22/01/2024 10:50 GMT+7

Người trẻ châu Á chi bạo trên các sàn đấu giá, họ mua gì?

Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều khách hàng trẻ tham gia các buổi đấu giá tác phẩm nghệ thuật trên thế giới. Trong đó, các nhà sưu tập trẻ châu Á là nhóm khách hàng có khả năng khuynh đảo việc kinh doanh của các sàn đấu giá danh tiếng.

Phiên đấu giá sản phẩm hội họa thế kỷ 20 và đương đại của sàn Phillips chi nhánh Hong Kong hồi tháng 3-2023 - Ảnh: Artnet

Phiên đấu giá sản phẩm hội họa thế kỷ 20 và đương đại của sàn Phillips chi nhánh Hong Kong hồi tháng 3-2023 - Ảnh: Artnet

Theo báo cáo hoạt động kinh doanh của các công ty đấu giá hàng đầu thế giới, nhóm các nhà sưu tập trẻ chiếm đến 34% trong số khách hàng của sàn Christie's, gần 40% của sàn Sotheby's và khoảng 1/3 số người mua hàng của sàn Phillips trong năm 2022.

Khẳng định vị thế mới

Những con số trên cho thấy sự hiện diện rõ rệt của giới trẻ trong một thị trường hàng hóa xa xỉ vốn chỉ dành cho người có thu nhập cao. Xu hướng trên vẫn được duy trì trong năm 2023, với báo cáo kinh doanh của Sotheby's cho thấy hoạt động đấu giá của nhóm người trẻ trong nửa đầu năm tăng trưởng 30%, bỏ xa con số chỉ 6% cùng kỳ năm 2018.

Sự góp mặt của khách hàng trẻ có thể thấy rõ nhất tại châu Á - Thái Bình Dương (APAC). Theo người phát ngôn của sàn đấu giá Christie's, trong nửa đầu năm 2023, nhóm khách thuộc thế hệ Y (sinh từ năm 1981 - 1996) chiếm gần 40% lượng khách tại khu vực này. Trong khi đó, nhóm khách trên chỉ chiếm khoảng 20% số người mua tại các thị trường châu Mỹ, châu Âu và Trung Đông.

Vị này khẳng định: "Châu Á là động lực chủ chốt cho xu hướng người trẻ mua hàng tại Christie's trên toàn cầu". Trong năm 2022, châu Á đóng góp đến 62% số người thuộc thế hệ Y tham gia mua bán ở sàn này trên toàn cầu, theo tạp chí Singapore Business Review.

Không chỉ đông đảo, nhóm khách hàng trẻ châu Á còn rất mạnh tay trong chi tiêu. Chủ tịch khu vực châu Á của sàn đấu giá Phillips, ông Jonathan Crockett, cho biết các nhà sưu tập trẻ ở đây đang chi hàng triệu USD cho các tác phẩm nghệ thuật.

Ông nói: "Những người trong độ 20 - 40 tuổi ở phương Tây thường gia nhập thị trường nghệ thuật với các tác phẩm có giá từ 1.000 - 20.000 USD. Tuy nhiên, thị trường châu Á luôn làm tôi kinh ngạc khi hầu như mọi phiên đấu giá đều có những người tham gia lần đầu chi hàng triệu USD". Thậm chí, có trường hợp bỏ ra đến 10 triệu USD để mua tác phẩm nghệ thuật đầu tiên, theo ông Crockett.

Họ mua gì?

Theo Đài CNBC (Mỹ), gu thưởng thức nghệ thuật của khách hàng trẻ có nhiều khác biệt với nhóm lớn tuổi. Trong năm 2022, nhóm khách thế hệ Y chủ yếu chi tiền cho tác phẩm điêu khắc, nhiếp ảnh hoặc phim. Trong khi đó, nhóm khách thế hệ Z (sinh từ năm 1997 đến đầu những năm 2010) ưa thích hội họa số.

"Các nhà sưu tập thế hệ Y bị thu hút bởi các tác phẩm tượng hình. Những người trẻ cũng quan tâm tranh phong cảnh siêu thực mô tả các không gian mang giá trị tinh thần", giám đốc mảng buôn bán tại triển lãm hội họa trực tuyến Saatchi Art cho biết.

Ngoài ra, chia sẻ với tạp chí Business Standard, giám đốc điều hành (CEO) sàn đấu giá trực tuyến AstaGuru Tushar Sethi cho biết các tác phẩm đương đại là một trong những mảng được giới trẻ ưa chuộng.

Về nguồn gốc tác phẩm, có đến 64% nhóm khách hàng từ 18 - 36 tuổi cảm thấy cần có sản phẩm của những tác giả mới nổi trong bộ sưu tập của mình, trong khi tỉ lệ này ở nhóm khách hàng lớn tuổi chỉ là 43%.

Ở chiều ngược lại, nếu các nhà sưu tập lão làng yêu thích việc sở hữu tác phẩm từ những tên tuổi lớn thì chỉ 11% nhà sưu tập trẻ cho đó là ưu tiên, theo báo cáo phân tích thị hiếu nhà sưu tập năm 2023 của Công ty môi giới nghệ thuật Artsy.

Một đặc trưng thú vị của nhóm khách hàng trẻ châu Á là sự quan tâm lớn đến các loại hình nghệ thuật truyền thống. Trong đó các tác phẩm tranh, tượng theo phong cách truyền thống Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đặc biệt được ưa chuộng. Đại diện sàn Christie's nhận định: "Điều này phản ánh khao khát kết nối với cội nguồn và văn hóa của họ".

Một trong những tác nhân lớn nhất thúc đẩy "làn sóng xanh" trên các sàn đấu giá là chỗ đứng ngày càng vững chắc của thế hệ Y và Z trên thị trường việc làm. Thu nhập ổn định và tổng giá trị tài sản cao hơn tạo điều kiện cho họ tiếp cận ngành hàng xa xỉ. Ngoài ra, nhóm dân số này nhìn chung có sự quan tâm và nhu cầu thấu hiểu các giá trị tinh thần cao hơn thế hệ trước.

Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế những năm gần đây ở các nước châu Á, dù bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, cũng là một động lực đáng kể. Sự tồn tại và phát triển của các sàn đấu giá trực tuyến cũng góp phần không nhỏ thu hút khách hàng trẻ.

Theo ông Sethi, các nền tảng số mang đến khả năng tiếp cận cao chưa từng thấy. Thông qua giao diện thân thiện và thông tin tác phẩm được công khai minh bạch, các sàn này đã gỡ bỏ nhiều rào cản với những người mới bước chân vào thị trường đấu giá đặc thù.

Lực đẩy từ công nghệ

Tính tiện dụng và linh hoạt của không gian số cũng giúp các sàn đấu giá có thể chào bán tác phẩm đa dạng thể loại, giá cả và đáp ứng nhiều gu thưởng thức hơn. Cùng với sự thành thạo và thoải mái về công nghệ của thế hệ trẻ, những điểm mạnh trên góp phần không nhỏ thu hút nhóm này gia nhập thị trường đấu giá nghệ thuật.

Thực tế cho thấy trong nửa đầu năm 2023 có đến 80% số phiên đấu giá của sàn Christie's được tổ chức trực tuyến so với chỉ 45% của năm 2019. Để phát huy thế mạnh này, các sàn đấu giá lớn đang lên kế hoạch tăng cường đầu tư vào không gian số để thu hút người trẻ tham gia trong vài năm tới.

Người trẻ châu Á chi bạo trên các sàn đấu giá, họ mua gì?- Ảnh 2.'Chiến tranh và hòa bình' với người Nga trẻ

Cuộc sống êm ấm và hòa bình mấy chục năm nay đã làm cho thanh niên Nga không còn hăng say, nhụt chí và ngại ra trận?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên