09/01/2023 08:48 GMT+7

Người trẻ nặng lòng với cổ phục

Tối 8-1, 15 bộ cổ phục do nhà thiết kế Nguyễn Văn Hiệu cùng các cộng sự nghiên cứu và thiết kế lần đầu tiên ra mắt công chúng tại Hà Nội. Đặc biệt, đội ngũ làm việc là tập hợp những bạn trẻ có niềm đam mê với cổ phục Việt.

Người trẻ nặng lòng với cổ phục - Ảnh 1.

15 bộ cổ phục do Nguyễn Văn Hiệu cùng các cộng sự nghiên cứu và thiết kế được trình diễn trong chương trình Kế Vãng Khai Lai tại Hà Nội tối 8-1 - Ảnh: MAI THƯƠNG

Mãn nhãn với cổ phục Việt

Tối 8-1, 15 mẫu cổ phục mang tên "Kí Mộng" lần đầu tiên được ra mắt công chúng. Đây là một trong ba bộ sưu tập được trình diễn tại Kế Vãng Khai Lai do Vạn Thiên Y tổ chức. 

Kế Vãng Khai Lai là chương trình nghệ thuật liên ngành với mục đích kế thừa những tinh hoa văn hóa trong mỹ thuật cổ, đưa người xem trở lại gần hơn với quá khứ hùng tráng bằng các bộ sưu tập kết hợp giữa cổ phục và những bộ trang phục hiện đại ứng dụng tinh thần mỹ thuật cổ. 

Lấy cảm hứng dựa trên các nguồn hiện vật và tư liệu còn sót lại về trang phục cổ, "Kí Mộng" tập hợp những bộ trang phục mang đậm dấu ấn văn hóa của ba thời kỳ: nhà Mạc, nhà Lê Trung Hưng và nhà Nguyễn. 

Bên cạnh đó, buổi trình diễn cũng trưng bày các bộ trang phục được sử dụng trong Phượng Khấu - phim truyền hình cổ trang cung đấu đầu tiên của Việt Nam. 

Đây là những bộ cổ phục được nghiên cứu và thiết kế, sản xuất hết sức chỉn chu, nhằm tái hiện những nét vàng son nhung gấm của thời vua Thiệu Trị và cuộc sống của Từ Dụ Hoàng thái hậu. 

Người trẻ nặng lòng với cổ phục - Ảnh 2.

Công chúng được mãn nhãn với các bộ trang phục mang đậm dấu ấn văn hóa Việt - Ảnh: QUỲNH NHƯ

Người trẻ nặng lòng với cổ phục - Ảnh 3.

Chủ yếu, các bộ trang phục cổ trong bộ sưu tập này được nghiên cứu, lấy cảm hứng từ cổ phục thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII) - Ảnh: QUỲNH NHƯ

Người trẻ nặng lòng với cổ phục - Ảnh 4.

Theo đó, bộ cổ phục tái hiện trang phục của Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ (chùa Bút Tháp) cũng nằm trong thời kỳ này - Ảnh: MAI THƯƠNG

Người trẻ nặng lòng với cổ phục - Ảnh 5.

Cổ phục triều Nguyễn - Ảnh: MAI THƯƠNG

Người trẻ nặng lòng với cổ phục - Ảnh 6.

Bên cạnh việc chú trọng chất liệu, các hoa văn cổ cũng được nghiên cứu và tận dụng trong các thiết kế cổ phục - Ảnh: QUỲNH NHƯ

Người trẻ nặng lòng với cổ phục - Ảnh 7.

Buổi trình diễn đã sử dụng những phương thức nghệ thuật khác nhau như múa thể nghiệm, múa bóng đương đại... để tôn lên các bộ sưu tập thời trang cổ phục - Ảnh: MAI THƯƠNG

Người trẻ nặng lòng với cổ phục - Ảnh 8.

Bên cạnh đó, buổi trình diễn cũng trưng bày các bộ cổ phục đã được sử dụng trong phim Phượng Khấu - Ảnh: QUỲNH NHƯ

"Cổ phục là lời nguyền"

Có thể thấy thời gian gần đây, cổ phục Việt đang dần tìm được vị thế trong lòng các bạn trẻ khi xuất hiện dày đặc hơn trong các dịp lễ Tết. 

Nhiều dự án được những người trẻ tận tâm thực hiện một cách chỉn chu để đưa những nét đẹp văn hóa đến gần hơn với mọi người trong đời sống thường nhật. 

Chia sẻ về tâm huyết thực hiện bộ sưu tập lần này, anh Nguyễn Văn Hiệu - trưởng bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm Vạn Thiên Y - cho biết bản thân mình và các cộng sự đã mất 5, 6 năm để có thể nghiên cứu, trực tiếp trải nghiệm và cho ra đời những bộ cổ phục hết sức tâm huyết này. 

Theo đó, tâm sự về quan điểm theo đuổi cổ phục, anh Hiệu cho biết với anh và các cộng sự, yếu tố lịch sử luôn phải đặt lên đầu. 

Quá trình nghiên cứu phải có thực chứng, và các sản phẩm cuối cùng phải luôn bám với tư liệu gốc sát nhất có thể. 

"Một trong những cổ phục trong bộ sưu tập được lấy tư liệu nguyên mẫu từ vải dệt được phát hiện trong lăng mộ của quan Đại tư đồ Nguyễn Bá Khanh (Khoái Châu, Hưng Yên) năm 1982, hiện đang được lưu trữ tại Hưng Yên. 

Chúng tôi đã phải thực sự tiếp cận với các đồ tùy táng, gỡ từng lớp áo của tiền nhân đã khuất để đo đạc, nghiên cứu mẫu vải đó để đem may nên những bộ cổ phục này" - anh Nguyễn Văn Hiệu chia sẻ. 

Đồng thời, anh cũng chia sẻ với Tuổi Trẻ Online những nặng lòng của mình với cổ phục Việt: "Với tôi, cổ phục là cái nghiệp, chạy không thoát, mà bỏ không được. Giống như các cụ đã chọn chúng tôi để tiếp nối và phát triển những giá trị văn hóa của cổ phục". 

Người trẻ nặng lòng với cổ phục - Ảnh 9.

Trong chương trình Kế Vãng Khai Lai, không chỉ có cổ phục mà những bộ trang phục hiện đại lấy cảm hứng, phát triển từ các giá trị văn hóa xưa cũng được ra mắt công chúng - Ảnh: QUỲNH NHƯ

‘Các cụ đã chọn mình theo ngành cổ phục’‘Các cụ đã chọn mình theo ngành cổ phục’

TTO - Đó là câu trả lời hóm hỉnh nhưng cũng rất lý thú của cô gái sinh năm 2000 Nguyễn Thị Quỳnh Nga (Hà Nội) khi được hỏi tại sao lại lựa chọn nghiên cứu và phục dựng cổ phục Việt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên