09/08/2015 07:53 GMT+7

Người nội trợ nghĩ cách đối phó với thịt bẩn

MAI HOA - MINH HUYỀN - CA DAO thực hiện
MAI HOA - MINH HUYỀN - CA DAO thực hiện

TT - Tuổi Trẻ khảo sát hơn 20 người dân ở TP.HCM và nhận được nhiều chia sẻ, hiến kế từ góc độ người đi chợ.

Theo kết quả khảo sát, một gia đình có bốn người trung bình tiêu thụ gần 1kg thịt heo mỗi ngày, thậm chí có nhiều gia đình coi thịt là thức ăn chính vì không ăn được hải sản.

Chị Đinh Thị Minh Nguyệt - Ảnh: Minh Huyền

* Chị Nguyễn Hồng Khanh (P.15, Q.10, từng bán thịt heo những năm 1980): “Giờ thấy thịt thà ghê quá. Cách đối phó của tôi là rửa thịt với nước muối, đun nước đầu rồi đổ đi, vớt bọt liên tục”.

* Chị Đinh Thị Minh Nguyệt (Q.10): “Sau khi nghe những thông tin về thịt bẩn, khi xách giỏ đi chợ tự nhiên có cảm giác hoài nghi tất cả, thấy cái gì cũng sợ. Chúng tôi muốn có một loại thuốc thử (giấy quỳ, dung dịch, máy đo hàm lượng...) cầm tay mang theo đi chợ, có thể thử tại chỗ mua.

Chỉ cần vài người, vài chợ, vài công ty hay lò mổ bị phát hiện lập tức các chỗ bán khác sẽ không dám cho chất độc hại vào thực phẩm. Có vậy chúng ta mới triệt tận gốc được”.

* Chị Trần Thị Hoa (Q.Gò Vấp): “Đọc báo thấy những thông tin về các trại heo sử dụng chất tạo nạc, lò mổ tiêm thuốc an thần cho heo thì sợ quá. Cho nên cách ứng phó của tôi là dần dần bỏ bớt thịt cá, cứ cách một ngày lại ăn chay, dùng thực phẩm chức năng thay cho một bữa ăn trong ngày.

Tôi đề xuất nếu đã xử phạt thì phải làm thật nghiêm, thật chặt chẽ và phải làm thế nào cho người mua bán, sử dụng chất cấm hiểu được việc họ đang làm cũng có thể gây hại cho chính người thân của mình.

Vì con cái họ đang ăn cơm ở trường học, người thân họ ăn suất ăn công nghiệp ở công ty... Đặc biệt, công tác kiểm tra luôn phải thường xuyên và bất ngờ”.

Chị Mai Lan - Ảnh: M.Hoa

* Chị Mai Lan (Q.Thủ Đức): “Người nuôi heo cũng là nông dân, nhiều khi họ bị thương lái ép phải cho ăn, không thì không mua heo. Nói họ không hiểu biết gì thì không đúng, nhưng rõ ràng là họ hiểu biết không đầy đủ.

Không nên bỏ tù họ, mà phải làm sao đưa họ vào trong hợp tác xã hay một tổ chức nào đó, làm ăn cho đàng hoàng.

Trong tổ chức đó, mấy người không đàng hoàng thì bị tẩy chay, mấy ông thương lái không đàng hoàng cũng nghỉ chơi luôn. Vậy mới ổn, chứ bắt bỏ tù người này, người khác lại lén cho ăn”.

* Ông ĐỖ NGỌC CHÍNH (phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng - Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam):

Cần xử phạt nặng

Theo nguyên tắc, khi người tiêu dùng muốn đòi quyền lợi liên quan đến chất lượng sản phẩm mình mua thì thường đến hội bảo vệ người tiêu dùng quận huyện hoặc khiếu nại trực tiếp đến người bán hay cơ quan quản lý nhà nước.

Nhưng để xác định cho được thịt có chất tạo nạc hay không đối với người tiêu dùng là việc hết sức khó khăn bởi phải đưa mẫu đi xét nghiệm tại các đơn vị có chức năng.

Vấn đề làm sao công tác quản lý từ khâu buôn bán chất tạo nạc đến quy trình chăn nuôi, giết mổ đến thịt bày bán trên thị trường phải được kiểm soát một cách chặt chẽ. Để làm được việc này, công tác thanh tra, kiểm tra phải làm thường xuyên và phải xử lý thật nặng.

* Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC (Đoàn luật sư Hà Nội):

Bộ luật hình sự cần có thêm tội sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Đáng tiếc là hành vi sử dụng chất cấm, độc hại trong chăn nuôi, “đầu độc”, gây nguy hiểm rất lớn cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng của nhiều người, nhưng lại chưa thể xử phạt về hình sự vì chưa được quy định là tội phạm trong Bộ luật hình sự hiện hành.

Điều này càng bất hợp lý nếu như so sánh với một số hành vi tương tự nhưng lại là tội phạm. 

Chẳng hạn như sản xuất, kinh doanh thức ăn gia súc thuộc danh mục bị cấm hay là hàng giả nhãn hiệu, chất lượng… thì có thể phạm vào “tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm” (điều 155) hay “tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi” (điều 158).

Thậm chí nếu người nào chế biến, kinh doanh thực phẩm mà biết rõ là được chăn nuôi bằng thức ăn không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng thì cũng có thể phạm vào “tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” (điều 244).

Vì vậy, cần thiết phải bổ sung một tội phạm mới vào Bộ luật hình sự đang được sửa đổi, bổ sung, đối với hành vi sử dụng sản phẩm độc hại, bị cấm vào hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, với một mức hình phạt tương xứng.

QUANG KHẢI - HÀ CHÂU ghi

Trung Quốc xử tử hình người cho heo ăn chất tạo nạc

Nhật báo Kinh Tế Trung Quốc cảnh báo nạn dùng chất tạo nạc trong chăn nuôi heo ở Trung Quốc vẫn tràn lan dù Bộ Nông nghiệp nước này đã cấm sử dụng từ lâu.

Luật pháp Trung Quốc quy định hình phạt liên quan đến an toàn thực phẩm cao nhất là mức án tử hình. Tuy nhiên, nông dân Trung Quốc vẫn lén lút sử dụng chất tạo nạc clenbuterol và salbutamol trộn với thức ăn gia súc cho heo ăn.

Từ ngày 21-7-2015 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện Công ty sản xuất thực phẩm Đại Giang ở Thiên Tân và Công ty Lâm Thuận Hằng ở Bắc Kinh đã sản xuất thịt heo có chứa chất tạo nạc salbutamol.

Theo Tân Hoa xã, Chính phủ Trung Quốc đã tăng hình phạt đối với loại tội phạm an toàn thực phẩm lên mức tử hình từ khoảng năm năm trước nhưng vẫn không ngăn chặn được tình trạng này. 

Tháng 7-2011, Trung Quốc chấn động sau khi xảy ra bê bối thịt heo chứa chất tạo nạc clenbuterol do Công ty đầu tư và phát triển sản xuất thịt heo Song Hội ở Hà Nam sản xuất.

Đây là doanh nghiệp cung cấp thịt heo tươi và chế biến sẵn cho các cơ sở chế biến thực phẩm và nhà hàng trên toàn Trung Quốc. Có hơn 2.000 tấn thịt heo đã bị thu hồi sau khi nhà chức trách kiểm định và phát hiện thịt heo chứa chất tạo nạc clenbuterol.

Trong vụ này, tòa án tỉnh Hà Nam tuyên từ 9 tháng đến tử hình đối với năm bị cáo. Ngay sau đó là hàng loạt vụ tương tự đã được phát hiện. Đã có ít nhất một người chết và hơn 1.700 người mắc bệnh vì sử dụng thịt heo có chứa chất tạo nạc ở Trung Quốc.

Tại Thái Lan, Bộ Chăn nuôi đã mở cuộc điều tra các nông trại chăn nuôi heo trên toàn quốc sau khi nhận được đơn tố cáo một số nông trại ở tỉnh Chonburi sử dụng chất tạo nạc beta-agonist cho heo ăn.

Báo Bangkok Post cho biết dù Chính phủ Thái Lan cấm sử dụng chất này trong chăn nuôi nhưng nhiều công ty đã buôn lậu hoạt chất trên và bán cho các trang trại nuôi heo trên cả nước.

Bộ trưởng Chăn nuôi lúc bấy giờ là Preecha Somboonprasert nhấn mạnh Thái Lan quy định xử phạt 1 năm tù giam và phạt 10.000 baht đối với những người sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi heo.

MỸ LOAN

 

MAI HOA - MINH HUYỀN - CA DAO thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên