Những người biểu tình Hong Kong đeo bám phản đối du khách Trung Quốc ngay tại các xe chở đoàn - Ảnh: SCMP
Theo tờ South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong, tình hình này đã dai dẳng nhiều ngày qua, kể từ khi cây cầu vượt biển nối Hong Kong - Chu Hải - Macau đi vào hoạt động hồi tháng 10-2018.
Ngày 3-2, một nhóm các nhà hoạt động Hong Kong đã biểu tình tại thị trấn Tuen Mun ở phía tây Hong Kong. Từ biên giới Thâm Quyến đến Tuen Mun chỉ mất 20 phút lái xe và lúc này đúng vào thời điểm người Trung Quốc đổ sang Hong Kong mua sắm.
Các nhà hoạt động giương cao biểu ngữ, yêu cầu khách Trung Quốc đại lục hãy đi mua sắm và đón năm mới ở quê nhà.
"Xin đừng đến Hong Kong nữa. Hãy trở về nhà và đấu tranh vì an toàn lực phẩm và giảm thuế nhập khẩu", một nhà hoạt động nói.
Chẳng là thông tin lâu nay cho rằng người dân Trung Quốc thích ra khỏi biên giới để mua hàng hóa các nước khác do không còn tin vào chất lượng sản phẩm trong nước. Cũng vì thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu cao nên họ chọn ra ngoài mua sắm vừa tiết kiệm tiền vừa có chuyến du lịch.
Sang Hong Kong là một lựa chọn của số đông người Trung Quốc, đặc biệt từ khi có cây cầu vượt biển tiện lợi.
Các nhà hoạt động của Hong Kong thể hiện sự bất bình trước xe chở đoàn khách Trung Quốc đại lục - Ảnh: SCMP
Năm ngoái, khách du lịch đến Hong Kong đạt 65,1 triệu lượt khách, trong đó 78% là người đến từ Trung Quốc đại lục. Điều đó có nghĩa mỗi ngày có khoảng 140.000 người từ Trung Quốc đại lục đổ vào Hong Kong.
Con số này chia cho 18 quận ở Hong Kong thì vẫn hơn 8.000 người/ngày. "Làm sao chúng ta kiếm đủ chỗ cho những người đó?", một nhà hoạt động nói.
Điều khiến cư dân Hong Kong nổi giận là làn sóng khách Trung Quốc đại lục đổ sang tấp nập, khiến đặc khu này trở nên chật chội, giá thuê nhà tăng vọt và giá cả hàng hóa cũng không chịu dừng.
"Họ tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng với cả cộng đồng dân cư", ông Yan Pui Lam, một người đã sống ở Tuen Mun 30 năm qua, phát biểu đầy bức xúc. "Chỉ có chủ nhà đất và một số hộ kinh doanh thu được lợi nhuận từ khách Trung Quốc đại lục. Những người khác như chúng tôi phải gánh chịu nhiều hậu quả".
Du khách Trung Quốc trong mắt người Hong Kong là những kẻ đi vơ vét hàng hóa với va-li kéo kè kè trên phố - Ảnh: SCMP
Cô Nancy Chan Nok-yan, nữ sinh viên Hong Kong 21 tuổi, giải thích thêm rằng làn sóng người Trung Quốc đại lục đổ xô sang vơ vét hàng hóa khiến cho người bản địa không còn đồ để mua cho mình.
Cô Janet Yeung, 16 tuổi, có sự bực dọc khác: "Họ là những du khách đi suốt ngày ngoài đường với va-li kéo. Họ kéo va-li cán cả lên chân bạn".
Rồi thì cô gái trẻ còn tố cáo thêm: "Ta chỉ mua một đến hai món đồ ở cửa hiệu và giờ thì phải chờ rất lâu bởi các du khách xếp hàng trước bạn mua rất nhiều đồ. Họ chen chúc hết ở các hàng quán ăn nhỏ tại địa phương này rồi họ cũng chiếm đầy các hiệu thuốc tây và hiệu mỹ phẩm".
Hình ảnh người Trung Quốc mua gom hàng hóa và bày ngay trên phố để xếp hàng vào thùng, va-li từng khiến người Hong Kong thấy chướng mắt - Ảnh: AFP
Các nhà hoạt động cũng kêu gọi chính quyền đặc khu Hong Kong giới hạn số khách du lịch đến từ Trung Quốc đại lục. Ví dụ như mỗi người Trung Quốc đại lục chỉ có thể sang mỗi năm Hong Kong 2 lần.
Những người biểu tình ở Tuen Mun đã tìm đến những điểm có đông khách đến từ Trung Quốc đại lục. "Người Hong Kong không đón chào người Trung Quốc", một khẩu hiệu viết.
Người Trung Quốc đại lục xếp hàng chờ xe buýt ở một điểm giáp ranh của Hong Kong. Từ khi cây cầu vượt biển khánh thành cho phép sang Hong Kong dễ dàng, số người Trung Quốc tăng vọt - Ảnh: SCMP
Hành động biểu tình với những khẩu hiệu mạnh mẽ cũng khiến du khách Trung Quốc đại lục thấy phật lòng bởi trong mắt họ Hong Kong là một phần của Trung Quốc và sự giao thương rất gắn kết.
Yu Jianwei, một du khách đi cùng gia đình từ Trung Quốc đại lục trả lời với báo SCMP rằng chính quyền cần tìm ra cách giải quyết, chứ không thể để cho người Hong Kong trút cơn thịnh nộ vô cớ lên du khách.
"Hãy nghĩ mà xem, nếu Hong Kong đóng cửa giao thương với Trung Quốc đại lục, họ sẽ đến chết đói. Lấy đâu ra nước và rau quả?", Yu lập luận.
Chưa biết sắp tới sẽ thế nào chứ còn trong những ngày này, cư dân Hong Kong giáp giới Trung Quốc đại lục sẽ còn gặp nhiều phiền toái dịp Tết Nguyên đán - mùa đi chơi và mua sắm của người dân đại lục.
Đáng kể hơn là cũng hôm 3-2, Sở Giao thông Hong Kong cho biết có chính sách miễn phí qua cầu Hong Kong - Chu Hải - Macau đối với các xe chở khách nhỏ từ 7 chỗ trở xuống, từ ngày 4 đến 10-2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận