Người dân Nhật dùng điện thoại chụp tấm biển ghi tên triều đại mới của Hoàng gia Nhật Bản trước cửa hàng tạp hóa Wako, quận Ginza, thủ đô Tokyo ngày 1-4 - Ảnh: KYODO
Theo báo Wall Street Journal, chính phủ Nhật Bản đã lấy hai chữ "Lệnh Hòa" từ một bài thơ ngót 1.300 năm tuổi, một trong những bài thơ ra đời sớm nhất được viết bằng tiếng Nhật trong tập thơ cổ Vạn diệp tập (万葉集) làm niên hiệu mới của triều đại tân Hoàng đế Naruhito bắt đầu từ 1-5.
Chính phủ Nhật Bản công bố niên hiệu mới của vương triều trong bối cảnh người dân trong nước vẫn còn bàn tán, dự đoán về cái tên này. Bởi thế, tất cả các kênh truyền hình lớn tại Nhật đều đã hủy bỏ những chương trình thông thường để đưa tin về niên hiệu mới. Rất đông người dân Nhật đã tụ tập tại các khu vực mua sắm để chia sẻ với nhau tin tức đặc biệt này.
Người dân theo dõi màn hình TV đang phát bản tin về việc công bố tên vương triều mới - Ảnh: AP
"Lệnh Hòa" - niên hiệu gợi sự bình yên
Mạng xã hội Twitter tại Nhật Bản trong ngày 1-4 đã tràn ngập hình ảnh cũng như mã chủ đề về niên hiệu mới của vương triều Nhật Bản: Lệnh Hòa, tên triều đại sẽ bắt đầu từ ngày 1-5.
Theo báo Japan Times, các từ khóa và mã chủ đề (hashtag) liên quan tới sự kiện này đã chiếm hầu hết các vị trí xu hướng dẫn đầu trên mạng xã hội.
"Tôi đã rất hồi hộp với niên hiệu mới. Trong đám đông này, bạn có thể cảm nhận thấy sự căng thẳng đó", cô bé Sana Miyake, 15 tuổi, đã cùng một người bạn tới khu phố mua sắm tại quận Shibuya ở Tokyo để cùng rất nhiều khác theo dõi thông tin về sự kiện này trên các màn hình lớn.
"Cái tên mới có cảm giác yên bình và tươi mới", cô bé nhận xét.
Người dân theo dõi màn hình TV đang phát bản tin Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga, công bố tên vương triều mới - Ảnh: AP
Niên hiệu "Lệnh Hòa" gồm 2 ký tự được rút ra từ một bài thơ trong tập Manyoshu, một tập thơ cổ thuộc nhóm những văn bản tiếng Nhật đầu tiên. Bài thơ được viết năm 730 sau công nguyên.
Chữ "Lệnh" mô tả về tháng trong khi "Hòa" nhắc tới làn gió xuân mềm mại, dịu dàng. "Hòa" còn có nghĩa hòa bình hay Nhật Bản trong những ngữ cảnh khác.
Tại Nhật Bản, chính phủ và nhiều người dân trong cuộc sống hàng ngày vẫn sử dụng số năm trong triều đại của hoàng đế đương thời để thay cho cách tính năm của lịch phương Tây. Mỗi vương triều đều có tên riêng, chẳng hạn, năm 2019 là năm Heisei 31, năm 31 đời Bình Thành, hay năm thứ 31 kể từ khi Nhật hoàng Akihito lên ngôi.
Nhưng kể từ ngày 1-5 tới, khi thái tử Naruhito chính thức lên ngôi, năm 2019 cũng sẽ trở thành năm Lệnh Hòa nguyên niên, tức là năm đầu tiên của triều đại Lệnh Hòa.
Bài thơ trong Vạn diệp tập mà hai chữ "Lệnh Hòa" đã được lấy làm niên hiệu mới cho triều đại bắt đầu từ 1-5 tới tại Nhật Bản - Ảnh: NYT
Kỳ vọng đổi mới
Anh Isao Nakayama, 44 tuổi, mang theo 3 đứa con, tới khu Shibuya và họ cùng nắm tay nhau khi khoảnh khắc quan trọng công bố niên hiệu mới diễn ra.
"Trước tiên, khi một triều đại thay đổi, có một cảm giác rất lạ. Nó cũng giống như với triều Bình Thành. Nhưng bạn đã quen với điều đó", anh Nakayama giải thích. "Đây là một cái tên mới tuyệt vời. Với Nhật Bản, triều đại Bình Thành đầy những thảm họa. Cái tên này mang tới một cảm giác bình yên mới mẻ".
Một nhân viên bán hàng viết hai chữ "Lệnh Hòa" lên một tấm biển ở Tokyo - Ảnh: AP
Được rút ra từ một tập thơ cổ, cái tên mới cho thấy tinh thần vừa gắn bó với truyền thống, nhưng cũng vừa muốn đảo ngược nó của chính quyền ông Shinzo Abe. Những niên hiệu của các vương triều trước đây của Nhật Bản trong hơn 1.300 năm qua đều được rút từ sách vở kinh điển Trung Quốc mà không phải của người Nhật.
Và nay, lần đầu tiên hai chữ được rút ra từ một văn bản cổ viết bằng tiếng Nhật được chọn làm tên vương triều mới. Với nhiều người dân Nhật Bản, lựa chọn này còn là một biểu hiện của lòng tự tôn dân tộc và chủ nghĩa yêu nước.
Tờ WSJ bình luận, việc chính phủ Nhật Bản quyết định chọn niên hiệu mới không phải từ kinh điển Trung Quốc cũng là một đặc trưng trong cá tính của Thủ tướng Shinzo abe, một chính trị gia lãnh đạo đảng bảo thủ cầm quyền của Nhật, nhưng thường xuyên có những cắt đứt với những điều trong quá khứ thông qua các chính sách, mà gần đây nhất là việc mở cửa rộng hơn cho lao động nhập cư.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga, công bố tên vương triều mới - Ảnh: AP
Theo các thư tịch cổ, hệ thống tên vương triều tại Nhật được áp dụng từ năm 645 sau công nguyên.
Niên hiệu không có một ý nghĩa duy nhất nào, tuy nhiên hai chữ Heisei (Bình Thành) nói tới việc đạt được nền hòa bình phổ quát, trong khi chữ Showa (Chiêu Hòa), niên hiệu thời cố hoàng đế Hirohito, cũng có chữ "wa" (hòa) như trong chữ Reiwa (Lệnh Hòa) vừa được công bố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận