Ngôi Trường THPT Thanh Khê những ngày mới xây dựng còn ngổn ngang đất cát - Ảnh: DUY THẢO
Đó là Trường THPT Thanh Khê nằm gần vịnh Đà Nẵng.
Nghị quyết... làm trường
Trường Thanh Khê giờ đã rợp bóng hàng cây xanh rì. Từ ngôi trường này đã có biết bao thế hệ trưởng thành. Thầy Nguyễn Duy Thảo - hiệu trưởng nhà trường - xúc động nói: "Ngôi trường chính là kết tinh của hàng triệu tấm lòng ân tình với mảnh đất Thanh Khê đau thương mà anh dũng".
Trường Thanh Khê ra đời rất đặc biệt. Ông Bùi Văn Tiếng - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, nguyên là bí thư Quận ủy Thanh Khê 2002-2007 - hiểu hơn ai hết. Ông Tiếng cho biết cơn bão Chanchu 2006 là một thảm họa đối với ngư dân Thanh Khê khi có hàng chục người chết và mất tích.
Điều an ủi sau thảm họa ấy là tấm lòng của người dân cả nước dành cho các nạn nhân và là sự thay đổi rõ rệt trong cách báo bão của ngành khí tượng.
Bấy giờ lãnh đạo quận suy tính là ngoài việc dành số tiền cứu trợ hỗ trợ thỏa đáng cho gia đình các nạn nhân thì còn làm thế nào để thế hệ con cháu của họ và con cháu ngư dân được học hết bậc phổ thông. Với "đề bài" như vậy thì cần có thêm một trường THPT ở ngay chính vùng đất này. Trường THPT Thanh Khê được thai nghén từ đó.
Sau hơn 10 năm thành lập, Trường THPT Thanh Khê đã đào tạo hàng ngàn học sinh tốt nghiệp ra trường - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Ý tưởng là vậy nhưng để hiện thực hóa không hề dễ dàng. Theo ông Tiếng, có hai việc phải làm. Một là phải điều chỉnh lại quy hoạch mạng lưới trường THPT của quận. Từ chỗ chỉ có một trường thành hai trường. Thứ nữa là tìm nguồn vốn xây dựng trường mới.
Khi điều chỉnh quy hoạch để có thêm một trường mới thì đòi hỏi phải giải được "bài toán" là giáo viên và vốn đầu tư. Giáo viên thì Trường THPT Thái Phiên sẽ "chia lửa", cái khó nhất còn lại là nguồn vốn.
Sau nhiều cuộc làm việc, lãnh đạo quận Thanh Khê tham mưu cho UBND TP không chuyển số tiền cứu trợ còn khá nhiều sang Quỹ nhà đại đoàn kết mà dùng để xây trường mới phù hợp hơn với mục đích cứu trợ của các nhà hảo tâm dành cho nạn nhân Chanchu, nếu thiếu thì xin ngân sách.
Để "ép phê" hơn, BCH Đảng bộ quận ra nghị quyết về việc xây dựng Trường Thanh Khê. Và tại nghị trường HĐND TP, ông Tiếng đăng đàn nói rõ việc nên dùng nguồn kinh phí từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm vào việc xây trường mới cho con em các nạn nhân bão Chanchu và cho con em ngư dân.
Và ngày 5-5-2007, Trường THPT Thanh Khê được khởi công xây dựng với tổng kinh phí hơn 8,3 tỉ đồng trên diện tích hơn 25.000m2.
"5 năm làm bí thư Quận ủy, nếu hỏi tôi có đóng góp gì lớn nhất cho quận, tôi có thể tự hào thưa rằng đó là việc đã cùng ban thường vụ Quận ủy tích cực tham mưu với lãnh đạo TP mở thêm cho Thanh Khê trường THPT thứ 2 nằm gần vịnh biển bằng chính nguồn tiền tình nghĩa của đồng bào cả nước" - ông Tiếng cho biết.
Ngôi trường này không chỉ dành cho con em ngư dân Thanh Khê mà còn rộng mở đón các em học sinh ở nhiều địa phương khác. Đó là minh chứng của sự hồi sinh và nhân ái.
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Duy Thảo
Thành tựu trên cát bỏng
Ngày 4-9-2007 là dấu mốc cho sự hiện diện của ngôi trường Thanh Khê gồm 2 dãy nhà 3 tầng mới cứng. Trước đó đã có cuộc "chi viện" cho Trường Thanh Khê từ giáo viên và học sinh Trường Thái Phiên.
Theo thầy Thảo, phải tiến hành điều động 12 cán bộ, giáo viên từ Trường Thái Phiên. Ngay hiệu phó cũng được điều về làm hiệu trưởng Trường Thanh Khê. Đồng thời tuyển dụng nhiều giáo viên mới để đủ "bộ khung" cho trường vận hành. Năm học đầu tiên, trường chỉ có vỏn vẹn 12 lớp với 454 học sinh.
Ngày khai giảng, trường vẫn còn trơ trọi giữa đất cát, những cây non còn chưa kịp tỏa bóng mát. "Đó là năm vất vả nhất khi mà giáo viên phải dạy cả ngày trong cả tuần, nắng cháy da, mùi hôi bốc lên từ những cơ sở sản xuất xung quanh" - thầy Thảo nhớ lại.
Cô Thúy Hồng chia sẻ thêm: "Trường hiện ra trước mắt lô nhô đất đá, cát sạn, vôi vữa. Gió thổi tứ bề làm cho ngôi trường càng thêm hiu hắt. Mùa hè rát bỏng bởi nắng và gió kèm theo vị mặn của biển cả".
Nhưng thời gian như liều thuốc nhiệm mầu đã giúp cô Hồng quen với cái khó, quên đi những thiệt thòi của riêng mình.
Trường THPT Thanh Khê sau hơn 10 năm xây dựng đã rợp bóng cây xanh - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Giữa bộn bề khó khăn, khi mà đầu vào học sinh của trường vừa ít, sức học lại yếu. Vậy nhưng, những giáo viên Trường Thanh Khê đã nương tựa vào nhau để vượt qua. Năm học đầu tiên, 100% học sinh tốt nghiệp THPT. Trải qua hơn 10 năm, đã có hơn 3.000 em đỗ tốt nghiệp; tại các cuộc thi, trường đã có 6 giải cấp quốc gia và khu vực, 181 giải cấp TP...
Cựu học sinh Tôn Nữ Hồng Bích chia sẻ: "Ngày bước chân vào trường, tôi còn quá nhỏ để hiểu ý nghĩa của nó. Thời gian qua đi, tôi dần mường tượng ra sự đóng góp của đồng bào cả nước dành cho nạn nhân bão Chanchu, trong đó có anh trai của mình. Lúc đó tim tôi như nghẹn lại và cảm thấy được an ủi phần nào về sự ra đi của anh".
Còn cựu học sinh Ngô Thị Thu Phương, sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã định cư tại Nhật Bản, cho biết: "Hoàn cảnh nhà tôi ngặt nghèo lắm. Chính các thầy cô đã tìm mọi cách để tôi không dang dở việc học, dành từng suất học bổng và động viên tôi vững bước trên con đường học vấn. Tôi biết ơn ngôi trường và các thầy cô vì điều đó".
Theo thầy hiệu trưởng Nguyễn Duy Thảo, Trường Thanh Khê là ngôi trường được xây nên từ tấm lòng của người dân cả nước. Vì vậy, ngôi trường này không chỉ dành cho con em ngư dân mà còn rộng mở đón các em học sinh ở nhiều địa phương khác. Đó là minh chứng của sự hồi sinh và nhân ái.
Nơi ghi nhớ thảm họa
Bão Chanchu là siêu bão năm 2006 đã gây ra hậu quả khủng khiếp cho hàng trăm ngư dân Việt đang đánh bắt trên Biển Đông. Có 43 tàu với hơn 700 ngư dân đang hoạt động tại vùng cơn bão đi qua. Đã có 273 người chết và mất tích.
Theo ông Bùi Văn Tiếng, Trường Thanh Khê là nơi để các thế hệ con cháu nạn nhân Chanchu và con cháu ngư dân Thanh Khê học hết bậc phổ thông, nhằm có đủ tri thức để kế tục sự nghiệp ra khơi bám biển.
Ngôi trường cũng là sự nhắc nhở để các thế hệ học sinh ghi nhớ, biết ơn tấm lòng của đồng bào cả nước dành cho quê hương mình sau thảm họa.
Kỳ tới: Từ di nguyện của một đại tá về hưu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận