05/04/2017 11:29 GMT+7

Ngồi học sai tư thế, nguy cơ thoái hóa sớm

MẠNH KHANG - XUÂN MAI
MẠNH KHANG - XUÂN MAI

TTO - Câu chuyện “Khốn khổ vì bàn ghế...“siêu lùn”” của thầy và trò Trường tiểu học Nghĩa Điền, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi đã khơi lại băn khoăn bàn ghế không đúng chuẩn ảnh hưởng đến sức khỏe các em học sinh ra sao?

Nên hạn chế cho trẻ em nằm, ngồi học, đọc sách sai tư thế - Ảnh: Duyên Phan

Bàn ghế quá cao hay quá thấp so với người ngồi đều dễ gây các tật liên quan đến hình thể.

Ít quan tâm bàn ghế phù hợp

Một phụ huynh có con là học sinh THCS tại Đồng Tháp cho biết: “Bàn ghế ở rất nhiều trường học hiện vẫn là loại bàn cả dãy dài, bàn và ghế dính liền, 3-4 em ngồi cùng. Cả lớp hơn 30 học sinh dùng cùng một kiểu bàn với cùng kích thước dù thực tế học sinh THCS khi bước vào tuổi dậy thì, chiều cao rất khác nhau”.

Thế nhưng, chuyện mua bàn ghế phù hợp cho trẻ dường như chưa được nhiều phụ huynh quan tâm. Nhiều người mua các loại bàn xếp, ghế xếp cho tiện lợi nhưng không phù hợp làm bàn học cho trẻ em.

Một số bạn đọc còn phản ảnh tại một số lớp học thêm dạy thêm, học nâng cao tại nhà, các học sinh phải ngồi trên những bộ bàn ghế nhỏ hẹp chủ yếu để đặt được nhiều bàn trong nhà chứ ngồi không thoải mái. Ánh sáng cũng không đảm bảo.

Nguy cơ sớm thoái hóa xương khớp

Bác sĩ CKII Trương Công Dũng - Hội Nội soi cơ xương khớp TP.HCM - cho biết: “Chiều cao bàn ghế phải phù hợp với từng lứa tuổi học sinh để khi ngồi, cột sống các em luôn ở tư thế thẳng đứng, vuông góc với mặt ghế, hai chân thoải mái không gò bó”.

Với những trường hợp người ngồi không đúng tư thế, đặc biệt là các em học sinh phải ngồi trên bàn ghế không phù hợp thời gian dài, sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến xương khớp.

Cụ thể, bàn ghế không phù hợp sẽ khiến người ngồi sai tư thế như cong lưng, cổ cúi... gây đau nhức, gù lưng, vẹo cột sống, nặng hơn là thoái hóa cột sống cổ, co rút cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thể hình và thẩm mỹ.

Đối với trẻ còi xương hoặc có sự phát triển về cơ xương không bình thường, ngồi tư thế không thuận lợi sẽ khiến trẻ có nguy cơ cao bị chân vòng kiềng, chân hình chữ X hoặc bàn chân lệch trong, lệch ngoài...

Bác sĩ Phạm Thế Hiển, khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết việc các em ngồi sai tư thế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe như: cận thị, sưng phù xương khớp. Bên cạnh đó các tư thế như nằm bò ngẩng cổ học bài, nằm sấp đọc sách (thường ở nhà) dẫn đến tức ngực, trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến hô hấp.

Chán học, mắc bệnh về mắt

Theo một số chuyên gia về mắt, tư thế ngồi học đúng là khoảng cách từ mắt đến vở (hay mặt bàn) phải từ 25-30cm, điều kiện ánh sáng phải đảm bảo, thuận chiều từ trái sang. Ngồi học với bàn ghế không phù hợp khiến học sinh phải cúi người khi đọc, viết, lâu ngày dễ gây các tật khúc xạ về mắt như cận thị. Thực tế, ngày nay số lượng học sinh mắc cận thị trong một lớp học hiện nay đều dao động từ 60-80%.

Khi trẻ phải ngồi trên bàn ghế không phù hợp dễ gây sự tắc nghẽn khí huyết làm cho trẻ tê tay tê chân, đau đầu, chóng mặt. Việc di chuyển, thay đổi thế ngồi của trẻ cũng gặp khó khăn, trẻ có thể cảm giác mỏi mệt, khó chịu vì vậy khó tập trung vào việc học. Nếu để tình trạng này kéo dài dễ dẫn đến trẻ chán học.

Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ cho rằng một trẻ học lớp 5 mà ngồi bàn ghế học sinh lớp 1 lâu ngày thì tâm lý các em sẽ không thoải mái, sẽ có suy nghĩ mình còn nhỏ, hành động “trẻ con như học sinh lớp 1”. Điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ, trẻ dễ mang tâm lý không cần nỗ lực học tập.

Theo thông tư liên tịch Bộ GD-ĐT, Bộ KH-CN và Bộ Y tế về hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh, chiều cao học sinh được chia thành 6 nhóm (từ 1m đến 1,75m) tương ứng với 6 nhóm bàn ghế khác nhau về chiều cao, chiều rộng và chiều sâu. Bàn ghế được thiết kế tối đa không quá hai chỗ ngồi, bàn và ghế rời nhau độc lập...

Thông tư cũng quy định cụ thể cách bố trí bàn ghế trong phòng học thông thường.

MẠNH KHANG - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên