Trong báo cáo trước Quốc hội chiều 20-10 về định hướng kế hoạch tài chính, ngân sách giai đoạn 2016-2020, một trong những đặc điểm của giai đoạn 2011-2015 được ông Đinh Tiến Dũng nêu ra là tình hình kinh tế khó khăn khiến tốc độ tăng thu chậm lại, nhu cầu chi và nghĩa vụ trả nợ tăng lên.
Vay lắm, trả nợ nhiều
Trong các nguyên nhân dẫn đến nợ công tăng nhanh có tình trạng kỷ luật, kỷ cương tài chính chưa nghiêm, chi thường xuyên chiếm tỉ lệ rất lớn trong tổng chi ngân sách. Đặc biệt, những năm gần đây đã xảy ra tình trạng trong điều hành ngân sách phải vay đảo nợ.
Những tồn tại đáng chú ý là cân đối chi chưa phù hợp với khả năng của nền kinh tế, vay nợ chưa gắn với khả năng và trách nhiệm trả nợ, bội chi ngân sách còn cao, nợ công tăng nhanh đến gần sát mức cho phép…
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết định hướng tài chính, ngân sách cho giai đoạn tiếp theo được xác định trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7% được Đại hội Đảng đề ra, Chính phủ dự kiến GDP bình quân cho giai đoạn là 6,75%.
Định hướng thu ngân sách nhà nước tăng 1,65 lần so với giai đoạn trước. Chính phủ xác định phải triệt để tiết kiệm, ưu tiên đầu tư cho con người, bảo đảm an toàn nợ công.
“Bội chi toàn giai đoạn là 3,9% GDP, với mức bội chi như vậy thì nợ công giai đoạn này sẽ sát ngưỡng 65% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước chỉ bố trí cho đầu tư phát triển. Cố gắng nâng tỉ lệ chi đầu tư phát triển từ khoảng 20% tổng chi ngân sách nhà nước như hiện nay lên 25-26%” - ông Dũng cho hay.
Trong giai đoạn này, nhu cầu đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn rất lớn, nhưng sau khi cân đối thì Chính phủ đề nghị chi đầu tư phát triển khoảng 2 triệu tỉ đồng.
Trong giai đoạn 2017-2020, ngân sách còn phải dành hơn 800.000 tỉ đồng để trả nợ. Để có tiền chi đầu tư phát triển với mức như vậy, ngoài nỗ lực thu ngân sách đáp ứng dự toán, nhu cầu vay của ngân sách nhà nước mỗi năm khoảng 400.000 tỉ đồng.
Ông Dũng nói rằng số vay này rất lớn, phải có giải pháp phù hợp thì mới thực hiện được.
Vốn viện trợ, vay ưu đãi ngày càng giảm
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cho rằng trong giai đoạn vừa qua “một số nguyên tắc của Luật ngân sách nhà nước và các nghị quyết của Quốc hội chưa được đảm bảo, kỷ luật tài chính chưa nghiêm”.
Vay nợ ngày càng nhiều nhưng “công tác quản lý vốn ODA còn những bất cập từ khâu lập dự toán, bố trí vốn đối ứng và triển khai thực hiện.
Trong quản lý vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước, việc phân bổ còn dàn trải, lãng phí; nợ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thu hồi vốn ứng trước còn kéo dài…”.
Lo lắng trước tình trạng bội chi và nợ công, cơ quan thẩm tra của Quốc hội nhấn mạnh: “Bội chi vẫn ở mức cao, không đạt mục tiêu đề ra. Một phần bội chi đã phải sử dụng trả nợ gốc, thể hiện cân đối ngân sách chưa chắc chắn.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn trên thị trường quốc tế khó khăn hơn, chi phí cao hơn; vốn viện trợ và các khoản vay ưu đãi ngày càng giảm do VN trở thành nước có thu nhập trung bình”.
Ủy ban Tài chính - ngân sách nhìn nhận rằng “trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, ngân sách của nước ta hiện nay còn nặng về chi thường xuyên, chưa phải là ngân sách phát triển vì tỉ lệ tích lũy từ ngân sách cho đầu tư phát triển còn rất thấp.
Đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước chủ yếu dựa vào vay để bù đắp bội chi, vay ngoài nước, vay phát hành trái phiếu chính phủ và số thu từ xổ số kiến thiết, thu từ đất còn chiếm tỉ trọng lớn”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận