14/04/2024 19:29 GMT+7

Ngô Hồng Quang mang cả văn hóa dân tộc thiểu số vào album đĩa than Rạng đông

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, Ngô Hồng Quang bảo khó khăn lớn nhất khi thực hiện album đĩa than 'Rạng đông' là làm sao để màu sắc của văn hóa dân tộc thiểu số và âm nhạc đương đại hòa quyện. Bởi hai yếu tố có sự tương khắc nhất định.

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang giới thiệu album Rạng đông - Ảnh: HỒ LAM

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang giới thiệu album Rạng đông - Ảnh: HỒ LAM

Chiều 14-4, tại TP.HCM đã diễn ra buổi ra mắt album đĩa than Rạng đông của nghệ sĩ Ngô Hồng Quang. Đây là album thứ 8 mà anh phát hành rộng rãi đến công chúng.

Khi văn hóa bản địa kết hợp âm nhạc đương đại

Album Rạng đông gồm 8 tác phẩm, biểu đạt những khoảnh khắc văn hóa âm nhạc bản địa xuyên suốt từ Đông qua Tây Bắc và kéo dài tới vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Hầu như trong mỗi tác phẩm đều mang màu sắc riêng biệt của từng nhóm sắc tộc thiểu số Việt Nam với âm nhạc của người Tày, Nùng, Pa Dí, Xá, Mông, Chăm.

Cũng như những cuộc điền dã để tìm kiếm chất liệu sáng tạo trong các tác phẩm âm nhạc trước, lần này, Rạng đông của Ngô Hồng Quang ghi lại những cảm xúc riêng biệt của anh sau nhiều cuộc hành trình tới những khu rừng, ngọn núi.

Anh nghe từng câu chuyện, tiếng đàn, khúc ru, tiếp xúc với những con người giản dị trong ngôi nhà nhỏ nằm trên những bản làng để rồi Hồng Quang chọn cách lưu giữ lại bằng tình yêu và cách biểu đạt âm nhạc riêng biệt của mình.

Ví như, tác phẩm Tiếng lượn nhắn người phương xa là một dân ca tiêu biểu của người Tày. Ngô Hồng Quang đã kết hợp với không gian âm nhạc đương đại qua bộ gõ quốc tế, khai thác chất liệu âm nhạc dân tộc.

Anh đã dành ra nửa năm cho khâu thu âm tại Việt Nam và Pháp và toàn bộ khâu hòa thanh phối khí, hậu kỳ làm ở Pháp. Tính cả thời gian đi điền dã thì anh mất hơn một năm để "thai nghén" album Rạng đông.

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang chơi đàn môi, nhạc cụ độc đáo của người Mông, trong họp báo - Video: HỒ LAM

Ngô Hồng Quang nhận thấy thể loại âm nhạc về văn hóa bản địa còn khá mới nên anh có khao khát lan tỏa đến với nhiều người hơn.

"Nói thật là tôi cảm giác chất nhạc này đang mai một. Khi tôi quay lại, trình diễn cho người dân bản địa nghe những bài hát này thì họ rơi nước mắt. Điều đó thôi thúc tôi tiếp tục sáng tạo" - Hồng Quang tâm sự.

Và theo anh, để màu sắc của văn hóa dân tộc thiểu số và âm nhạc đương đại hòa quyện với nhau thì cần có sự tìm tòi, dấn thân vào cộng đồng của người dân bản địa để tìm ra được chất liệu sáng tạo thật nhất.

'Rạng đông' là khát khao sống mãnh liệt của người dân bản địa

Để lan tỏa rộng rãi Rạng đông, anh dự định in 200 bản đĩa than. Sau đó, in khoảng 2.000 bản CD và lan tỏa các tác phẩm trên môi trường âm nhạc số.

Anh nói với Tuổi Trẻ Online, việc kết hợp âm nhạc bản địa với beatbox cũng là một hình thức lan tỏa đến với khán giả trẻ nhiều hơn. Và anh đã làm điều đó trong album này.

Album Rạng đông - Ảnh: HỒ LAM

Album Rạng đông - Ảnh: HỒ LAM

Các nghệ sĩ tham gia vào album có 4 nghệ sĩ từ Ấn Độ, Nhật, Pháp, Hà Lan và 5 nghệ sĩ Việt Nam.

Hồng Quang bảo Rạng đông vừa là tên một sáng tác mới trong album cũng vừa là một hình ảnh đầy ý niệm về một ngày mới.

Đó là những nguồn năng lượng tích cực mới hay cũng là những ước mơ vươn tới sự hướng thượng, khát khao sức sống mãnh liệt để vượt qua mọi khó khăn gian khổ của những người dân bản địa tại miền núi cao hiểm trở.

"Tôi rất thích từ 'rạng đông' bởi có lần tôi thấy mặt trời mọc cạnh những ngôi đền tháp của người Chăm. Và tôi muốn đưa hình ảnh đó vào tác phẩm của mình".

Tác phẩm Rạng đông trong album là sự kết hợp giữa đàn nhị, tiêu, sáo trúc, tam thập lục, đàn tranh Nhật Bản, bộ gõ Ấn Độ.

Ngô Hồng Quang: Chàng du ca bay từ đồi nonNgô Hồng Quang: Chàng du ca bay từ đồi non

TTCT - Gặp nghệ sĩ Ngô Hồng Quang ở sân bay Liên Khương - Đà Lạt chỉ hai ngày sau khi anh về VN. Hỏi anh không chịu nổi cái nắng của miền xuôi vì đã trót quen khí hậu ôn đới? Anh cười: “Tôi về đồi non”.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên