26/03/2007 05:09 GMT+7

Người "xây" bảo tàng tuổi trẻ (Kỳ 1): Tìm lại ngày đầu

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG - ĐỨC BÌNH
NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG - ĐỨC BÌNH

TT - Văn Tùng là tác giả và cũng chính là nhân vật trong quyển tự truyện Đội thiếu niên du kích thành Huế từng làm say mê hàng vạn bạn đọc nhỏ tuổi VN.

onFrCiFE.jpgPhóng to
TT - Văn Tùng là tác giả và cũng chính là nhân vật trong quyển tự truyện Đội thiếu niên du kích thành Huế từng làm say mê hàng vạn bạn đọc nhỏ tuổi VN.

Cột mốc 26-3

Văn Tùng là một trong những nhân chứng hiếm hoi còn lại của việc xác định ngày thành lập Đoàn với cột mốc 26-3. Trong ngôi nhà nhỏ ở khu tập thể Thành Công (Hà Nội), Văn Tùng nhớ lại: “Cho tới trước tháng 3-1961, ngày 20-4 vẫn được xem là ngày thành lập Đoàn bởi nó gắn với sự kiện thành lập Đoàn thanh niên cứu quốc năm 1941. Sự kiện này làm anh Nguyễn Lam (sau trở thành bí thư Trung ương Đoàn nhân Đại hội Đoàn toàn quốc lần 2 năm 1956) trăn trở nhiều. Tôi nhớ anh Lam cứ nhắc đi nhắc lại: “Tôi thấy chưa ổn lắm, nếu chọn ngày thành lập Đoàn thanh niên cứu quốc là một cột mốc cho việc thành lập Đoàn thì cả những giai đoạn trước đây của tổ chức Đoàn như Đoàn thanh niên phản đế, Đoàn thanh niên dân chủ, Đoàn thanh niên cộng sản... có thuộc về tổ chức Đoàn hay không? Như tôi, một thanh niên tham gia đoàn thanh niên phản đế ngày xưa thì có được mặc nhiên xem là thành phần của Đoàn ngày hôm nay?”. Văn Tùng hiểu anh Lam trăn trở chuyện này bởi anh ngày trước vốn là thành viên của Đoàn thanh niên phản đế bị thực dân Pháp bắt giam trong nhà tù Hỏa Lò cùng với nhiều đồng chí cán bộ Đoàn khác. Chỉ với một con dao kanit và một viên ngói âm dương bẻ đôi, anh Lam cùng một bạn tù đã đào một đường hầm xuyên từ Hỏa Lò ra cống ngầm và thoát được để tiếp tục tham gia tổ chức Đoàn với một cái tên mới: Đoàn thanh niên cứu quốc.

Văn Tùng đã bàn với anh Lam hay là thử nghiên cứu lại lịch sử để chọn một thời điểm chính xác nhất cho việc thành lập đoàn? Một năm sau Đại hội Đoàn toàn quốc lần 2, nhóm nghiên cứu lịch sử Đoàn được thành lập. Phụ trách nhóm bấy giờ là anh Lam và tiêu chí để lựa chọn vào nhóm là những trí thức giỏi tiếng Pháp, có thể đọc mọi tài liệu liên quan bằng tiếng Pháp của mật thám Pháp để lại. Đầu tiên nhóm có ba người: Nguyễn Lam, Văn Tùng và Nguyễn Thừa Lương (chánh văn phòng Trung ương Đoàn). Đến năm 1959, ban nghiên cứu lịch sử Đoàn chính thức được thành lập với hai thanh viên bổ sung là Lê Quân và Nguyễn Gia Hoán (báo Tiền Phong).

Ông Văn Tùng nhớ rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất ban nghiên cứu lịch sử được giao là phải xác định được cột mốc chính xác nhất của sự kiện thành lập Đoàn. Liệu có nên lấy ngày 20-4? Nếu lấy ngày 20-4 thì các cứ liệu lịch sử về sự kiện này có chính xác hay chưa? Nhóm nghiên cứu phải lặn lội lên tận Cao Bằng, Việt Bắc. Đó là thời kỳ mà những người làm sử Đoàn phải tìm cách liên hệ sang tận Nga, Trung Quốc để truy tìm từng cứ liệu lịch sử. Họ phải đọc hàng ngàn trang tư liệu bằng tiếng Pháp, tranh luận với nhau “nảy lửa” về những phương án đề ra.

“Thế mới là dân chủ”

SLMQab68.jpgPhóng to
Các tư liệu do mế của Kim Đồng tặng Văn Tùng được chuyển Trung ương Đoàn làm tư liệu lịch sử
“Chúng ta phải chủ động giải quyết việc của thế hệ mình” - Nguyễn Lam chốt lại khi quyết định kết thúc những tranh luận trong suốt sáu tháng trong năm 1960. Có quá nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí có những phản bác ngay từ ban đầu khi có ý kiến rằng: “Ngày 20-4 đã được nghị quyết Trung ương Đảng qui định rồi, không nên thay đổi”. Có rất nhiều phương án đưa ra, sau cùng có bảy phương án được chọn đưa ra bàn thảo lần cuối. Trong bảy phương án, người ta thấy có phương án cuối là đơn giản nhất: Bác Hồ là người sáng lập ra Đoàn, cứ đến hỏi Bác, Bác bảo ngày nào thì lấy ngày đó làm ngày kỷ niệm. Đến đây thì Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Lam đứng bật dậy nói trong sự cả quyết: “Đúng, Bác Hồ là người sáng lập và rèn luyện nên tổ chức Đoàn, nhưng chúng ta phải có chủ kiến. Chúng ta phải trình bày với Bác cơ sở khách quan lịch sử. Khi gặp Bác, nếu chúng ta không chuẩn bị những cứ liệu lịch sử để trình bày chủ kiến của mình sẽ là hành động vô trách nhiệm với thanh niên!”.

Theo ông Văn Tùng, vào tháng 2-1961 Ban bí thư Trung ương Đoàn đến gặp và xin ý kiến của Bác Hồ. Bác bảo: “Bác hoan nghênh các cháu đã tìm tòi và có lý lẽ tốt. Bây giờ hỏi ý kiến Bác, Bác sẽ có ý kiến. Nhưng các cháu phải báo cáo với Đại hội Đoàn toàn quốc lần 3 để đại hội bàn rồi cho ý kiến, như thế mới là dân chủ”. Trong các phương án, Bác nói phương án chọn ngày 20-4 là chưa đúng bởi nói đến chuyện thành lập Đoàn phải ngược về năm 1925, khi Bác chọn lựa và đưa tám thiếu niên yêu nước từ Thái Lan sang Quảng Châu để kết nạp vào Thanh niên cách mạng đồng chí hội, đào tạo thành những cán bộ Đoàn thuộc lứa đầu tiên, chuẩn bị cho mọi phong trào cách mạng.

Tháng 3-1961, Đại hội Đoàn toàn quốc lần 3 đã quyết định lấy ngày 26-3-1931 (một ngày trong thời gian cuối của Hội nghị Trung ương Đảng lần 2 bàn bạc và quyết định những vấn đề rất quan trọng đối với công tác thanh niên) làm ngày thành lập Đoàn. Mọi quyết định đã thực hiện trên tinh thần dân chủ và chủ động hoàn toàn của những người trẻ tuổi đầy trách nhiệm thời ấy.

Từ món quà vô giá

RGxekTq0.jpgPhóng to
Ông Văn Tùng - chủ nhân của hơn 10.000 hiện vật liên quan đến lịch sử Đoàn - Ảnh: Đức Bình

Một buổi sáng của mùa đông năm 1959, trong ngôi nhà sàn của mế Hồ của anh Kim Đồng ở Nà Mạ, Hà Quảng (Cao Bằng), Văn Tùng co ro vì rét mướt, mế chỉ vào cái bếp lửa giữa nhà còn nghi ngút khói, bảo anh đợi tí rồi chốc sau bà lọ dọ mang ra một gói nhỏ. Về đến cơ quan, Văn Tùng mở gói quà ra xem rồi thốt lên: “Món quà vô giá!”. Bởi đó là thứ mà anh cất công đi tìm bao lâu rồi vẫn chưa thấy được: cương lĩnh, chương trình hành động, điều lệ Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc..., mọi thứ còn nguyên vẹn như ngày anh Kim Đồng và bè bạn được đưa vào hang đá kết nạp đội. Văn Tùng lại quảy balô ngược lên “thủ đô gió ngàn” Việt Bắc để tìm Lê Quảng Ba, người gánh hành lý đưa Bác Hồ về nước ngày xưa, lúc đó đang ở Việt Bắc... Từ đó, câu chuyện tuôn như suối kể về những ngày tháng ông đưa Hồ Chủ tịch về nước ra sao, những tư liệu lịch sử được viết tay, in ấn ra sao trong hang Pắc Bó.

Không hề có bản thứ hai, từ đó Văn Tùng bắt đầu quá trình giữ gìn tư liệu quí hiếm. Đã bao nhiêu lần phải dời cơ quan, bao nhiêu lần đội bom, sơ tán..., lúc nào Văn Tùng cũng mang theo những tư liệu quí ấy bên mình. Đến gần nửa thế kỷ sau, đúng vào ngày 26-3-2004, Văn Tùng đã chuyển toàn bộ số tư liệu “xương máu” này cho Trung ương Đoàn, đó chỉ là một phần nhỏ của hơn 10.000 hiện vật mà ông hiến tặng Trung ương Đoàn.

Văn Tùng sinh năm 1932 tại Huế, tên thật là Lê Nhật Huy. Ông tham gia hoạt động trong Đội du kích thiếu niên, học sinh kháng chiến... từ năm 1942-1954 ở Huế, có hơn 50 năm làm công tác Đoàn. Đến nay, ông là tác giả của 45 quyển sách xuất bản, trong đó là tác giả của bộ năm cuốn Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên dày 950 trang; là chủ biên của bộ sách về lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên VN, Hội Học sinh - sinh viên VN, lực lượng thanh niên xung phong... với trên 4.000 trang in.

--------------------------------------

Bảo tàng sẽ là cánh cửa rộng cho mọi thế hệ tuổi trẻ VN sau này soi mình vào để không hổ thẹn với cha anh và đều thấy mình trong đó. Chủ trương như vậy, Văn Tùng cùng những thủ lĩnh thanh niên ngày ấy tìm tòi thành lập Bảo tàng Tuổi trẻ VN.

Kỳ tới:Quyết tâm của thủ lĩnh

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên