỗ được dự đoán hai nước có thể đạt được thỏa thuận ngay cuối tuần này, cuộc đàm phán rơi vào căng thẳng và thậm chí có nguy cơ đổ vỡ.
Trung Quốc choáng váng
"Chúng tôi đang cố gắng thu thập thêm thông tin từ tình hình. Điều tôi có thể nói là đoàn Trung Quốc đang chuẩn bị đến Mỹ để đàm phán thương mại" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nói trong cuộc họp báo sáng 6-5, sau nửa ngày im lặng trước tuyên bố của ông Trump.
Tuy nhiên, Bắc Kinh không nói rõ liệu Phó thủ tướng Lưu Hạc có dẫn đầu đoàn đàm phán lần này hay không. "Điều vô cùng quan trọng là chúng tôi vẫn hi vọng Mỹ nỗ lực cùng Trung Quốc để đạt được sự nhất trí và một thỏa thuận có lợi cho đôi bên dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau" - ông Cảnh Sảng nói.
Trưa 5-5, giờ Mỹ, tổng thống Mỹ bất ngờ tuyên bố trên Twitter kế hoạch tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc, vì tiến độ đàm phán không như ông mong đợi.
Theo đó, Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 10-5 và dọa tiếp tục tăng thuế với 325 tỉ USD hàng hóa còn lại. Mức thuế sẽ ảnh hưởng hơn 5.000 loại hàng hóa của Trung Quốc từ thực phẩm đến dược phẩm, may mặc, hàng điện tử...
Với lời đe dọa này, ông Trump dường như muốn sử dụng chiến thuật cũ "gây sức ép tối đa" nhằm tạo áp lực buộc Trung Quốc phải nhượng bộ trong cuộc đàm phán tuần này.
Thời điểm công bố kế hoạch thuế cũng cho thấy lời đe dọa của ông Trump chỉ nhằm ghi điểm trong mắt người dân Mỹ. Theo Wall Street Journal, các quan chức thương mại Mỹ cho rằng cần thời gian để thông báo đến các doanh nghiệp về việc tăng thuế, trong bối cảnh chính quyền Mỹ thời gian qua vẫn luôn thận trọng trong việc áp thêm thuế ngõ hầu tránh bị kiện tụng.
Tương lai nào?
Trung Quốc có lý do để nổi giận, khi Phó tổng thống Mỹ Mike Pence từng tuyên bố việc dỡ bỏ các biện pháp thuế quan cứng rắn của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ là một phần của mọi thỏa thuận thương mại giữa hai nước.
Trước đó, tờ Wall Street Journal đưa tin động thái của chính quyền Trump khiến nhiều quan chức Trung Quốc bất ngờ và Bắc Kinh đang cân nhắc việc nối lại cuộc đàm phán vào ngày 8-5. Tổng biên tập Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cũng bóng gió rằng ông Lưu Hạc sẽ không đến Washington. Ông Lưu trước đó từng hủy chuyến công du đến Mỹ năm ngoái, sau khi Washington cương quyết đòi tăng thuế nhập khẩu từ Trung Quốc.
Do đó, tương lai của cuộc đàm phán vẫn là điều khó dự đoán nhưng sẽ không còn lạc quan như trước đây. Trong khi một số nhà kinh tế tin tưởng chiến thuật của ông Trump sẽ tạo động lực cho các nhà đàm phán hai nước, nhiều người tỏ ra lo ngại.
"Trung Quốc sẽ không nhượng bộ điều mà Mỹ muốn với một cây gậy to treo trên đầu. Nếu mức thuế mà ông Trump đe dọa được áp dụng vào ngày 10-5, Trung Quốc buộc phải phản ứng" - cựu quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc Zhou Xiaoming nói.
Reuters dẫn lời một chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng động thái của Mỹ sẽ khiến Trung Quốc cứng rắn hơn và cuộc chiến thương mại kéo dài, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế và nền kinh tế toàn cầu. "Nhiều khả năng chúng ta sẽ thấy một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài hơn" - chuyên gia này cho biết.
* Ông Bùi Ngọc Sơn (chuyên gia kinh tế của Viện Kinh tế chính trị thế giới): Việt Nam cần phát huy mặt hàng xuất khẩu thế mạnh
Việt Nam là nước phụ thuộc xuất khẩu. Nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tăng lên có thể dẫn tới suy giảm thương mại toàn cầu, khiến kinh tế Việt Nam cũng bị tác động giảm theo.
Tuy nhiên, cũng có những lợi thế khi mà các lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cho Việt Nam trong xuất khẩu, với hàm lượng xuất khẩu do chính người Việt tạo ra như nông lâm thủy sản, hàng thiết yếu như dệt may, da giày, hàng tiêu dùng... sẽ bị tác động ít hơn, nên cần phải đẩy mạnh xuất khẩu.
Đó là hàng tiêu dùng thông thường trong cuộc sống, khi kinh tế suy giảm họ có thể cắt giảm hàng xa xỉ, công nghệ cao, làm thay đổi tác động chuỗi sản phẩm, nhưng hàng thiết yếu sẽ có lợi thế. Theo đó, chính sách ứng phó cần chú trọng việc điều chỉnh tỉ giá ổn định đảm bảo hàng xuất khẩu có mức giá ổn định, cạnh tranh.
Hai là cố gắng tìm cách đạt được các hiệp định thương mại tự do (FTA) với thị trường lớn và quan trọng, còn với Mỹ muốn làm được phải chứng minh được các chính sách ưu đãi, cơ chế thị trường và cạnh tranh.
* Ông Lê Quốc Phương (nguyên giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công thương): Thận trọng đón dòng vốn từ Trung Quốc
Quan hệ thương mại Mỹ - Trung căng thẳng chắc chắn tác động đến Việt Nam vì chúng ta là nền kinh tế mở và phụ thuộc nhiều vào thương mại thế giới, nhu cầu thế giới. Có tác động bất lợi là các nước sẽ bảo hộ mạnh sau cuộc chiến Mỹ - Trung và Việt Nam xuất sang các nước khó khăn hơn.
Tuy nhiên, cũng có thuận lợi là khi Mỹ và Trung Quốc càng xảy ra căng thẳng thương mại thì Mỹ sẽ thiếu hụt một số hàng hóa nhất định, vì hiện nay nhập siêu của Mỹ với Trung Quốc lớn nhất.
Nhiều hàng hóa của Việt Nam xuất sang Mỹ cũng có nhiều điểm tương đồng với hàng Trung Quốc, nên Việt Nam có khả năng đáp ứng và nếu ta biết tận dụng cơ hội. Đồng thời, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc có thể chảy sang Việt Nam để tránh cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, Việt Nam cần thận trọng đánh giá kỹ lưỡng dòng vốn này nhằm thu hút được các dự án chất lượng cao.
NGỌC AN ghi
Chứng khoán thế giới, Việt Nam lao dốc
Kết thúc ngày giao dịch 6-5, chỉ số VN-Index suy giảm 16,17 điểm, sàn HoSE "bốc hơi" gần 3 tỉ USD trong thời điểm "sell in May" và thông tin Mỹ có thể tăng thuế nhập khẩu lên hàng Trung Quốc. Chỉ số VN-Index đã "đỏ sàn" suốt ngày giao dịch 6-5 và đóng cửa ở mức 957,97 điểm. Đây cũng là đợt suy giảm mạnh nhất của thị trường trong một tháng trở lại đây, khiến sàn HoSE bị "bốc hơi" gần 67.000 tỉ đồng, tương ứng gần 3 tỉ USD.
Dòng tweet của ông Trump cũng khiến thị trường thế giới chao đảo ngày 6-5. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ số tổng hợp Thượng Hải (Shanghai Composite Index) của Trung Quốc giảm hơn 5% trong ngày đầu tuần, trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 3%, theo CNN.
Tại Mỹ, chỉ số Dow của Mỹ giảm hơn 500 điểm, trong khi S&P 500 và Nasdaq giảm 2,1 - 2,3%. Châu Âu cũng không tránh khỏi khi chỉ số của khu vực, STOXX 600, giảm 1,2%, mức giảm mạnh nhất trong sáu tuần qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận