04/11/2014 12:14 GMT+7

​Nên tăng lương theo đúng lộ trình

L.K. - H.ÐIỆP ghi
L.K. - H.ÐIỆP ghi

TT - Với lý do cân đối ngân sách khó khăn, Chính phủ trình Quốc hội đề nghị chưa tăng lương theo lộ trình trong năm 2015. Chúng tôi giới thiệu các ý kiến xung quanh vấn đề này.

Cô giáo mầm non xã Loóng Luông (huyện Mộc Châu, Sơn La) đắp chăn chống rét cho học sinh trong giờ ngủ trưa - Ảnh: T.T.D.

* Ông ĐẶNG NGỌC TÙNG (chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN):

Không tăng lương sẽ dễ tăng tiêu cực

Với khu vực ngoài nhà nước thì người lao động hưởng lương do người sử dụng lao động trả, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp hai phiên trong tháng 9 vừa rồi và đi đến thống nhất là từ ngày 1-1-2015 lương tối thiểu sẽ tăng từ 14,5-15% so với hiện tại (cho cả bốn vùng) đang trình Chính phủ thông qua để thực hiện.

Ðối với khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước, Chính phủ đã có lộ trình tăng lương để đạt mục tiêu lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu. Tuy vậy, phân bổ ngân sách nhà nước năm 2015 vừa được Chính phủ trình Quốc hội lại đề nghị chưa tăng lương theo lộ trình với lý do cân đối ngân sách khó khăn.

Nhưng Quốc hội vẫn đang thảo luận bàn bạc và quyết định ngân sách năm 2015, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội vẫn đề nghị giữ nguyên lộ trình tăng lương.

Có một số đại biểu đề nghị nếu không tăng lương đồng loạt thì nên tăng lương cho một số đối tượng khó khăn, thu nhập thấp. Tôi cho rằng đây là giải pháp cuối cùng, khi thực hiện các giải pháp khác để tăng lương theo lộ trình đều không thể thực hiện được thì bắt buộc phải thực hiện giải pháp cuối cùng này.

Những cán bộ cao cấp thu nhập cao thì không nói làm gì, nhưng tuyệt đại đa số người lao động thu nhập thấp nếu không được tăng lương sẽ rất khó khăn cho đời sống của họ, nhất là những người hưu trí, đặc biệt là những cán bộ hưu trí trước đây khi lương còn thấp, những người hưởng chính sách như thương bệnh binh... sẽ gặp nhiều khó khăn.

Quan điểm của tôi là không nên lùi lộ trình tăng lương, cần thật tiết kiệm, tính toán thật kỹ và giảm các khoản chi chưa cần thiết. Nhất là các khoản chi cho hội nghị, hội thảo... để đảm bảo lộ trình tăng lương cho người lao động, nhất là đối tượng chính sách, người về hưu.

Nếu lương tối thiểu trả cho cán bộ công chức mà không bảo đảm được mức sống tối thiểu sẽ dễ dẫn đến các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, họ sẽ quay qua hành dân, gây khó dễ cho doanh nghiệp, họ vui vẻ nhận phong bì bôi trơn để có thêm thu nhập và đó là nguồn gốc của hối lộ, tham nhũng.

* Cô NGÔ THỊ KIM OANH (giáo viên Trường THCS thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái):

Nhiều cô giáo phải đi bán rau, bán bánh mì

Tôi là giáo viên dạy trung học cơ sở ở miền núi. Tôi không biết các đồng nghiệp ở thành phố sống thế nào với đồng lương của mình, còn chúng tôi thật sự cảm thấy rất khó khăn.

Bởi là miền núi nên mọi thứ từ lớn đến nhỏ đều đắt đỏ, vì vậy để sống được với đồng lương nhà nước chúng tôi phải tằn tiện chắt bóp rất nhiều, các cô giáo phải cải thiện bằng cách trồng rau và chăn nuôi thêm.

Tuy nhiên, có những khoản tiêu dùng trong gia đình có thể tằn tiện được nhưng nhiều khoản chi khác cho con cái, ốm đau, bệnh tật.. thì không thể tằn tiện. Trước đây, có những cô giáo, thầy giáo giỏi chuyên môn mở những lớp bồi dưỡng kiến thức cho các em học sinh.

Nhưng từ khi Bộ GD-ÐT yêu cầu phải đăng ký thì nhiều thầy cô giáo không dạy nữa. Nhiều đồng nghiệp của tôi chuyên môn rất giỏi đã phải kiếm thêm thu nhập bằng việc đi bán rau hoặc mở cửa hàng bán bánh mì.

Chúng tôi rất buồn vì như vậy mọi lo toan có thể khiến kiến thức chuyên môn bị thui chột, và đương nhiên người thiệt thòi không chỉ chúng tôi mà còn cả các em học sinh nữa.

Nơi tôi ở có lẽ khó khăn còn ít, chứ nhiều đồng nghiệp của tôi ở cùng huyện nhưng điều kiện đi lại xa xôi thì khó khăn lắm. Vậy nên, nếu không được tăng lương theo như dự kiến, chúng tôi không biết phải làm sao.

Thầy cô giáo dạy trên miền núi đều rất tâm huyết với học sinh của mình, bởi không tâm huyết thì không thể trụ nổi với nghề cùng với những điều kiện khó khăn vất vả.

Nhưng nếu đồng lương cứ mãi không đủ sống, chúng tôi phải nghĩ cách để lo kiếm miếng ăn, cái mặc cho con thì sẽ khó có điều kiện để nâng cao chuyên môn, trình độ.

Chống lãng phí để tăng lương

Nếu ngân sách thật sự cạn kiệt, Nhà nước thiếu tiền, người lao động hưởng lương ngân sách sẵn sàng thắt lưng buộc bụng dù tiếp tục phải chịu đói ăn để cùng với Nhà nước vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, tình hình đất nước rõ ràng không như vậy. Lãng phí ngân sách bày ra trước mặt mọi người, ở mọi địa phương. Trong dân ở đâu suy nghĩ cũng giống nhau: chỉ cần bớt lãng phí cũng đủ để tăng lương.

Ðầu năm 2012, Ðài truyền hình Việt Nam đã chiếu bộ phim bảy tập về lãng phí tiền nhà nước ở các tỉnh, thành phố trên cả nước qua việc đầu tư công phân tán, dàn trải, kém hiệu quả. Vụ lãng phí nào cũng hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng.

Mỗi vụ lãng phí đều kèm theo hình ảnh cụ thể. Có vụ là công trình xây dựng mấy năm mới xong nhưng chẳng có người lui tới, chỉ có một người canh gác.

Có những khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế ven biển rộng hàng trăm, hàng ngàn hecta sử dụng chẳng bao nhiêu, biến thành đất hoang, cây cối mọc um tùm.

Có những sân bay, cảng biển, cảng sông, chợ, trung tâm thương mại...hiệu quả sử dụng rất thấp, kinh doanh thì lỗ. Có công trình đành “đắp chiếu”...

Bộ phim có phần quan trọng không thực hiện được, là ai cũng mong những “nhân vật” đã gây ra những lãng phí tày trời sẽ xuất hiện trên phim, nhưng họ đã không chịu cộng tác với đoàn làm phim.

Qua bảy tập phim, mọi người theo dõi đã nhìn thấy những lãng phí tiền dân trải dài từ đồng bằng sông Cửu Long đến các tỉnh miền núi phía Bắc, suốt dải đất ven biển miền Trung lên Tây nguyên.

Người xem phim rất hài lòng khi lãng phí được gọi là “tội ác”, trong khi mấy chục năm qua lãng phí ngân sách nhà nước chỉ được gọi là khuyết điểm, là thiếu sót, dù lãng phí đến hàng ngàn tỉ đồng.

Còn rất nhiều lãng phí khác từ ngân sách nhà nước, tức là dân chịu cả. Như chuyện nhiều cơ quan dùng tiền nhà nước chiêu đãi khách ở nhà hàng, bia và rượu uống thỏa sức vì cả chủ và khách đều không phải bỏ tiền túi, trong khi phần lớn người lao động đang chật vật với cuộc sống.

Năm 2014 đã không tăng lương nhưng các nhu yếu phẩm tiếp tục tăng. Nếu năm 2015 cũng không tăng lương, chưa rõ đời sống của người lao động còn gian nan, cơ cực đến đâu nữa.

Nguồn lực tài chính để tăng lương vẫn còn, chỉ cần bớt một phần lãng phí ngân sách, kiên quyết cắt mọi chi tiêu lãng phí thì việc tăng lương theo đúng lộ trình vẫn trong tầm tay của Nhà nước.

THÁI DUY

L.K. - H.ÐIỆP ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên