31/05/2013 10:45 GMT+7

Nên thôi "cơ bản đồng tình"

TS Lưu Bích Hồ
TS Lưu Bích Hồ

TT - Tôi đã dành buổi sáng để nghe thảo luận tại hội trường của Quốc hội hôm qua (30-5). Điều đáng mừng là dù một số đại biểu quen thuộc có phát biểu sắc sảo đã không còn tham gia Quốc hội nhưng qua các kỳ Quốc hội gần đây, người dân đã bắt đầu phát hiện những đại biểu mới, phát biểu có chính kiến xác đáng, khiến cử tri cảm thấy “đã”.

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII

Tuy nhiên, điều tôi cảm thấy rất không nên là một số đại biểu vẫn giữ thói quen mở đầu bằng câu “cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ”.

Đáng lưu ý, có đại biểu còn nói cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Đúng là hai báo cáo này có điểm tương đồng, nhưng cũng có rất nhiều ý kiến khác, thậm chí phản biện lại, vì đó là báo cáo thẩm tra. Vậy mà đại biểu cứ đồng tình cả hai thì không hiểu chuyện đồng tình đó là như thế nào?

Cách nói “cơ bản đồng tình” đã thành một công thức của nhiều đại biểu, mà theo tôi, nên hạn chế, thậm chí là không dùng. Đại biểu của dân, thể hiện chính kiến thì nên cụ thể hơn, điểm nào đồng tình thì nói đồng tình, điểm nào không đồng tình thì nói không. Chứ với tư cách cử tri, tôi cũng như nhiều người từng chia sẻ, thấy cách nói “cơ bản đồng tình” là khá chung chung, có vẻ ngại va chạm, thậm chí là nước đôi.

Qua thảo luận ngày hôm qua, tôi rất thích các ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc, Lê Thị Nga... Họ phát biểu nhiều vấn đề rất cụ thể, sâu sắc, trong đó có những lời nhắc mà tôi nghĩ cơ quan nhà nước cần tiếp thu, như ý tứ đoàn kết không chỉ ở dân mà cả lãnh đạo cũng cần đoàn kết...

Song, qua thảo luận, điều có thể nhận thấy là dường như có hai nhóm đại biểu, có nhóm đại biểu phát biểu rất sâu sắc và hay, còn có những đại biểu phát biểu chưa tập trung, chưa đúng tầm.

Tất nhiên, đất nước có nhiều vấn đề, có nhiều lĩnh vực cần phản ánh. Nhưng cử tri cũng rất mong nhiều đại biểu phát biểu hay hơn, sâu sắc hơn, sát hơn những vấn đề quốc kế dân sinh để giúp phân tích cái được, chưa được của chính sách, từ đó đề xuất được những cải cách, chính sách tốt cho đất nước, xứng đáng hơn với niềm tin và kỳ vọng của dân, nhu cầu của đất nước.

(nguyên viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch - đầu tư)

TS Lưu Bích Hồ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên